Hotline 24/7
08983-08983

Xin hỏi AloBacsi, thuốc huyết áp có ảnh hưởng kết quả khám bệnh?

BS Lan Hương trả lời các trường hợp: lỡ nuốt kim bấm giấy, uống thuốc huyết áp trước khi khám bệnh, đau lưng lan xuống chân, ngứa như kim châm khi đổ mồ hôi, cảm cúm lâu ngày...

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Phạm Minh - minh….com.vn

Chào BS,

Tôi bị cao huyết áp, uống thuốc sáng 1 viên Losartan 50, chiều 1 viên Nebivolol 2,5. Tuần sau cơ quan tôi khám sức khoẻ định kỳ.

Vậy sáng tôi uống thuốc huyết áp có ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm sinh hoá máu và xét nghiệm nước tiểu không?

Nhờ BS tư vấn giúp tôi, chân thành cám ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Người bị tăng huyết áp khi khám sức khỏe định kỳ vẫn uống thuốc đều đặn như bình thường, mặc dù sáng ngày khám sức khỏe nên nhịn ăn để xét nghiệm đường, mỡ máu thì vẫn uống thuốc huyết áp cử sáng vì các thuốc huyết áp có thể uống khi đói, không ảnh hưởng lên dạ dày.

Thuốc huyết áp có thể ảnh hưởng lên kết quả xét nghiệm, nhưng BS sẽ biết biện luận kết quả xét nghiệm dựa vào thông tin bệnh nhân có tăng huyết áp và thuốc đang sử dụng để phát hiện các bất thường và tư vấn, điều chỉnh cho phù hợp.


- Duy Nam - Cần Thơ

Xin chào BS,

Tháng trước trong một lần bất cẩn em lỡ nuốt một cái kim bấm giấy. Đến nay cơ thể em vẫn bình thường không có dấu hiệu đau bụng gì cả.

Cho em hỏi như vậy chiếc kim bấm kia đã đi ra ngoài chưa hay còn ở lại? Nếu ở lại và dính vào ruột hoặc dạ dày thì có gây khối u hay ung thư gì không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Duy Nam,

Đa số các dị vật nuốt phải mà men tiêu hóa không tiêu hóa được thì nhu động ruột cũng có thể co bóp đẩy ra ngoài theo phân.

Nhưng cũng có trường hợp đường ruột không thải được dị vật và dị vật bị kẹt trong đường ruột theo thời gian có thể gây viêm, loét, polyp, ung thư… nhưng trường hợp này rất ít vì niêm mạc ruột rất trơn và co bóp liên tục.

Nếu kim bấm bằng kim loại thì có thể phát hiện trên phim chụp Xquang bụng, xem nó đi đến đâu trong đường ruột. Do đó, hiện tại em nên khám kiểm tra ở chuyên khoa Tiêu hóa, em nhé.


- My Le - Bình Định

Em chào BS,

BS cho em hỏi em hay bị đau lưng, có khi bị đau xuống chân đi không được, vậy là em bị bệnh gì thưa BS?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Biểu hiện đau vùng thắt lưng ở người trẻ thường do căng mỏi cơ, căng dây chằng cột sống, cũng có thể do thiếu vi khoáng chất (như canxi, kali, magie...). Tuy nhiên nếu triệu chứng đau lan từ thắt lưng xuống chân thì coi chừng có chèn ép rễ thần kinh cột sống do thoát vị đĩa đệm, hẹp lỗ liên hợp đốt sống...

Em nên khám chuyên khoa Cơ xương khớp, để BS thăm khám và chụp phim cột sống thắt lưng kiểm tra nhằm xác định rõ nguyên nhân gây bệnh.

Trong thời gian này, nếu đau nhiều, em có thể giảm đau bằng cách nghỉ ngơi, mát xa, ấn huyệt, châm cứu, khi đau quá nhiều cũng có thể uống thuốc giảm đau thông thường là Paracetamol, với liều lượng an toàn là 2-3 viên 500mg trong 1 ngày.


- Bạn đọc Xuân Tú

Cháu chào BS ạ,

Khoảng 1 tuần nay cháu có cảm giác như nghìn kim châm đâm vào người mỗi khi ra nắng hoặc vận động mạnh. Người nổi nhiều nốt đỏ, có cảm giác kim châm nhưng nếu lấy nước lạnh tắm là lại hết.

