Hotline 24/7
08983-08983

11 nhóm người KHÔNG NÊN giác hơi

Người bệnh có các tổn thương trên da; người sốt cao hoặc đang co giật; người có tiền sử bệnh tim, thận, phổi; người bệnh ung thư di căn; trẻ em dưới 4 tuổi... là những nhóm người không nên giác hơi.

Giác hơi là một phương thức trị liệu không dùng thuốc khá độc đáo có nguồn gốc từ Trung Quốc, còn có tên gọi khác là hỏa liệu pháp. Hiện nay, dụng cụ giác hơi hay phương pháp giác hơi có 3 loại:

Giác hơi “khô”: Đây là phương pháp giác hơi bằng cách đun nóng bên trong cốc bằng que lửa, đốt cồn, thảo mộc, giấy. Khi lửa tắt thì người giác hơi nhanh chóng úp cốc vào da người bệnh, khi không khí bên trong nguội đi sẽ tạo ra áp suất âm để kéo da vào bên trong cốc.

Giác hơi “khí”: Thay vì sử dụng một ngọn lửa để đốt, với phương pháp này, cốc giác được áp lên da và hút không khí trong cốc bằng một bên bơm chuyên dụng để tạo ra chân không.

Giác hơi “ướt”: Giác hơi bằng phương pháp này sẽ kết hợp chích lể da trước khi đặt cốc giác. Khi cốc giác được áp vào da và da được hút lên, một lượng nhỏ máu có thể chảy ra từ vị trí chích với tác dụng giúp loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể.

Theo Y học cổ truyền, giác hơi có tác dụng điều chỉnh âm dương, sơ kinh thông lạc, phù chính khử tà, hoạt huyết khử ứ, giải trừ đau nhức.

Theo Y học hiện đại, áp suất âm bên trong cốc có tác dụng kéo da vào vùng bên trong cốc giác, giúp các lỗ chân lông mở ra, kích thích sự lưu thông của máu trong lòng mạch, đồng thời còn tạo ra một lỗ thông để loại trừ các độc tố trong cơ thể.

Bên cạnh đó, môi trường chân không bên trong cốc giác còn giúp các mô giãn nở cục bộ, chính việc này tạo điều kiện cho mạch máu giãn nở và tăng lưu lượng máu đến các mô bệnh lý, tăng cung cấp oxy, tăng chuyển hóa tế bào, ngăn ngừa sự phát triển của xơ vữa động mạch,thải chất độc, tăng cường hệ thống miễn dịch, và giúp kháng viêm, giảm đau hiệu quả.

Giác hơi “khô” là một trong 3 phương pháp giác hơi, sử dụng que lửa, đốt cồn, thảo mộc, giấy để bằng cách đun nóng bên trong cốc (Ảnh minh họa).

Mặc dù có nhiều công dụng với sức khỏe, nhưng có một số trường hợp cần chống chỉ định với giác hơi, bao gồm:

- Người bệnh có các tổn thương trên da tại vùng giác hơi như trầy xước, viêm da, các bệnh da liễu như lang ben, hắc lào, chàm, vẩy nến…

- Người bệnh sốt cao hoặc đang co giật

- Bệnh nhân tiền sử bệnh tim, thận, phổi

- Bệnh nhân rối loạn đông cầm máu, đang bị xuất huyết, số lượng tiểu cầu thấp, ung thư máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu

- Bệnh nhân phù toàn thân

- Các bệnh lý tâm thần như động kinh, suy nhược thần kinh…

- Tiền căn có huyết khối tĩnh mạch sâu

- Trẻ em dưới 4 tuổi

- Người cao tuổi khi lớp da và cơ quá mỏng, dễ xảy ra biến chứng khi giác hơi

- Bệnh nhân ung thư di căn

- Người đang say rượu, quá mệt mỏi, ăn quá no hoặc quá đói…

>>> Cứ nhức mình là giác hơi, lợi hay hại?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X