Hotline 24/7
08983-08983

Xử trí khi bị đột quỵ

Đột quỵ thường xảy ra với rất ít dấu hiệu báo trước. Người đang khỏe mạnh, bỗng nhiên bị liệt nửa người, tê dại nửa người, mất trí nhớ hoặc mất khả năng nói,...

Nhận biết sớm các dấu hiệu

BS Nguyễn Trung Quốc - Viện Tim TP.HCM cho biết, đa số người bệnh không nhận biết được các triệu chứng đột quỵ. Triệu chứng đột quỵ rất đa dạng, từ diễn tiến nhẹ, thoáng qua trong vài phút đến hôn mê, tử vong.

Những tổn thương do đột quỵ thường xảy ra trong bán cầu đại não (50%) và gây ra các triệu chứng liệt, giảm thị lực, nói khó. Tiếp theo là tổn thương thân não (25%), gây ra các triệu chứng đa dạng hơn như liệt tứ chi, rối loạn thị giác; 25% còn lại là các tổn thương khiếm khuyết, người bệnh vẫn ý thức được, các triệu chứng thường liên quan đến vận động hoặc cảm giác.

Hiện tượng thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu báo trước của đột quỵ. Khi phát hiện những dấu hiệu như: đột ngột thấy tê cứng ở mặt, tay hoặc chân, đặc biệt tê cứng nửa người; đột ngột không cử động được tay chân (mất phối hợp khi điều khiển tay chân); gặp khó khăn trong việc nói hoặc hiểu người khác nói; đột nhiên bị đau đầu dữ dội, choáng váng, mất tri giác, ngủ gà hoặc hôn mê; bị yếu đột ngột ở một phần cơ thể; đột nhiên nhìn mờ hoặc nhìn nhòe (có thể một mắt hoặc cả hai mắt); tiểu tiện không tự chủ hoặc bí tiểu hoàn toàn… người nhà cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay.

Sơ cấp cứu

Theo BS Quốc, khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, phải nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện vì não là cơ quan rất quan trọng và nhạy cảm. Nếu bị thiếu máu, thiếu ôxy hoặc bị chảy máu thì não sẽ bị hoại tử nhanh chóng. Đến bệnh viện sớm trong ba giờ đầu tiên, người bệnh có cơ hội chữa trị bằng biện pháp tái thông mạch máu qua việc truyền thuốc tiêu sợi huyết, giúp bệnh hồi phục nhanh chóng và ít để lại di chứng.

Đột quỵ có thể bị một trong hai dạng: chảy máu não do vỡ mạch (15%) hoặc thiếu máu não do tắc mạch (chiếm tỷ lệ 85% trường hợp đột quỵ). Để chẩn đoán, phải dựa vào yếu tố tiền căn, thăm khám trực tiếp tìm các dấu hiệu thần kinh, kết hợp với xét nghiệm cận lâm sàng (MRI, CT scan). Nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn tự ý điều trị cho bệnh nhân bằng cách bấm huyệt nhân trung, cạo gió, cắt lể, châm cứu, cúng vái… làm bệnh càng nặng thêm.

Trong khi chờ xe cấp cứu, người nhà cần để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, theo dõi sắc mặt, nhịp thở để biết bệnh nhân còn tỉnh táo (ý thức bình thường) hay lẫn lộn, lơ mơ hoặc hôn mê (rối loạn ý thức). Nếu có dấu hiệu đại tiểu tiện không tự chủ là bệnh nhân đã mất ý thức.

Nếu bệnh nhân nôn, cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất nôn từ mũi và miệng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân co giật, cũng cần để bệnh nhân nằm nghiêng, đề phòng bệnh nhân cắn vào lưỡi bằng cách dùng khăn vải quấn quanh một chiếc đũa hay cán muỗng đặt giữa hai hàm răng của bệnh nhân.

Trường hợp bệnh nhân hôn mê, cần xem bệnh nhân thở như thế nào (nhanh, chậm hay ngừng thở). Nếu bệnh nhân ngừng thở, cần thực hiện hô hấp nhân tạo để đảm bảo đủ ôxy cho tim và não. Bởi nếu toàn bộ não thiếu ôxy quá ba phút, dù cấp cứu tim đập lại cũng không cứu được não.

Không được tự ý cho uống bất kỳ loại thuốc nào. Không ít trường hợp khi bị đột quỵ, người nhà cho sử dụng aspirin với mục đích làm giảm cục máu đông. Điều nguy hại là thuốc aspirin có thể gây chảy máu trong, nếu là tai biến vỡ mạch máu. Nếu người bệnh đã uống aspirin, cần báo ngay với bác sĩ cấp cứu.

Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển bệnh nhân đi xa, trừ khi có chỉ định của bác sĩ; di chuyển xa có thể làm bệnh nặng hơn.

AloBacsi.vn
Theo Phụ Nữ TP.HCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X