Cháu có cảm giác như người mình muốn tiết mồ hôi ra là bị cảm giác này. Mong BS cho cháu biết cháu bị bệnh gì và cách điều trị ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Tú thân mến,

Ở người ít vận động, thường làm việc trong môi trường mát mẻ thì khi quay trở lại vận động mạnh hoặc khi trời nóng, tuyến mồ hôi ở da lúc bắt đầu tiết mồ hôi có thể tạo cảm giác ngứa, do co giãn bài tiết mồ hôi chưa thích hợp. Ngoài ra, cũng có thể bị ngứa do mẫn cảm với thời tiết hay chính mồ hôi tiết ra, nhưng hiện tượng này ít gặp hơn.

Hiện tượng này không nguy hiểm và chưa cần điều trị, để tập thích nghi, em cần chăm chỉ tập luyện thể thao thường xuyên. Cảm giác ngứa ngáy khi sẽ dần biến mất, vì lúc này cơ thể đã thích nghi với những thay đổi khi vận động mạnh chảy mồ hôi.


- Bá Dũng - dungx…@gmail.com

Chào BS,

Cháu hay bị tim đập nhanh, lo âu suy nghĩ cũng bị. Đôi khi bị thốn trong ngực, khoảng một vài giây. Người mệt mỏi, mất tự tin trong cuộc sống.

Mong BS tư vấn hộ cháu ạ. Cháu cám ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Những triệu chứng của em có thể do nhiều nguyên nhân như bệnh lý tim mạch (cơn nhịp nhanh kịch phát, rối loạn thần kinh tim…), thiếu máu và khoáng chất, rối loạn nội tiết tố, bệnh lý tâm thần (rối loạn lo âu, trầm cảm...)...

Do đó, trước mắt em nên khám BS tổng quát để khảo sát những nguyên nhân bệnh lý có thể gây ra tình trạng trên và điều trị thích hợp. Nếu không có bệnh gì, thì em nên điều chỉnh lại thời khóa biểu làm việc - nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế căng thẳng đầu óc, không thức khuya, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, không hút thuốc lá, không rượu bia cafe và tập thể dục.


- Xuân Thành - nguyen…@gmail.com

Chào BS,

Em bị cảm cúm đã gần 1 tháng nay rồi, có uống 3, 4 lần thuốc của các hiệu thuốc nhưng mãi không khỏi. Triệu chứng chỉ có ho, đờm, ngạt mũi và sỗ mũi, 2 lần cách nhau khoảng 1 tuần.

Em có bị nặng hơn kèm theo sốt 39 độ, ớn lạnh, choáng, mệt mỏi nhưng uống thuốc thì qua ngày hôm sau không bị nữa, vẫn chỉ còn ho đờm, ngạt mũi và sổ mũi.

Mong BS tư vấn hộ em, em cũng chưa đi khám ở đâu cả ạ! Em chân thành cám ơn! Em có bị viêm gan B mãn tính, trước có uống thuốc nhưng ngưng thuốc gần 1 năm rồi ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Xuân Thành thân mến,

Như vậy, em có các triệu chứng tưởng như là “đơn giản, thường gặp” là ho đàm, nghẹt mũi, sổ mũi, nhưng hóa ra lại “không đơn giản”, vì uống thuốc nhiều mà không khỏi, có 2 lần bị nặng hành sốt cao, choáng.

Hiện tại, các triệu chứng của em hướng nhiều đến bệnh lý viêm mũi xoang - hầu họng mạn tính, mức độ nặng, việc dùng nhiều thuốc tự ý tại các nhà thuốc tây (thường người bán chưa chắc là dược sĩ, có thể chỉ là dược tá) là 1 trong các nguy cơ của việc kháng thuốc.

Em cần đến khám tại BS chuyên khoa Tai mũi họng, soi mũi họng, chụp phim kiểm tra hệ thống xoang… để điều trị thích hợp tương ứng.

Trong thời gian đó, em cần giữ ấm cơ thể, hạn chế để quạt thổi thẳng vào đầu mặt cổ, hạn chế máy lạnh, vệ sinh máy điều hòa / quạt định kỳ, uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, tối nên nằm đầu cao, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, ra đường nên đeo khẩu trang, dùng nước muối khoáng rửa mũi trước và sau khi ngủ dậy, sau khi đi ở ngoài về.


- Tiến Dũng - dung…@gmail.com

Chào BS,

Cháu bị thiếu máu, cơ thể gầy, hay mất ngủ, hay bị rối loạn tiêu hóa, có tiền sử viêm dạ dày, đường ruột tiêu hóa kém, kém hấp thu, ăn mãi không tăng cân. Người hay mệt mỏi, chán ăn, thỉnh thoảng bị hoa mắt ù tai.

Vậy cháu có nên đi truyền máu không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Dũng,

Tùy mức độ thiếu máu và nguyên nhân gây bệnh mà BS sẽ cân nhắc có nên truyền máu hay không, vì truyền máu cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cần cân nhắc lợi và hại.

