Hotline 24/7
08983-08983

Xử trí ban đầu khi trẻ em bị động vật cắn

Trẻ có thể bị các loại động vật cắn hay bị các vết thương do cào gãi từ nhiều loài động vật khác nhau.

Hiểm họa từ các vết cắn của động vật

Bình thường các vết cắn do động vật ít khi gây nguy hiểm. Tuy nhiên, sẽ rất nghiêm trọng khi các con vật như chó, mèo, chồn, dơi, cáo… bị bệnh dại. Nếu bạn nghi ngờ trẻ bị cắn bởi những con vật bị bệnh dại, hãy cho trẻ tới bệnh viện ngay lập tức.


Nhiễm trùng là biến chứng thường gặp nhất khi bị động vật cắn. Các vết xước do cào gãi bởi móng vuốt và vết răng cắn của động vật có chứa rất nhiều vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng.
Vết thương càng sâu, tình trạng nhiễm trùng càng dễ xảy ra.

Các triệu chứng của nhiễm trùng gồm: sốt, đau, tấy đỏ và sưng xung quanh vết thương. Vết thương có thể bị mưng mủ đồng thời xuất hiện những vết đỏ bắt đầu từ vết cắn lan theo hướng vào trung tâm cơ thể. Đây là dấu hiệu tình trạng nhiễm trùng đang lan rộng. Nếu con bạn không thấy xuất hiện các dấu hiệu trên trong vòng 3-4 ngày sau khi bị cắn thì có thể trẻ sẽ không bị nhiễm trùng.

Một số bệnh có thể truyền qua vết cắn động vật gồm có: bệnh dại, bệnh uốn ván (tetanus) và bệnh sốt do mèo cào (cat scratch disease). Hãy luôn cho trẻ đi khám bác sỹ để nhận được sự can thiệp y tế phù hợp và ghi chép lại thông tin về những loại vaccine mà trẻ đã được sử dụng.

Ngoài ra, nếu được, hãy giữ con vật đã cắn con bạn vào một chiếc lồng hoặc cũi để theo dõi thường xuyên tình trạng của chúng. Bạn cần mang bảng thông tin về các loại vaccine trẻ đã sử dụng kèm với thông tin về con vật tới cho bác sỹ.

Trong trường hợp cần thiết sẽ phải thông báo cho trạm y tế xã, phường về việc kiểm tra tình trạng bệnh tật của những con vật này để đảm bảo an toàn cho những người khác.

Cách xử trí ban đầu vết cắn của động vật

Nếu con bạn bị động vật cắn, việc đầu tiên cần làm là loại bỏ những chất bẩn xung quanh vết thương và rửa sạch vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, sau đó làm khô vết thương băng gạc khô vô trùng.


Khi nào nên đưa trẻ tới bệnh viện?

Tất cả những vết thương hở do động vật cắn đều cần sự can thiệp của bác sỹ. Tùy theo loài động vật, loại vết cắn và vị trí cắn, bác sỹ có thể kê đơn kháng sinh để ngăn nhiễm trùng. Nếu vết thương sâu, bác sỹ sẽ tiến hành khâu vết thương. Trẻ có thể cần đánh giá tổn thương toàn diện trên da và cần tiêm vaccine phòng bệnh dại hoặc uốn ván.

Hãy cho trẻ đi bệnh viện trong các trường hợp:

  • Trẻ bị cắn bởi các con vật đang mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh dại.
  • Trẻ bị cắn bởi các con vật không rõ nguồn gốc.
  • Trẻ bị cắn ở vùng đầu hoặc cổ.
  • Da trẻ bị rách và vết thương hở.
  • Vết thương sâu.
  • Vết thương bị tấy đỏ, sưng đau hay trẻ bị sốt.

Phòng tránh tai nạn do động vật cắn

Cách tốt nhất để phòng tránh tai nạn do động vật là không nên nuôi vật nuôi trong nhà. Nếu có vật nuôi, con vật đó cần được huấn luyện và được giám sát chặt chẽ. Đồng thời hãy tiêm phòng đầy đủ bệnh dại cho chó, mèo trong nhà bạn.

Dạy con bạn cách chơi an toàn với động vật không nên cấu, cắn, cho tay vào miệng chúng hay không trêu đùa, kích động con vật quá mức. Tất cả trẻ nhỏ cần được giám sát chặt chẽ khi chơi đùa vớiđộng vật trong nhà. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, dạy trẻ cách yêu thương và tôn trọng vật nuôi như một người bạn.

Không cho trẻ tiếp cận gần những con vật lạ, khi chúng đang ăn hay trêu đùa con của chúng. Khi trẻ chơi với động vật, hãy dạy trẻ tiếp cận chúng thật chậm rãi để không làm chúng hoảng sợ. Không cho trẻ áp sát vào mặt của vật nuôi.

Theo ThS.BS Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X