Hotline 24/7
08983-08983

Xóa nỗi sợ thi cử

Cũng giống như Việt Nam, áp lực thi cử tại các nước trên thế giới đè nặng và sợ hãi chẳng kém, thậm chí tỉ lệ tự tử trong lứa tuổi teen trên thế giới vẫn ở mức cao báo động.

Nhiều quốc gia đã coi đây là “vấn nạn” để tìm cách điều chỉnh và gỡ khó cho học sinh.

Phần Lan: 12 năm có 1 kỳ thi

Giáo dục ở Phần Lan hoàn toàn miễn phí và không có các cuộc thi nhằm phân loại học sinh. GS Pasi Sahlberg, công tác tại Bộ giáo dục và văn hóa Phần Lan cho biết: “Chúng tôi dạy các em phương pháp tự học chứ không phải dạy cách vượt qua một kì thi”.

Theo ông Pasi Sahlberg, Bộ GD & văn hóa Phần Lan ra quy chế, 12 năm học đầu tiên trong đời học sinh chỉ có một kỳ thi duy nhất vào lúc các em đã ở độ tuổi 18-19, đó là kỳ thi trước khi vào đại học. Nhờ thế, thầy và trò có nhiều thời gian để dạy và học những gì họ ưa thích. Các thầy cô ở trường tuyệt đối không giảng dạy vì mục đích thi cử, học sinh cũng tuyệt đối không học vì thi cử. Ưu điểm của chế độ học tập ở Phần Lan là ươm trồng tinh thần hợp tác chứ không phải là tinh thần cạnh tranh. “Chúng tôi không lo học sinh sau này sẽ cảm thấy sợ hãi khi bước vào xã hội" - ông Pasi Sahlberg khẳng định.

Nhật Bản: Chú trọng dạy đạo đức hơn dạy kiến thức

Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ học sinh tự tử ở mức cao. Báo cáo của WHO năm 2015 cho thấy tỷ lệ này cao hơn mức trung bình thế giới tới 60%. Thậm chí có thời điểm, Nhật Bản ghi nhận tới 70 trường hợp tự tử mỗi ngày, trong đó có tỷ lệ không nhỏ là học sinh. Các khảo sát cho thấy học sinh cảm thấy sợ hãi khi phải đối mặt với cha mẹ với một kết quả điểm không cao.

Giáo dục Nhật Bản đang dần hướng đến tính tự lập cho học sinh, mỗi học sinh có thể tự chủ trong học tập và không ỷ lại vào xung quanh. Giáo dục Nhật Bản nhấn mạnh “học sinh là trung tâm” và tâm niệm rằng, rèn luyện một người trước hết là phải rèn luyện đạo đức, tâm hồn. Học sinh Nhật Bản phải nắm được các quy tắc ứng xử và những giá trị đạo đức cá nhân từ rất sớm.

Người Nhật tin rằng, với việc giáo dục đạo đức thì mỗi học sinh Nhật sẽ tự tìm được con đường học tập phù hợp cho bản thân. Người Nhật cũng cho rằng, điểm số không phản ánh được khả năng thực sự của từng cá nhân và mỗi học sinh đều có cơ hội học tập trong môi trường bình đẳng. Vì lý do đó nên Nhật chỉ có kì thi vào trung học và đại học. Các bài kiểm tra đánh giá năng lực học sinh mỗi kì cuối cấp cũng đơn giản và thường kèm theo lời gợi ý của giáo viên.

Đức: Học sinh có “phát ngôn viên” chuyển thông điệp tới giáo viên

Một trong những đặc điểm nổi bật của giáo dục Đức là tính bình đẳng giữa các học sinh. Trong lớp học không có lớp trưởng, lớp phó hay tổ trưởng, tổ phó, mà chỉ có "phát ngôn viên" để chuyển thông điệp của thầy cô đến học sinh và ngược lại.

Điểm số ở Đức cũng không có sự phân hóa nhằm tránh tạo cảm giác phân biệt giữa các học sinh. Ngoài ra, ở giáo dục Đức rất quan tâm đến tính trải nghiệm thực tế. Học sinh ở Đức được hướng nghiệp từ rất sớm và vì thế việc học được giảm tải và thay đổi để phù hợp với nhu cầu bản thân. Qua đó, mỗi người sẽ dần hiểu và hình thành đam mê của mình. Đó là lý do vì sao hơn một nửa số học sinh ở Đức chọn con đường học nghề thay vì vào đại học.

Người Đức quan niệm rằng, không thể đánh giá nghề này cao quý hơn nghề kia, học tập là để tìm kiếm một công việc phù hợp chứ không phải để hơn thua. Đó là lý do các chương trình đào tạo nghề của Đức được đánh giá cao trên toàn thế giới.

Mỹ: Lắp đặt “tủ khóc” cho học sinh

Dù chương trình học tại các trường ở Mỹ giàu tính trải nghiệm và có sự phân bố đồng đều giữa các môn học, học sinh ở Mỹ cũng dành nhiều thời gian để tham gia các hoạt động và sự kiện xã hội, nhưng không vì thế mà áp lực học tập ở Mỹ ít đi.

Theo nghiên cứu của trường đại học Stanford (Mỹ), bài tập về nhà quá tải không chỉ làm tăng stress, mà còn gây khó ngủ, và làm trầm trọng thêm các chứng bệnh khác như đau đầu. Hơn 4.000 học sinh thuộc tầng lớp trung lưu ở California cho biết, bài tập về nhà quá nhiều cộng với stress khiến học sinh giảm giao lưu với bạn bè và gia đình.

