Hotline 24/7
08983-08983

Xét nghiệm trước phẫu thuật có phát hiện ma túy không?

Xét nghiệm trước phẫu thuật và nhiều câu hỏi của bệnh nhân cao tuổi được BS Hương giải đáp trong buổi tư vấn ngày 7/2 như: loãng xương, nhức đầu chóng mặt nhiều năm, viêm phổi mãn…

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Bạn đọc hỏi hotline 08983 08983

Trước khi phẫu thuật phải xét nghiệm máu. Nếu phát hiện dương tính với chất kích thích thì có được phẫu thuật không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Các xét nghiệm tiền phẫu (trước mổ) của 1 ca mổ chương trình thông thường bao gồm: công thức máu, nhóm máu, bilan đông cầm máu, men gan, creatinine, ure, điện giải đồ, đường huyết, test HIV, bộ nhiễm (tầm soát viêm gan B, C, giang mai) và xét nghiệm đặc biệt riêng cho bệnh cần mổ.

Xét nghiệm thường quy trước mổ thường không bao gồm xét nghiệm kiểm tra chất kích thích như ma túy, trừ khi bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ.

Hơn ai hết, người bệnh phải trân trọng sức khỏe của chính mình, việc dùng chất kích thích trước mổ là “liều mạng” có thể dẫn tới tai biến khi mổ do chính bản thân người bệnh gây ra chứ không phải do ai khác, do vậy cần phải “khai thật” cho BS mổ, để BS có hướng xử trí thích hợp.


- Bạn đọc có email laudo...@gmail.com

Chào BS, em năm nay 21 tuổi, em bị đau bụng đi ngoài kèm theo máu và chất nhầy màu vàng. Em đã uống thuốc nhưng không khỏi, hỏi em bị bệnh gì ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Triệu chứng đi tiêu kèm nhầy máu có thể gặp trong nhiều bệnh lý với mức độ nặng - nhẹ khác nhau: rối loạn tiêu hóa kèm trĩ/ nứt hậu môn, viêm ruột, nhiễm trùng đường ruột, nhiễm ký sinh trùng, viêm loét đại trực tràng, polyp đại trực tràng...

Em cần phải khám chuyên khoa tiêu hóa để BS khám tổng quát và khám bụng, khám hậu môn trực tràng, làm một số xét nghiệm cần thiết (như xét nghiệm phân, xét nghiệm máu, siêu âm bụng, nội soi đại trực tràng khi cần thiết...) để xác định nguyên nhân và từ đó có hướng điều trị thích hợp. trong thời gian này, em chú ý không rượu bia cafe, ăn chín uống sạch, ăn thực phẩm dễ tiêu hạn chế dầu mỡ, chua cay, nhiều gia vị.


- Võ Thị Khánh Hòa - Đồng Nai

Chào BS!

Hơn 10 năm trước, cô em bị dẫm miểng chai, sau này vết thương tự lành. Nhưng càng lúc đi lại càng khó khăn. Đến bây giờ bị đi khập khiễng và hết sức khó khăn. BS cho em hỏi nguyên nhân và cách chữa trị để đi lại bình thường ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Khánh Hòa,

Tình trạng của cô em có thể do nhiều nguyên nhân, như còn sót 1 mẩu miểng chai ở chân, viêm cân gan chân, viêm xơ hóa gân gót, bệnh lý cơ xương khớp, bệnh lý của thần kinh cột sống thắt lưng...

Cô em cần đến khám chuyên khoa cơ xươgn khớp, để BS thăm khám, làm xét nghiệm kiểm tra từ đó mới xác định được nguyên nhân và điều trị thích hợp. Trong thời gian này, cô em nên hạn chế đi lại, đi giày đế êm, xoa bóp với dầu ấm sẽ dễ chịu hơn.


- Dang Thi Lieu - Hà Nam

Xin chào AloBacsi,

BS cho em hỏi cháu em đi khám và có kết quả như sau: bạch cầu cao, dương tính protein và hồng cầu trong máu lẫn trong nước tiểu, vậy có sao không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Liễu,

Theo thông tin em cung cấp thì cháu em đã làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu 10 thông số, và với kết quả trên thì có thể gặp trong nhiều nguyên nhân bao gồm nhiễm trùng tiểu, viêm cầu thận, viêm ống thận, hội chứng thận hư không đơn thuần...

