Hotline 24/7
08983-08983

Xót xa “xóm chạy thận” ngày áp Tết

Tết Nguyên đán Mậu Tuất đã cận kề, người người nhà nhà đang nô nức chào đón, song vẫn có những người đang phải từng ngày, từng giờ giành giật lại sự sống.


Cô bé người Dao Đặng Thị Xiêm mong có một phép màu khi năm mới Mậu Tuất sắp cận kề. Ảnh: Đ.Xuyên
Cô bé người Dao Đặng Thị Xiêm mong có một phép màu khi năm mới Mậu Tuất sắp cận kề. Ảnh: Đ.Xuyên

Phận người “đi gửi”

Đấy là cách gọi ứa nước mắt về những phận người nơi “xóm chạy thận” tại ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội. Người có điều kiện kinh tế khi mắc căn bệnh này đã chật vật, người vùng cao khó khăn lại càng thêm chồng chất trăm bề.

Những ngày giáp Tết, theo chân một nhóm bạn trẻ thiện nguyện, tôi có dịp ghé những bệnh nhân tại xóm chạy thận. Không khí nơi đây những ngày này chẳng khác ngày thường là bao, vẫn là một không gian tĩnh mịch, lạnh lẽo đến buốt người. Người với người giao tiếp với nhau bằng những tiếng thều thào, tỏ rõ sự mệt mỏi.

Tâm sự với PV, cô gái người Dao, Đặng Thị Xiêm (SN 1994, quê ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) cho biết: “Vào năm 2015, một năm sau ngày cưới, em đón nhận niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời khi biết mình sắp được làm mẹ. Lúc đó, gia đình 2 bên nội ngoại đều mừng vui khôn tả. Vậy mà niềm vui ấy ngắn chẳng tày gang. Trong thời gian mang bầu, em bỗng thấy người mệt mỏi, tiểu tiện ra máu, khắp người nổi phát ban. Lo lắng cho sức khỏe, em đã tới bệnh viện thăm khám thì bác sĩ kết luận em bị mắc bệnh thận. Cầm trên tay tờ kết quả, em chết lặng người”.

Chính căn bệnh quái ác đó đã khiến cho Xiêm không còn đủ sức khỏe để giữ cái thai. Nỗi đau mất con, khiến cô gái trẻ người Dao gần như suy sụp. Được sự động viên của chồng, cùng hai bên nội ngoại, Xiêm xuống Hà Nội để bắt đầu hành trình chữa trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Do đường sá xa xôi, để tiện cho việc chữa bệnh, Xiêm tìm tới “xóm chạy thận” tại ngõ 121 đường Lê Thanh Nghị để thuê trọ.

Nói về mong muốn những ngày giáp Tết này, Xiêm nghẹn ngào: “Giờ đây em chỉ mong sao có một phép màu khiến căn bệnh thận biến mất, để em lại có cơ hội làm thiên chức của một người mẹ, vậy là đủ”.

Ở gần phòng nơi Xiêm thuê trọ là trường hợp của em Nguyễn Như Tuấn Đức (SN 1994, người dân tộc Mường, quê Hòa Bình). Tuy mới 24 tuổi, nhưng Đức đã có “thâm niên” ở “xóm chạy thận” tới 7 năm. Kể về cuộc đời mình, Đức chia sẻ: “Em phát hiện mình bị bệnh thận khi chuẩn bị bước vào kì thi đại học. Thời điểm đó, gần như mọi dự định cho tương lai đều sụp đổ trước mắt em. Em được gia đình đưa xuống Bạch Mai để chữa trị”. Vốn kinh tế gia đình đã khó khăn, từ ngày Đức bị căn bệnh quái ác này đeo bám, bố mẹ em phải làm việc tăng lên gấp bội để lo tiền chạy chữa. Hơn 1 năm nay, do bệnh tình có chiều hướng tăng nặng, nên mẹ Đức đành phải nghỉ việc ở quê để xuống Hà Nội chăm con. Để có thêm đồng tiền trang trải cuộc sống nơi thị thành này, ngày mẹ Đức đi làm thuê đủ thứ nghề, tối lại về xóm trọ để động viên, an ủi con trai yên tâm chữa trị bệnh.

