Hotline 24/7
08983-08983

Xét nghiệm siêu nhạy chẩn đoán sớm nhồi máu cơ tim

Thay vì phải chờ đến 6 giờ, xét nghiệm mới giúp xác định bệnh lý nhồi máu cơ tim chỉ trong 1 giờ, giúp 2/3 số bệnh nhân nhập viện do đau thắt ngực được chẩn đoán chính xác.

Theo tạp chí y khoa uy tín của Anh - The Lancet, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Edinburgh cho biết xét nghiệm Troponin-I siêu nhạy (hsTnI) của Abbott cho phép rút ngắn thời gian chẩn đoán nhồi máu cơ tim để cứu sống bệnh nhân.

Troponin là một protein sẽ tăng cao do tổn thương cơ tim. Thế nên, các bác sĩ thường yêu cầu xét nghiệm troponin tim ngay lúc nhập viện và lặp lại trong vòng 1–6 tiếng để xác định bệnh nhân có nguy cơ nhồi máu cơ tim hay không. Nhờ việc chẩn đoán nhanh, bệnh nhân có thể xuất viện sớm nếu được loại trừ nguy cơ mắc bệnh, tránh được việc chờ đợi mòn mỏi để thực hiện các xét nghiệm bổ sung.

Xét nghiệm Troponin-I siêu nhạy đáp ứng tất cả hai tiêu chí do Liên đoàn Hóa Sinh Lâm sàng Quốc tế đặt ra cho xét nghiệm Troponin tim loại này: Độ sai biệt tại ngưỡng chẩn đoán nhỏ hơn 10% hệ số biến thiên (CV); Đo đạc được troponin tim ở ít nhất 50% cá thể khỏe mạnh từ ngưỡng phát hiện tới ngưỡng chẩn đoán.

“Qua xét nghiệm này, bệnh nhân cảm thấy an tâm khi được chẩn đoán có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim thấp. Khi được xuất viện, bệnh nhân không phải quay lại bệnh viện và thực hiện nhiều xét nhiệm Troponin nối tiếp không cần thiết”, bác sĩ Anoop Shah, Đại học Edinburgh chia sẻ. Ngoài ra, đây cũng là xét nghiệm được Hiệp hội tim mạch Châu Âu khuyến cáo sử dụng trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim.


Đặc biệt, xét nghiệm Troponin-I siêu nhạy (hsTnI) của Abbott còn có ưu điểm là có “ngưỡng cắt theo giới tính”, tức cho phép định lượng chính xác nồng độ Troponin–I ở nam và nữ riêng biệt, giúp chẩn đoán chính xác hơn bệnh nhồi máu cơ tim ở nữ.

Theo PGS.TS. Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Tim Mạch BV Bạch Mai: “Với bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, thời điểm lý tưởng để can thiệp tái thông động mạnh vành là 2 giờ đồng hồ kể từ khi có triệu chứng đau thắt ngực. Trước 6 giờ vẫn được coi là khoảng thời gian “vàng” để tái thông mạch. Từ 6-12 giờ, người bệnh vẫn có thể có cơ hội điều trị tốt (tất nhiên là sớm trước 6 giờ vẫn tốt hơn). Bệnh nhân đến viện muộn sau 12 giờ rất khó cứu chữa, nguy cơ tử vong cao hoặc người bệnh có thể gánh chịu những hậu quả nặng nề về sau này như rối loạn nhịp tim, suy tim nặng...

Khi bệnh nhân vào viện cấp cứu với lý do đau ngực, rất quan trọng là bác sĩ chẩn đoán xác định hoặc loại trừ càng sớm càng tốt bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp, hay nói một cách khác, bác sĩ phải trả lời nhanh và chính xác câu hỏi là bệnh nhân này có bị nhồi máu cơ tim cấp hay không.”

Theo WHO, mỗi năm, bệnh tim mạch gây ra cho hơn 17,5 triệu cái chết với 2,5 triệu người chết do nhồi máu cơ tim. Dự đoán sẽ có khoảng 25 triệu người bị bệnh tim mạch tử vong vào năm 2020. Ở Anh, các cơn đau thắt ngực là nguyên nhân của gần 700.000 ca nhập viện cấp cứu mỗi năm.

Xét nghiệm Troponin-I siêu nhạy hiện đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới. PGS.TS. Tạ Mạnh Cường cho biết, “nhờ xét nghiệm này, bệnh nhân có thể được xác định chính xác nhồi máu cơ tim chỉ trong 3 giờ, thậm chí 1 giờ (trong khi trước kia có thể phải mất đến 6 giờ, thông qua nhiều xét nghiệm bổ sung khác nhau mới xác định được).”

Với thời gian phát hiện nhanh chóng triệu chứng nhồi máu cơ tim, đạt độ chính xác cao cho cả nam và nữ, người bệnh sẽ có cơ hội được cấp cứu kịp thời, tăng cơ hội được cứu sống.

Theo PV - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X