Trường hợp này cháu em cần phải khám chuyên khoa thận - tiết niệu, để BS thăm khám và làm một số xét nghiệm chuyên sâu hơn (như cặn addis nước tiểu, protein nước tiểu 24 giờ, siêu âm bụng...) để xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp, em nhé.


- Nguyễn Thu Hương - nguyenthuhuong…@gmail.com

Dạ cháu bị gãy 1/3 xương mác dưới cháu đã bó bột 2 tháng, đi khám đã lành và đã được tháo bột thấy cổ chân bị sưng. Về nhà cháu tập đi bằng nạng thì thấy bàn chân bị tím khi đi, không biết có sao không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Thu Hương,

Hiện tượng đó là thường gặp khi tháo bột gãy xương chân mác em nhé. Bởi vì gãy xương làm xáo trộn hệ thần kinh - mạch máu quanh khu vực đó, lưu thông mạch máu không được tốt như trước đây kèm việc cố định bằng bột lâu ngày nên sẽ dễ gây sưng nề nhẹ.

Ngoài ra, chân còn chịu thêm ảnh hưởng của trọng lực và sức nặng cơ thể đè lên nên khi em đi lại nhiều thì chân sẽ sưng nề nhiều hơn. Tình trạng này là lành tính, có đặc điểm là sẽ giảm khi kê chân cao, khi xoa bóp; khác với sưng nề do viêm là sẽ có kèm nóng đỏ đau, không cải thiện nhiều khi kê chân cao và sẽ tiến triển nặng hơn nếu nguyên nhân viêm không được giải quyết.

Vì thế, em vẫn tiếp tục tập đi, nhưng cần hạn chế đi lại nhiều hay đứng lâu, khi ngồi/ ngủ nên kê chân cao, nếu bắt buộc phải đứng lâu hay đi nhiều nên mua vớ áp lực để đeo, xoa bóp sẽ giúp cải thiện.


- Linh Phan - klinh…@gmail.com

Tôi 25 tuổi, khi ngủ nếu nằm ngửa duỗi thẳng hai chân thì chỉ khoảng 5 phút sau là đùi bên phải bắt đầu bị tê buốt, nếu để càng lâu càng tê buốt cứng rất khó chịu gây mất ngủ thường xuyên.

Hiện tượng này xuất hiện cách đây khoảng nửa năm, trước đó không có. Xin hỏi đó là bệnh gì, chữa trị thế nào? Tôi hiện ở Huế thì nên đi khám BV nào và ở chuyên khoa nào? Xin cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Triệu chứng trên có thể là dấu hiệu của bệnh đau thần kinh tọa (thường do thoát vị đĩa đệm vùng cột sống thắt lưng), do chèn ép thần kinh ngồi ở vùng mông, gù vẹo cột sống làm căng mỏi cơ khi nằm thẳng...

BS cần phải kiểm tra bằng một số nghiệm pháp khi thăm khám, chụp Xquang cột sống thắt lưng, và MRI cột sống khi cần. Bạn nên khám chuyên khoa cơ xương khớp nhé.


- Hoang Dinh - nguyendinh…@yahoo.com

Thưa BS,

Cho mình xin hỏi, bệnh nhiễm trùng máu hoặc ung thư máu có phải lọc mỗi tuần không, vì mẹ mình đã 78 tuổi rồi? Mẹ có thẻ BHYT nếu lọc máu, mỗi lần mất bao nhiêu tiền?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu) là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, gây ra do vi khuẩn lưu hành trong máu gây ra các triệu chứng lâm sàng đa dạng, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn với tỉ lệ tử vong rất cao (từ 20 - 50%), trong đó sốc nhiễm khuẩn là biểu hiện nặng của nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân sẽ được điều trị hồi sức tích cực, lọc máu khi có chỉ định chứ không phải trường hợp nào cũng lọc máu và cũng không phải lọc máu mỗi tuần.

