Hotline 24/7
08983-08983

3 sai lầm cần tránh khi sử dụng thuốc kháng virus điều trị COVID-19 tại nhà

Dưới đây là những lưu ý của BS Trương Hữu Khanh về việc sử dụng thuốc kháng virus điều trị COVID-19 tại nhà.

1. Có phải thuốc kháng virus khó điều chế hơn thuốc kháng vi khuẩn?

Thưa BS, thuốc kháng sinh thì chúng ta có nhiều loại, còn thuốc kháng virus lại ít hơn, có phải do virus khó điều chế hơn vi khuẩn không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đúng là virus khó điều trị hơn vi khuẩn. Để tìm ra một loại thuốc kháng virus tương đối khó khăn vì cấu trúc của nó mặc dù đơn giản nhưng thường đi sâu vào tế bào, trong khi đó vi khuẩn có cấu trúc rõ ràng hơn.

2. Thuốc kháng virus có phải đều là thuốc kê toa?

Có phải tất cả các thuốc kháng virus đều là thuốc kê toa không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cho đến thời điểm hiện tại, thuốc kháng sinh và thuốc kháng virus đều là thuốc kê toa. Tuy nhiên, thực tế thì người ta vẫn có thể mua được ở bên ngoài.

3. Vì sao thuốc kháng virus chỉ dùng ngắn ngày?

Vì sao thuốc kháng virus chỉ dùng ngắn ngày, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Với virus ăn sâu vào tế bào hoặc bệnh nặng mới cần dùng dài ngày để kiềm chế. Đa số virus cấp tính sẽ ở trong cơ thể khoảng 7-10 ngày là đào thải ra ngoài, vì vậy chỉ cần uống thuốc ngắn ngày là được.

4. Có loại thuốc nào vừa kháng virus, vừa kháng vi khuẩn?

Như vậy có thuốc nào vừa kháng virus, vừa kháng vi khuẩn không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Rất hiếm thuốc nào có thể vừa kháng virus, vừa kháng vi khuẩn. Có một số loại thuốc có kháng chéo, ví dụ chống được ký sinh trùng, vi trùng, tuy nhiên để có tác dụng hoàn hảo thì không nhiều, gần như rất hiếm thuốc nào đạt được.

5. Thuốc kháng virus phòng ngừa COVID-19, có hay không?

Trên mạng hiện nay có một số thuốc kháng virus được quảng cáo là phòng ngừa và chữa bệnh COVID-19. Theo BS, thực hư công dụng của những thuốc này như thế nào?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đến nay, trên thế giới chưa có thuốc nào kháng virus mà ngừa được COVID-19. Trên thế giới chỉ có phương pháp ngừa virus bằng thuốc virus đó là HIV. Hoặc người ta sẽ sử dụng kháng thể đơn dòng, chích ngừa. Vì vậy, đừng để “tiền mất, tật mang” vì tin vào thuốc kháng virus ngừa COVID-19.

Khá nhiều đơn thuốc chuyền tay theo kinh nghiệm của các F0 có sử dụng thuốc kháng virus, mặc dù không phải là thuốc điều trị COVID-19. Như vậy những thuốc đó có giúp làm giảm triệu chứng không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Kháng sinh có thể sử dụng cho nhiều vi trùng khác nhau, nhưng thuốc kháng virus thì không như vậy, đa số chỉ dùng được cho đúng dòng virus đó hoặc họ hàng gần nó. Thuốc kháng virus khó điều chế là vì vậy.

Chẳng hạn điều chế kháng sinh có thể phổ rộng cho rất nhiều vi khuẩn khác, nhưng với một thuốc kháng virus cũ đem đi thử nghiệm với virus mới là gần như không có tác dụng. Do đó, chúng ta đừng nghĩ dùng các loại thuốc kháng virus cũ, ví dụ như cúm, viêm gan, Herpes simplex… có thể kháng lại virus SARS-CoV-2. Đây là quan niệm sai lầm cần tránh.

Thuốc kháng virus nếu dùng sai chỉ định có thể dẫn đến hậu quả gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thứ nhất, thuốc kháng virus không diệt được COVID-19 thì loại nào cũng có tác dụng phụ. Thứ hai là tốn tiền. Như vậy, nếu dùng không đúng chỉ định sẽ là “tiền mất, tật mang”, không có giá trị nào cả. Thậm chí, thuốc trôi nổi hiện nay còn có khả năng là thuốc giả.

Ngoài ra, thuốc kháng virus cần sử dụng đúng, bởi đây là bệnh tự khỏi, chỉ những người rất đặc biệt mới cần sử dụng thêm thuốc kháng virus. Vì vậy, chúng ta không nên sử dụng cho mọi trường hợp mà cần có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, chúng ta cần chú ý những người có bệnh nền, người lớn tuổi, người chưa tiêm ngừa đủ 3 mũi thì mới cân nhắc đến việc dùng thuốc kháng virus để diệt SARS-CoV-2. Còn lại các cá nhân khác, đã tiêm đủ vắc xin nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

6. Những sai lầm thường gặp khi sử dụng thuốc kháng virus?

BS có thể điểm lại các sai lầm khi F0 sử dụng thuốc kháng virus khi điều trị tại nhà?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

- Thứ nhất là dùng thuốc kháng virus để phòng ngừa khi tiếp xúc với F0. Đây là quan điểm sai lầm đầu tiên.

- Thứ hai là dùng thuốc kháng virus mỗi ngày để ngừa COVID-19. Điều này không đúng. Để phòng ngừa COVID-19 chỉ có thực hiện 5K + vắc xin.

- Thứ ba là dùng thuốc không rõ nguồn gốc. Khi sử dụng thuốc kháng virus thì loại thuốc đó phải có trong phác đồ của Bộ Y tế, không phải hàng trôi nổi. Bởi vì hàng trôi nổi chúng ta không thể kiểm soát được chất lượng, có thể là thuốc giả.

Nói tóm lại, thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 là phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Và chỉ có thuốc kháng virus chuyên trị cho COVID-19 mới chữa được COVID-19, còn tất cả các loại kháng virus khác để chữa cúm, Herpes simplex, viêm gan, HIV… đều không có tác dụng với COVID-19.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X