Hơn nữa, muốn truyền máu là phải làm hồ sơ nhập viện, xét nghiệm nhóm máu, đăng ký máu, theo dõi sát trong khi truyền máu, và theo quy định của bộ y tế thì thiếu máu nhẹ là không có chỉ định truyền máu.

Truyền máu không phải là một loại hình dịch vụ mà người bệnh yêu cầu truyền là được truyền.

Trước mắt, với các thông tin em cung cấp thì tôi khuyên em nên đến bệnh viện để kiểm tra toàn diện, làm công thức máu xem thiếu máu mức độ ra sao, nguyên nhân thiếu máu là gì (thiếu sắt, bệnh máu di truyền…), khám về vấn đề tiêu hóa, dinh dưỡng để xác định rõ bệnh và có hướng điều trị thích hợp.

Trong thời gian đó, em cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng trong ngày (thịt cá, trứng sữa, rau xanh, củ quả, trái cây), uống đủ nước, tránh thức khuya, ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá, không bia rượu, không cafe, và tập thể dục, có thể bổ sung thêm thuốc bổ multivitamin khi chế độ ăn sợ không đủ chất.


- Thu Hải - hai…@vietnam...com

Thưa BS,

Hai năm gần đây khi xét nghiệm máu thì kết quả của em :

+ Lượng huyết sắc tố (Hb) giảm: 9.8g/dL

+ Thể tích khối hồng cầu (HCT) giảm: 30.6%

+ Thể tích trung bình HC (MCV) nhỏ: 72 fL

+Lượng Hb trung bình HC(MCH) thấp: 23.2pg

+ Độ phân bố TC(PDW) cao: 19.2%

+ Các chỉ số khác trong giới hạn cho phép

Em không rõ các chỉ số đó nói nên điều gì, có dấu hiệu liên quan đến bệnh gì không ạ? Vì so sánh với năm trước các chỉ số này đã thấp hơn giới hạn trung bình mà năm nay lại giảm nhiều hơn.

Rất mong BS giải đáp giúp em. Em cảm ơn các BS rất nhiều.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tất cả trị số xét nghiệm mà em cung cấp đều là từ kết quả xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu bằng máy đếm laser. Và kết quả này cho thấy em bị thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc mức độ trung bình, không đủ xét nghiệm để tìm nguyên nhân bị thiếu máu.

Nguyên nhân gây hồng cầu nhỏ nhược sắc bao gồm thiếu sắt (do ăn uống kém, do rối loạn hấp thu, do mất máu rỉ rả do rối loạn kinh nguyệt ở nữ hay xuất huyết tiêu hóa, nhiễm giun sán...), bệnh máu di truyền (HbH, β-thalasemia), do viêm nhiễm mạn tính...

Trước mắt, em cần cải thiện lại chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là các món nhiều sắt như thịt bò, sò huyết, cá hồi..., không uống bia rượu, tẩy giun. Nếu có vấn đề về kinh nguyệt (như cường kinh, rong kinh…) thì cần khám chuyên khoa Sản phụ khoa vì đây là nguồn gây mất máu.

2 tháng sau kiểm tra công thức máu, nếu ổn thì thôi, duy trì chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất.

Ngược lại, nếu em có bất cứ triệu chứng khó chịu gì hay 2 tháng sau kết quả công thức máu không cải thiện thì em có thể đến khám ở BS Nội khoa tổng quát hay BS chuyên khoa Huyết học hay BV Truyền máu Huyết học (TPHCM) để kiểm tra sâu thêm, từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp riêng, như thiếu sắt thì bù sắt, bệnh máu di truyền thì không được tự ý dùng thuốc bổ sắt (thường có trong các thuốc bổ máu).


- Minh Quân - Quận Thủ Đức

Xin chào BS,

Em bị viêm gan B mạn từ khi sinh ra tới giờ (do mẹ mắc bệnh). Hiện em đang điều trị thuốc Fawce ( Lamivudine+ Adefovir dipivoxil) ở BVĐK Thị xã Long Khánh, em điều trị từ tháng 8 tới giờ.

Em vừa đi kiểm tra ở BV Đại học Y dược ngày 4/11 với kết quả như sau:

+ GOT: 22, GPT: 15, Triglyceride :0.62,

+ Kết quả định lượng HBV-DNA: KQ lượng HBV: Âm tính.

+ Phương pháp ĐL real time PCR bằng mẫu: Huyết thanh.

+ Ngưỡng phát hiện: 3×10^2 copies/mL ( 60IU/ml).

+ Khoảng định lượng chính xác từ >=10^2 copies /mL đến <= 10^8 copies /mL.

