Hotline 24/7
08983-08983

Xơ gan làm sao để hồi phục?

Xơ gan của tôi hiện ở giai đoạn xơ hóa gan còn bù chứ không phải xơ cứng. Vậy có cách nào để phục hồi một phần gan không ạ?

Kính chào bác sĩ,

Tôi được xem các tư vấn của bác sĩ trên AloBacsi. Tôi cảm thấy bác sĩ trả lời thật sự làm cho bệnh nhân yên tâm và hiểu rõ bệnh tình của mình và có sự thương cảm bệnh nhân trong đó.

Tôi rất mong bác sĩ dành vài phút tư vấn giúp cho tôi ạ.

Tôi là B., năm nay 34 tuổi, sống tại Hà Nội, nghề nghiệp kế toán. Tôi mắc viêm gan B từ khi sinh ra. Các kết quả xét nghiệm của tôi kết luận như sau:

- Vi rút của tôi dưới ngưỡng phát hiện.

- Men gan bình thường

- Siêu âm: xơ gan

- Fibroscan: 14kpa, F3-F4

- Tiểu cầu thấp

- Chụp citi gan 320

- Nội soi dạ dày bình thường (không giãn tĩnh mạch thực quản).

Phác đồ điều trị của tôi hiện nay: Tôi đang điều trị thuốc Gentino B và aspirin-100 được 9 tháng. (yêu cầu uống mỗi ngày 1 viên mỗi loại liên tục 5 năm). Tôi uống các thuốc bổ: hepatonik, hanseoHepadif, Amino XL. Hẹn 3 tháng khám lại.

Theo giải thích của bác sĩ ở BV Bạch Mai, tôi hiểu dùng Gentino B là diệt virus để không gây tổn thương gan thêm nữa. Nhưng tôi thắc mắc là: xơ gan của tôi hiện ở giai đoạn xơ hóa gan còn bù chứ không phải xơ cứng. Vậy có cách nào để phục hồi một phần gan không ạ? Và giai đoạn từ xơ hóa còn bù đến xơ cứng gan là bao lâu và có thể điều trị để không xảy ra trường hợp đó không ạ?

Rất mong bác sĩ tư vấn và cho lời khuyên ạ! Tôi còn trẻ, còn rất nhiều kế hoạch trong cuộc sống. Tôi thực sự muốn hiểu rõ bệnh của mình. Tôi có gửi file các kết quả xét nghiệm đính kèm, mời bác sĩ xem giúp ạ!

Rất mong nhận được thư của bác sĩ. Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

(Bạn đọc Hà Nội)
 
Ảnh minh họa

Chào anh,

Trường hợp của anh tôi đã xem kỹ. Bệnh của anh tuy đã khá nhiều, anh đã được chẩn đoán và điều trị kịp thời mặc dù có hơi trễ một chút nhưng hiện nay vẫn đáp ứng tốt.

Gan anh chỉ bị xơ hóa chứ chưa xơ cứng (nói nôm na là virut viêm gan B đã tấn công lá gan anh âm thầm trước đây mà anh không biết nên nó tạo những vùng sẹo trong gan nhưng những vùng sẹo này chư hẳn là sẹo lồi toàn bộ nên gan anh chưa bị xơ cứng. Chính vì vậy đo độ xơ hóa gan của anh chỉ là độ F3-F4 thôi. Quan trọng là gan anh tuy vậy cũng còn khá mềm mại nên anh chưa bị giãn tĩnh mạch thực quản.

Trường hợp của anh, theo kinh nghiệm cá nhân tôi thì anh kiên trì điều trị lâu dài sau 3 - 5 năm, độ xơ hóa gan của anh sẽ giảm dần, mặc dù không về bình thường hoàn toàn.

Vấn đề là anh phải kiên nhẫn. Và trường hợp của anh cần điều trị duy trì gần như suốt đời thì xác suất xơ cứng gan của anh sẽ rất thấp. Hiện tại với những thuốc anh đang dùng có tác dụng bồ bổ tế bào gan đồng thời khống chế vi-rut liên tục, không cho nó tấn công gan anh nữa, ngăn việc hình thành thêm nhiều sẹo mới dần dần sẽ làm xơ cứng gan.

Như vậy anh cứ yên tâm thực hiện những hoài bão và ước mơ cá nhân của mình, chỉ cần theo dõi và điều trị liên tục và đều đặn với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa gan mật để đánh giá thay đổi thuốc kịp thời, nhất là khi không may mắn xảy ra tình trạng kháng thuốc.

Và điểm rất quan trọng là không nên ngưng thuốc đột ngột vì đặc điểm của bệnh này mặc dù đang ổn định diễn tiến rất tốt mà ngưng thuốc đột ngột thì vi-rút tái hoạt động mạnh hơn rất nhiều lần, làm gan hư hại mau hơn và nhanh hơn (giống như lò xo bị nén mà bung ra).

Thân chào và chúc anh luôn vui khỏe!


BS CK2 Trần Ngọc Lưu Phương
GV Phân môn Tiêu hóa Gan mật - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Trưởng Đơn vị tiêu hóa can thiệp BV Nguyễn Tri Phương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X