Bệnh ung thư máu cũng tương tực, tức là lọc máu khi có chỉ định chứ không phải trường hợp nào cũng lọc máu và cũng không phải lọc máu mỗi tuần. chỉ có bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối mới cần lọc máu định kỳ (cách ngày hay 2 ngày/ tuần hay cách tuần là tùy thuộc vào độ nặng của bệnh).

Mẹ bạn có thẻ BHYT nhưng còn tùy là điều trị đúng tuyến hay trái tuyến, lọc máu loại nào nữa mà bảng giá sẽ khác nhau. Tốt hơn hết bạn nên hỏi kỹ BS điều trị cho mẹ bạn về chỉ định và chi phí của loại xét nghiệm kỹ thuật cao này, bạn nhé.


- Trần Văn Vàng - tranvanvang…@gmail.com

Thân chào BS,

Mẹ em nay 62 tuổi, bị nhức đầu, chóng mặt, kèm theo nôn ói (thỉnh thoảng) khi bị mất ngủ đã nhiều năm nay, đi khám thì BS chẩn đoán là rối loạn tiền đình, thiếu máu não cục bộ, có uống thuốc theo toa nhưng chỉ thuyên giảm chứ không hết.

Theo quan điểm của BS thì chẩn đoán như vậy có chính xác chưa, em tính đưa mẹ lên Sài Gòn khám, theo BS thì trường hợp này em nên đến BV nào? Khám chuyên khoa gì để được kết quả chính xác nhất? Em chân thành cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Vàng,

Chẩn đoán của BS trước phù hợp để giải thích triệu chứng bệnh của mẹ bạn. Tuy nhiên, vì chúng tôi chưa thăm khám cho người bệnh nên không thể kết luận là “có chính xác chưa”.

Nếu như mẹ bạn ít đáp ứng với thuốc đang dùng và có nguyện vọng lên Sài Gòn để kiểm tra thì cũng được. Với triệu chứng nhức đầu, chóng mặt thì nên đăng ký chuyên khoa nội thần kinh cho mẹ bạn. 1 số BV lớn ở TPHCM có chuyên khoa nội thần kinh là BV Nhân dân 115, BV Đại học Y Dược, BV Nguyễn Tri Phương, BV Trưng Vương, BV Nhân dân Gia Định, BV Chợ Rẫy...


- Tr. Văn Đức - duc…@gmail.com

Em năm nay 18 tuổi. Em bị chìa khóa xe máy đâm vào cánh mũi phải khâu 2 mũi đã tháo chỉ, vết thương thành sẹo lún hơi sâu xuống mũi.

Cho đến bây giờ mũi phải em vẫn khó thở, xoăn mũi chấn ngang lỗ mũi dẫn đến việc khó thở. Vậy BS có thể giúp em biện pháp chữa nghẹt mũi này được không ạ? Em xin trân thành cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Đức thân mến,

Trong trường hợp này nhiều khả năng em cần phẫu thuật chỉnh hình mũi để giải quyết vấn đề khó thở do sẹo lún ở mũi gây ra do tai nạn. Em cần khám BV Tai mũi họng để BS kiểm tra kỹ lưỡng lại cho em, tùy mức độ mà BS sẽ tư vấn hướng điều trị thích hợp tương ứng.

Trong thời gian đó, em nên chọn lựa độ cao gối ngủ cho phù hợp, nằm nghiêng về phía dễ thở hơn, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, dùng nước muối khoáng rửa mũi trước và sau khi ngủ dậy, sau khi đi ở ngoài về.


- Vũ Văn Dũng - can_nha…@yahoo.com.vn

Bố cháu bị tức ngực khó thở, đi khám ở BV lao phổi Thanh Hóa thì chẩn đoán là viêm phổi gần như là mãn. Khi có thuốc thì dễ chịu nhưng khi ngừng thuốc một buổi thì lại tức ngực trở lại. Xin BS tư vấn. Gia đình xin cảm ơn,

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Dũng,

Trường hợp của bố em cần phải xác định xem có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sau lao hay không, xơ phổi sau lao, yếu tố nguy cơ thúc đẩy viêm phổi tái đi tái lại (như hút thuốc lá, đái tháo đường, nghiện rượu, suy giảm miễn dịch, dùng corticoide kéo dài, bệnh tim mạch...)... để điều trị toàn diện thì mới ngăn ngừa được tình trạng viêm phổi tái đi tái lại.