Em cũng đang điều trị về bệnh trĩ bằng thuốc Savidimin (Diosmin micronised+ hesperidin).

Em muốn hỏi BS là thuốc gan em uống có cải thiện được lượng virus hay không và tương tác tốt không? Thuốc điều trị bệnh trĩ kết hợp uống chung liệu có sao không ạ? Em xin chân thành cám ơn.
BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Dựa vào các khuyến cáo của những tổ chức Gan mật lớn trên thế giới thì khi HBV-DNA huyết thanh giảm > 100 lần sau điều trị 6 tháng hay > 10 lần sau điều trị 3 tháng thì gọi là có đáp ứng với thuốc điều trị.

Hiện tại kết quả của em có lượng HBV dưới ngưỡng phát hiện (không đồng nghĩa là sạch hoàn toàn trong máu), men gan bình thường là dấu hiệu tốt cho thấy em đáp ứng thuốc rất tốt.

Thuốc em đang điều trị là thuốc đặc trị viêm gan B, tối ưu nhất là uống thuốc này cách các thuốc khác 1 giờ. Em nên tái khám và điều trị bệnh theo căn dặn của BS, em nhé.


- Bạn đọc Thanh Phong

Chào BS,

BS cho em hỏi lúc này em có triệu chứng đau nhức các cơ khớp và hay mệt mỏi, nổi ban đỏ.

Vậy em có nguy cơ bị nhiễm HIV không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Không có dấu hiệu nào đặc hiệu cho nhiễm HIV giai đoạn đầu, vì đa phần nhiễm HIV giai đoạn đầu thường không gây triệu chứng, hoặc cho các triệu chứng trùng lắp với các bệnh lý thông thường khác.

Các triệu chứng của em cũng có thể là bệnh lý về cơ xương khớp và về da mà không phải do HIV.

Để biết chính xác có nhiễm HIV hay không, chỉ có 1 cách duy nhất là xét nghiệm máu, nếu làm xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV thì kết quả chính xác nhất là từ 3-6 tháng sau khi có hành vi nguy cơ, còn xét nghiệm PCR HIV thì khả năng phát hiện sớm cao hơn.


- Hoang Nam Hung - Đồng Nai

Chào BS,

Tôi bị máy cắt vào chân, đã ra bệnh viện sát trùng và khâu lại vết thương. 5 ngày sau vết thương vẫn bình thường nhưng bàn chân và gót chân bị sưng.

Vậy BS cho tôi hỏi nguyên nhân này có phải là bị nhiễm trùng không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Ở người có tiền căn khỏe mạnh bình thường thì khi nhiễm trùng vùng gót bàn chân sẽ kèm theo sưng, nóng, đỏ, đau; nếu tình trạng nhiễm trùng ảnh hưởng lên toàn thân sẽ gây sốt, mệt mỏi, chán ăn, mạch nhanh, thở nhanh…

Trước mắt, tôi chỉ nhận được thông tin từ bạn là vùng gót bàn chân bị sưng thôi, thì chưa đủ kết luận được có phải do nhiễm trùng hay không, bạn nên tái khám lại bệnh viện, đăng ký khám chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình hay chuyên khoa Cơ xương khớp, bạn nhé!


- Ngọc Em - nguyenthi…@gmail.com

Em chào BS,

Em vừa xét nghiệm công thức máu, các chỉ số khác bình thường chỉ có HCT 36.2 (38-45); MPV 10.3(6-10); EOS 0.8 (2-11); NEU 54.9 (55-70) và Acid Uric 408 (178-387).

Kết quả như vậy thì tình trạng sức khỏe em hiện nay có bệnh gì không thưa BS?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tất cả trị số xét nghiệm mà em cung cấp đều là từ kết quả xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu bằng máy đếm laser. Và kết quả của em có 1 vài các chỉ số hơi xê dịch so với bình thường, nhưng xét trên tổng thể (như Hct giảm nhưng Hb, RBC và các chỉ số khác của hồng cầu bình thường; tỷ lệ phần trăm Eos và Neu giảm nhẹ nhưng chỉ số tuyệt đối bình thường) thì kết quả này không kết luận là bệnh vì có thể gặp ở người khỏe mạnh bình thường.

Acid uric máu của em tăng nhẹ, nếu em không có tiền sử bệnh Gout hay đang điều trị thuốc hạ acid uric, thì em cần hạn chế ăn đạm lại (phủ tạng động vật, thịt đỏ (thịt bò, sò huyết, cá hồi), hải sản…), tăng cường chất xơ, rau xanh, không uống bia rượu và không hút thuốc lá.

Sau 3-6 tháng thì xét nghiệm kiểm tra lại, em nhé.

Thân mến!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X