Hotline 24/7
08983-08983

43% người cao tuổi thiếu vitamin D nặng và rất nặng

TS.BS Cao Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch Liên Chi Hội Lão khoa TPHCM cảnh báo, tình trạng thiếu vitamin D khá phổ biến ở người cao tuổi, tình trạng này làm tăng nguy cơ té ngã, tử vong.

Thiếu vitamin D hiện là vấn nạn toàn cầu, không chỉ xảy ra ở các nước ôn đới, mà ngay cả các nước nhiệt đới cũng phổ biến không kém. Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ thiếu vitamin D ở nam giới là 16%, trong khi đó ở nữ giới gia tăng gần gấp đôi với 30%.

Tình trạng thiếu vitamin D ở người lớn tuổi cũng rất báo động. Một thống kê cho thấy, 85% người lớn tuổi không đạt nồng độ vitamin D bình thường, và 43% người cao tuổi thiếu vitamin D nặng và rất nặng. Đây là những thông tin cảnh báo được TS.BS Cao Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch Liên Chi Hội Lão khoa TPHCM đưa ra trong bài báo cáo “Thiếu vitamin D ở người cao tuổi, tại sao cần quan tâm?” tại hội nghị khoa học thường niên năm 2022 của Liên chi hội Lão khoa TPHCM.

Vitamin D là một loại “hormone” không chỉ quan trọng trong cân bằng canxi và khoáng hóa xương mà còn nhiều chức năng quan trọng khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra, người có nồng độ vitamin D bình thường có nguy cơ tử vong, nguy cơ té ngã, nguy cơ nhiễm COVID-19 và diễn tiến nặng thấp hơn người thiếu vitamin D trung bình, nặng.

Người cao tuổi tăng nguy cơ thiếu vitamin D là do teo da và tổ chức dưới da làm giảm nồng độ 7- dehydrocholesterol; giảm các hoạt động ngoài trời, ăn mặc kín đáo; ăn uống kém, chế độ ăn thiếu vitamin D; đa bệnh, đặc biệt là suy gan, suy thận.

Vì vậy, TS.BS Cao Thanh Ngọc nhấn mạnh rằng, cần tầm soát thiếu vitamin D ở những người nhuyễn xương, loãng xương, người bệnh thận mạn, hội chứng kém hấp thu (xơ nang, bệnh rượu viêm, bệnh crohn, phẫu thuật cắt dạ dày, viêm ruột do xạ trị), cường giáp cấp, đặc biệt là người cao tuổi có tiền căn té ngã, người cao tuổi có tiền căn gãy xương không do chấn thương...

TS.BS Cao Thanh Ngọc đóng góp nhiều bài báo cáo khoa học thú vị, trong đó có tình trạng thiếu vitamin D ở người lớn tuổi tại hội nghị năm 2022

Trong đó, định lượng 25(OH)D được khuyến cáo sử dụng để chẩn đoán và phân loại mức độ thiếu vitamin D bằng phương pháp miễn dịch điện hóa phát quang cho kết quả chính xác. Nếu xác định người lớn tuổi thiếu vitamin D, khuyến cáo điều trị bằng 50.000 IU vitamin D2 hoặc vitamin D3 mỗi tuần một lần trong 8 tuần hoặc 6.000 IU/ ngày, sau đó điều trị duy trì 1.500-2.000 IU/ngày.

Mục tiêu điều trị là nồng độ 25(OH)D> 30ng/ ml. Người lớn tuổi cần được xét nghiệm lại nồng độ vitamin D sau mỗi 3 tháng điều trị, có thể xét nghiệm lại sau 1 tháng nếu dùng liều cao 50.000 UI/ ngày ở bệnh nhân còi xương, nhuyễn xương

Riêng đối với người lớn tuổi không bị thiếu hụt vitamin D, theo khuyến cáo của Hội lão khoa Hoa Kỳ (AGS) cần bổ sung ít nhất 1.000 IU/ ngày. Với người từ 50 tuổi trở lên, Hội Loãng xương Hoa Kỳ (NOF) khuyến cáo cần bổ sung 800-1.000 IU/ ngày, liều tối đa an toàn là 4.000 IU/ ngày.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X