Tuy nhiên, những bệnh lý trên thường gây khó thở là chủ yếu, nếu bố em bị tức ngực là chính, tức ngực đáng kể nhiều hơn khó thở thì cần phải kiểm tra bệnh lý tim mạch kèm theo. Như vậy, theo ý kiến của tôi thì bố em nên khám ở chuyên khoa hô hấp - tim mạch là phù hợp nhất.

Đồng thời, bố em cần ăn uống đầy đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, cần tập thở sâu (theo kiểu thiền, yoga) để tăng đàn hồi cho phổi, nếu có hút thuốc thì phải ngừng hút, tập thể dục thể thao thường xuyên, tránh môi trường quá ô nhiễm.


- Thanh Lộc - thanhloc…@gmail.com

Chào BS,

Hiện tại cháu gặp vấn đề về sức khỏe sau: khi cháu đau đầu (đau toàn bộ vùng đầu), khi hết đau đầu thì chảy máu cam. Tình trạng này đã hơn 1 năm rồi, không biết như vậy có nguy hiểm gì không ạ? Nếu có thì cháu nên khi khám ở chuyên khoa nào? Cháu cảm ơn ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Lộc,

Đau đầu kèm chảy máu cam là một dấu hiệu cần phải đến BV để kiểm tra tìm ra nguyên nhân. Nguyên nhân có thể là viêm mũi xoang, tăng huyết áp người trẻ, bệnh hệ thống... Em nên khám chuyên khoa tai mũi họng, BS cần thăm khám và soi mũi cho em, có thể làm thêm 1 số xét nghiệm khác nếu cần, khi xác định nguyên nhân sẽ có hướng điều trị thích hợp tương ứng.

Khi chảy máu cam ít, em nhớ dùng ngón cái cùng bên ấn nhẹ bên cánh mũi chảy máu, giữ trong 5 - 10 phút, trong khi đầu để thẳng. Nếu tình trạng chảy máu cam nhiều thì phải vào BV ngay.


- Bạn đọc có email rosy@...com.vn

Mẹ em năm này 57 tuổi, sau khi đi khám tổng quát, kết quả nhận được là bị loãng xương cấp độ nặng và bị lệch cột sống. Vậy cho em hỏi là nên đi điều trị ở BV nào là tốt nhất? Mẹ đã đi đến trung tâm chấn thương chỉnh hình gần 1 năm, nhưng không có tiến triển gì hết.

Và thông tin giúp em, bị bệnh về xương thì nên bổ sung chất dinh dưỡng như thế nào cho phù hợp. Tình trạng xương có thể cải thiện lên được hay không? Giờ mẹ đi đâu cũng phải mang đai cố định cột sống, làm gì nặng hay đi đứng lâu là sẽ bị nhức.

Xin tư vấn giúp em trường hợp này. Em xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Rosy,

BV Chấn thương chỉnh hình có thể điều trị bệnh lý của mẹ em tốt. Vấn đề là bệnh tình của mẹ em nặng, cụ thể là loãng xương cấp độ nặng gây biến chứng lệch cột sống nên thời gian phục hồi phải từ từ.

Nếu gia đình cảm thấy không hài lòng với nơi đang điều trị thì có thể thuyên chuyển sang BV khác, chú ý vấn đề BHYT cho đúng tuyến. Một số BV khác có chuyên khoa cơ xương khớp mạnh điều trị được bệnh lý của mẹ em tại TPHCM là BV Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy...

Với tình trạng bệnh hiện tại, mẹ em cần tránh làm việc nặng, tránh bê vác, tránh đứng lâu, mang đai cố định cột sống thường xuyên, uống thuốc theo toa của BS, chú ý bổ sung thêm thực phẩm giàu canxi có trong hải sản, sữa, trứng... nhưng vẫn phải đủ chất.

Cần uống đủ nước trong ngày, khi đau nhiều thì nên nghỉ ngơi, có thể xoa bóp sẽ giúp dễ chịu hơn. Bệnh loãng xương là bệnh có thể điều trị được với sự tiên tiến của y học hiện đại, em nhé.

Chúc mẹ em luôn vui, khỏe.


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X