Nghiên cứu khác của Viện nghiên cứu quốc gia về sức khoẻ tâm thần, 31,9% thanh thiếu niên ở Mỹ có hiện tượng rối loạn lo âu so với 19% ở người lớn. Trong thập kỷ trước, Học viện Nhi khoa Mỹ báo cáo, số lượng thanh thiếu niên và tuổi teen nhập viện vì tự sát tăng gấp đôi.

Trước tình trạng này, trường Đại học Utah (Mỹ) đã tiến hành lắp đặt một chiếc tủ có tên là “tủ khóc”. Đây là nơi giúp sinh viên có thể thả lỏng tinh thần, không phải lo lắng về cái nhìn phán xét của bạn bè khi gặp áp lực học hành. Ý tưởng của dự án này là Nemo Miller, một nghệ sĩ thị giác và cũng là sinh viên tại Đại học Utah. “Tủ khóc” được lót màu đen bên trong, những con thú bông màu sắc được đặt sẵn ở đó. Đây là những người bạn nhỏ để sinh viên có thể ôm chặt trong khi khóc. Không chỉ sử dụng khi gặp căng thẳng do học hành, những ai trải qua một ngày tồi tệ như bị người yêu chia tay qua tin nhắn cũng có thể chui vào tủ để khóc.

Sự sáng tạo của sinh viên Nemo Miller nhận được nhiều sự chú ý trên mạng xã hội Twitter những ngày qua. Hàng trăm nghìn người thích ý tưởng của anh và mong muốn “tủ khóc” được nhân rộng khắp các trường ở Mỹ.

Trung Quốc: Thay đổi giờ học và giảm bài tập

Các trường học ở Trung Quốc đang làm mọi cách để giảm tải áp lực thi đại học ở Trung Quốc. Đầu tiên là thay đổi giờ học và giảm dần bài tập. Bài tập về nhà được coi là áp lực nặng nề nhất đối với học sinh Trung Quốc, vì học sinh Trung Quốc trước kia phải mất trung bình 3 giờ mỗi ngày để hoàn thành bài tập về nhà. Giờ đây các kì thi ở Trung Quốc được phân bố đều hơn với nhiều lựa chọn môn thi hơn, tránh tình trạng nhồi nhét học và ôn thi một vài môn nhất định.

Kết quả là, theo nghiên cứu mới nhất của tổ chức hỗ trợ học sinh Học Hữu Xã, Trung Quốc, nhiều học sinh trung học cho biết mức độ căng thẳng trung bình là 6,75/10 - giảm hơn so với năm ngoái. Các em không cảm thấy quá căng thẳng trước kỳ thi tốt nghiệp sắp tới nhưng một điều đáng quan ngại, các em đang cảm thấy áp lực từ chính cha mẹ mình. 54,3% học sinh Trung Quốc muốn cha mẹ "cho không gian riêng" trong quãng thời gian ôn thi này và khoảng 42,5% muốn cha mẹ đừng so sánh con cái họ với bạn bè.

Thụy Điển: Cấm ra bài tập về nhà

Trường cấp 3 Sturenskolan tại Boden, Thuỵ Điển vừa chính thức có quyết định cấm bài tập về nhà, xóa sổ bài thi để học sinh đỡ căng thẳng. Hiệu trưởng Petronella Sirkka chia sẻ: “Học sinh bày tỏ rằng họ thấy nhẹ cả người vì họ đã phải chịu rất nhiều áp lực trong suốt năm học. Chúng tôi liên tục nhận được thông tin học sinh trong trường không ổn do chúng luôn căng thẳng cao độ”. Bỏ bài tập về nhà và các bài thi, trừ các bài thi quốc gia bắt buộc là cố gắng của một số trường ở Thụy Điển nhằm giảm thiểu áp lực về phát triển tâm lý cho trẻ.

Ấn Độ: Xuất bản sách dạy học sinh giải quyết căng thẳng

Theo một nghiên cứu từ Bộ Nội vụ Ấn Độ thì chỉ trong vòng 3 năm từ 2014 - 2017, có hơn 26.000 học sinh đã tự tử tại quốc gia này. Riêng năm 2016 có tới 9.473 em, tương đương mỗi 55 phút lại có một trường hợp xảy ra.

Đầu năm 2018, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã quyết định cho ra mắt cuốn sách có tựa đề “Các chiến binh thi cử” để tư vấn cho các học sinh phổ thông về cách giải quyết những căng thẳng trong học tập và thi cử. Cuốn sách được đưa ra đúng thời điểm học sinh nước này chuẩn bị kỳ thi quan trọng vào cấp 3 và vào Đại học, bắt đầu từ đầu tháng 3 cho đến giữa tháng 4 hàng năm.

Cuốn sách mới của Thủ tướng Ấn Độ được xuất bản đã góp phần giúp phụ huynh chỉ ra những phương pháp giúp học sinh có thể giải quyết các vấn đề căng thẳng trong học tập và thi cử của mình. Đặc biệt, trong cuốn sách cũng khuyên các học sinh phải tập yoga để tăng cường thể chất, giảm nhẹ tinh thần.

Theo Phương Ly - Ngày nay

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X