Hotline 24/7
08983-08983

Xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng, ăn sáng rồi có xét nghiệm được không?

Bệnh nhân thường được dặn là nên nhịn ăn trước khi lấy máu làm xét nghiệm. Tuy nhiên không phải trường hợp nào bệnh nhân cũng cần phải nhịn ăn, và nếu phải nhịn ăn thì cũng chỉ nhịn trong một khoảng thời gian.

1. Có những loại xét nghiệm không yêu cầu phải nhịn ăn
Có nhiều người vẫn còn những quan niệm rằng cứ đi làm xét nghiệm máu là nhịn ăn, quan niệm này chỉ đúng với một vài loại xét nghiệm mà thôi. Trên thực tế có những loại xét nghiệm máu người bệnh không cần nhịn ăn. Với các xét nghiệm sau, bệnh nhân có thể lấy máu vào mọi thời điểm trong ngày:
- Xét nghiệm công thức máu và đông cầm máu
- Bộ xét nghiệm tuyến giáp: TSH, FT3, FT4
- Các xét nghiệm miễn dịch như HIV, viêm gan siêu vi B,C
- Xét nghiệm nội tiết tố như LH, testosterone, estrogen hay prolactin máu
- Các xét nghiệm chỉ dấu ung thư: CEA,CA 19-9, CA 125, PSA…

Không phải xét nghiệm máu nào cũng cần nhịn ăn sáng - Ảnh: AloBacsi tổng hợp

2. Các xét nghiệm yêu cầu nhịn ăn trước khi lấy máu
Xét nghiệm đường huyết đói: xét nghiệm này đo lượng đường Glucose trong máu khi đói và việc nhịn ăn sẽ đảm bảo kết quả xét nghiệm đường huyết đói sẽ chính xác. Do đó bệnh nhân không được ăn hoặc uống bất cứ thứ gì ngoài nước lọc trong vòng 6 - 8 giờ trước khi lấy máu.

Xét nghiệm bộ mỡ máu: bộ xét nghiệm này đánh giá lượng mỡ trong máu. Cholesterol cao có thể làm tăng nguy cơ của một số bệnh tim mạch, gây ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ. Các loại mỡ máu khác được kiểm tra bao gồm: Cholesterol - HDL (hay cholesterol “tốt”), Cholesterol - LDL (hay cholesterol “xấu”) và Triglycerides.Nếu bệnh nhân mới ăn trước khi xét nghiệm, mỡ máu sẽ tăng lên, do đó bệnh nhân cần nhịn ăn từ 8 – 12 tiếng trước khi lấy máu.

Xét nghiệm sắt huyết thanh: Xét nghiệm này đo lượng sắt trong máu giúp xác định các bệnh do thiếu sắt ví dụ như thiếu máu thiếu sắt. Sắt trong thức ăn được hấp thu rất nhanh vào máu, do đó nếu ăn trước khi xét nghiệm sắt huyết thanh, kết quả có thể cao hơn chỉ số chính xác lượng sắt trong máu.
Để đảm bảo kết quả được chính xác, bệnh nhân không nên ăn bất cứ thứ gì vào buổi sáng làm xét nghiệm. Nếu bệnh nhân có sử dụng các thực phẩm bổ sung như viên sắt hay vitamin chứa sắt, thì không nên uống trong vòng 24 giờ trước khi lấy máu.

3. Một số lưu ý khác
Rượu, nước trà, cà phê có thể ảnh hưởng đến đường huyết, mỡ máu hay men gan (AST, ALT, GGT), khiến cho kết quả xét nghiệm không chính xác. Do đó bệnh nhân không nên uống trà, cà phê trước khi lấy máu và nên kiêng uống rượu trong 24 giờ trước khi xét nghiệm.

Hút thuốc lá: Thuốc lá cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu. Nếu được yêu cầu nhịn ăn trước khi xét nghiệm thì bệnh nhân cũng nên tránh hút thuốc lá.
Nước không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu, bệnh nhân nên uống nhiều nước khi nhịn ăn để giữ cho cơ thể đủ nước, tránh việc cơ thể bị thiếu nước và giảm bớt mệt mỏi trong thời gian chờ đợi.

Nếu bạn lỡ ăn hoặc uống gì đó trong thời gian cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm thì nên nói với bác sĩ để có ghi chú lại hoặc dời thời gian lấy máu xét nghiệm. Điều này là cần thiết để có một kết quả xét nghiệm và chẩn đoán chính xác.

Website Bệnh viện quận Thủ Đức

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X