Xóm công nhân “lạ” giữa lòng Thủ đô

Xóm Gò, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội trước đây rất ít người lai vãng. Thế nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, xóm trọ nghèo nàn ấy bỗng nhộn nhịp hẳn lên do có nhiều người lao động ở vùng sâu, vùng xa phiêu dạt về thuê trọ. Mỗi người là một mảnh đời khác nhau, một hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng vì miếng cơm, manh áo mà gặp nhau tại đây.

Đi đến đầu xóm trọ, chúng tôi gặp Cà Thị Xoa đang giặt quần áo. Xoa năm nay 22 tuổi, mái tóc được nhuộm vàng, ép thẳng, giọng nói khá lưu loát, thoạt đầu chúng tôi cũng không biết cô là người dân tộc thiểu số. Chỉ khi cô phát “sóng ngắn” với một người trong xóm, mới nhận ra cô là người Thái ở Chiềng La, Thuận Châu, Sơn La.

Xoa tâm sự: “Em vốn là người miền núi, chả đi đâu ra khỏi đất của chiềng của bản. Thế rồi khi em lấy chồng có 1 cậu con trai thì chồng em bỗng bỏ nhà đi. Em đành về nhà bố mẹ đẻ. Nhà có 7 anh chị em nhưng đều lập gia đình và ở riêng, ruộng cấy không đủ nên cũng phải chịu cảnh bữa đói, bữa no”.

Thế rồi, trong một lần từ Thuận Châu, đưa con ra TP.Sơn La khám bệnh. Trên xe, Xoa gặp mấy chị lớn tuổi cũng người Thái kể chuyện đang đi làm thuê ở dưới Hà Nội. Họ nói không cần tay nghề, chỉ cần chịu khó làm theo hướng dẫn của những người đi trước là được. Đồng bào với nhau, chỉ qua câu chuyện tình cờ trên một chuyến xe mà tin nhau. Xoa về gửi con cho bố mẹ rồi theo mấy chị gặp lần đầu tiên đi xuống Hà Nội.

Xoa kể: “Đây là chuyến đi xa và dài nhất trong cuộc đời em. Khi trên ôtô em lo lắm, chẳng biết những người phụ nữ mới quen kia nói có thật không? Nhưng rồi lại tự động viên mình, thôi thì người vùng cao chúng mình không nói dối nhau, cứ đi theo họ, họ làm gì mình làm đó, ăn gì mình ăn đó, tối ngủ đâu mình cũng ngủ đó, chứ biết làm sao bây giờ”. Rất may khi về xóm Gò này, Xoa được các đồng hương bao bọc tìm được việc trong quán cơm bụi, nên cuộc sống cũng đã bớt khó khăn.

Ngồi gần Xòa, Mùa A Đông (19 tuổi) nhà ở xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên tâm sự: “Em không biết chữ nên cứ đi làm thuê thôi”. Năm 2004, bố mẹ bỏ nhau, mẹ nuôi em trai và đi đâu Đông cũng không biết. Rồi bố cũng bỏ đi, Đông bơ vơ đành phải sang nhà chú ruột ở. Rồi đời Đông bắt đầu những chuỗi ngày đi làm thuê, bằng tất cả sức lực của mình. Đời cứ quăng từ nương cà phê này sang đồi cà phê khác, cũng được bữa đói bữa no. Rồi Đông cũng quen với những người đi làm thuê ở Hà Nội, xin đi theo họ xuống làm thợ sắt ở những công trình xây dựng chung cư.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng những người dân tộc thiểu số nơi xóm chạy thận này vẫn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Ngày ngày, họ vẫn dùng khả năng lao động còn lại của mình để kiếm sống. Anh Mai Anh Tuấn, Trưởng xóm chạy thận cho biết, thời điểm hiện tại xóm chạy thận có 123 người, 100% đều là hộ nghèo, trong đó có 7 người là người dân tộc.

Theo Đông Xuyên - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X