Hotline 24/7
08983-08983

Xét nghiệm tủy đồ có ảnh hưởng sức khỏe không?

Câu hỏi

Xin bác sĩ tư vấn giúp mình, Bố mình bị tê liệt các dây thần kinh trên cơ thể (tay, chân và đầu) dẫn đến nói méo tiếng một chút và đau đầu, chân đi bị chùn, không đứng vững được. Bác sĩ đã chụp chiếu và xét nghiệm máu, nhưng vẫn không ra được bệnh. Nếu bố tôi xét nghiệm tủy đồ để xem có ra bệnh không? Tôi có nên cho bố tôi đi xét nghiệm tủy đồ hay không? Có ảnh hưởng gì đến sức khỏe khi lấy tủy không thưa bác sĩ? Xin bác sĩ tư vấn giúp. Cảm ơn bác sĩ rất nhiều.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Chọc dịch não tủy. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chọc dịch não tủy. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Trong trường hợp này chưa rõ là xét nghiệm bác sĩ muốn làm cho bố bạn là tuỷ đồ hay chọc dịch não tuỷ? Thông thường đối với các bất thường về thần kinh, phương pháp chẩn đoán cần thực hiện sẽ là chọc dịch não tuỷ ưu tiên hơn tuỷ đồ. Tủy xương là nơi sinh ra các tế bào máu.

Tuỷ đồ là phương pháp xét nghiệm phân tích số lượng và chất lượng các tế bào máu (hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu) thông qua chọc hút tủy xương, thường là ở xương chậu. Đây là một xét nghiệm có vẻ xâm lấn vì thường gây đau, nhưng hầu như không có chống chỉ định và rất an toàn.

Việc lấy tuỷ này cũng không ảnh hưởng gì tới sức khoẻ về lâu dài. Bạn nên hỏi kĩ lại bác sĩ điều trị xem phương pháp cần thực hiện có tên chính xác là gì, trong trường hợp này có lẽ chọc dịch não tuỷ là phù hợp hơn.

Dù là phương pháp nào thì cũng hết sức cần thiết để chẩn đoán nguyên nhân bệnh, nếu không làm rõ nguyên nhân thì không thể điều trị và có thể làm cho bệnh trở nặng, gây nguy hiểm và gây khó khăn cho việc điều trị bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Dịch não tủy là một “sản phẩm” từ các não thất. Chức năng của dịch này được ví nôm na như một cái đệm nước cho toàn bộ hệ thống thần kinh trung ương trong một hộp sọ, ống sống cứng, bao quanh làm cho não, tủy không bị đụng giập, xoắn vặn khi đầu cử động cũng như khi bị va đập. Bên cạnh đó, dòng di chuyển một chiều của dịch não tủy cũng có tác dụng chuyên chở một số chất cần thiết khác cho não và cơ thể. Trung bình mỗi ngày, dịch não tủy tiết ra và hấp thu lại khoảng 500ml và thay đổi khoảng 3-4 lần.

Kỹ thuật chọc dịch não tủy chỉ lấy một lượng rất nhỏ trong khoang dịch não tủy để xét nghiệm (khoảng 5-6ml), không ảnh hưởng gì tới cơ thể. Vị trí chọc dịch não tủy cũng khá an toàn: ở trẻ sơ sinh là thóp, ở người lớn, trẻ lớn là vùng thắt lưng, khe liên đốt L3-L4, L4-L5, L5-S1. Vì tủy sống kết thúc (nón tủy) ở khe L1-L2 nên có thể nói chọc dịch não tủy ở các vị trí trên không hề chạm tới tủy sống, lại càng không ảnh hưởng gì tới não bộ cả. Vậy, mọi người không nên vì chữ “chọc dịch não tủy” mà suy đoán và lo sợ.

Biến chứng của kỹ thuật này sẽ không thể xảy ra khi bác sĩ khám lâm sàng cẩn thận, loại trừ các trường hợp chống chỉ định. Đó là các trường hợp: nhiễm khuẩn da hay mô mềm vùng chọc dò (tránh gây nhiễm khuẩn lan vào khoang dưới nhện); tăng áp lực nội sọ; Nguy cơ chảy máu: các bệnh lý của máu, đang dùng thuốc chống đông. Đôi khi người bệnh có thể bị đau đầu sau chọc dịch não tủy, nhưng tình trạng này sẽ hết sau vài giờ hoặc ít ngày.

Thủ thuật chọc dịch não tủy được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp:

- Chẩn đoán:
+ Nhiễm khuẩn thần kinh: viêm màng não do virus, vi khuẩn, nấm, viêm não;
+ Chẩn đoán xuất huyết dưới nhện;
+ Chẩn đoán một só tình trạng viêm hệ thống: Xơ cứng rải rác, Guillain-Barre, bệnh Devic, neurosarcoidosis;
+ Chấn đoán khối u màng não;
+ Chẩn đoán một số rối loạn chuyển hóa.

- Điều trị:
+ Một số thủ thuật đòi hỏi vô cảm vùng dưới cơ thể;
+ Điều trị kháng sinh hoặc hóa chất.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X