Hotline 24/7
08983-08983

Xét nghiệm máu có thể tầm soát tất cả các bệnh ung thư không?

Tìm dấu ấn sinh học được sử dụng cho bệnh nhân ung thư chủ yếu để đánh giá hiệu quả điều trị, theo dõi sự tái phát của bệnh, nó không có ý nghĩa để tầm soát mọi loại ung thư.

Thời gian gần đây, do việc chưa hiểu đầy đủ về việc tầm soát ung thư nên rất nhiều người dân đã chọn xét nghiệm máu nhằm mục đích để phát hiện ra ung thư sớm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư chủ yếu được dùng để theo dõi bệnh còn để phát hiện ra bệnh thì ý nghĩa chưa nhiều. Tùy thuộc vào loại bệnh ung thư mà việc tầm soát sẽ khác nhau.

Để giúp mọi người hiểu hơn về xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư, báo Trí thức trẻ nhờ tới sự tư vấn chuyên môn của PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai.


PV: Thưa PGS.TS Phạm Cẩm Phương, xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư có phải là biện pháp tầm soát ung thư sớm hay không?

PGS.TS Phạm Cẩm Phương: Dấu ấn ung thư hay còn gọi là chất chỉ điểm khối u trong máu, là các chất được tạo ra bởi tế bào ung thư hoặc bởi tế bào bình thường đáp ứng với sự hiện diện của ung thư hoặc các bệnh lý khác.

Các dấu ấn ung thư này có thể hiện diện trong tế bào, trong mô và trong dịch cơ thể (máu, nước tiểu, dịch não tủy), hiện nay hay sử dụng đánh giá các dấu ấn ung thư trong máu.

Các dấu ấn ung thư chủ yếu được áp dụng để đánh giá hiệu quả điều trị, tiên lượng, theo dõi tái phát, di căn của bệnh ung thư đã được chẩn đoán xác định trước đó. Còn với vai trò tầm soát ung thư thì giá trị không nhiều và chỉ có ý nghĩa với một số loại ung thư.

Xét nghiệm máu tầm soát ung thư chỉ áp dụng trong tầm soát trên đối tượng nguy cơ cao và phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, tư vấn. Đây không phải là phương pháp có chỉ định rộng rãi.

Nhìn chung xét nghiệm máu để tìm dấu ấn ung thư trong sàng lọc phát hiện sớm bệnh có độ nhạy và độ đặc hiệu không cao. Có những bệnh nhân không bị ung thư nhưng chất chỉ điểm khối u tăng do viêm nhiễm hoặc do các bệnh lý lành tính.

Ngược lại có những trường hợp bệnh nhân ung thư thậm chí ở giai đoạn muộn nhưng chất chỉ điểm khối u không tăng. Nên xét nghiệm này không phải là biện pháp đặc hiệu để tầm soát ung thư sớm.

Tuy nhiên, với các bệnh nhân nam giới trên 50 tuổi, bị bệnh viêm gan, xơ gan, nguy cơ cao bị ung thư gan, việc phối hợp siêu âm ổ bụng và xét nghiệm chất chỉ điểm khối u, sử dụng phần mềm để tính điểm có thể dự đoán khả năng mắc ung thư gan từ đó có kế hoạch theo dõi định kỳ cho bệnh nhân nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.


PV: Xét nghiệm máu tầm soát ung thư sớm được chỉ định khi nào, thưa bác sĩ?

PGS.TS Phạm Cẩm Phương: Một số loại ung thư có thể sàng lọc phát hiện sớm bệnh trên đối tượng nguy cơ cao và phối hợp với các biện pháp khác.

Ví dụ, sử dụng bộ 3 xét nghiệm AFP, AFP-L3, PIVKA II phối hợp với siêu âm ổ bụng trong sàng lọc phát hiện sớm ung thư gan trên đối tượng nguy cơ cao (viêm gan B, C, xơ gan)

Xét nghiệm PSA toàn phần, tự do phối hợp siêu âm ổ bụng và thăm khám lâm sàng ở bệnh nhân nam trên 50 tuổi, đặc biệt những người rối loạn tiểu tiện (bí tiểu, tiểu nhiều lần, đi tiểu không thành dòng), người trong gia đình có mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Tại Trung Tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, Đơn vị Gen- tế bào gốc đã tiến hành xét nghiệm thường quy bộ ba dấu ấn AFP, AFP-L3, PIVKA II để đánh giá nguy cơ mắc ung thư gan cho các đối tượng nguy cơ cao (xơ gan, viêm gan B, C).

Nhờ bộ ba dấu ấn ung thư này mà một số bệnh nhân ung thư gan đã được chẩn đoán sớm bệnh, điều trị hiệu quả.

Để sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư thì việc hỏi tiền sử bệnh, tiền sử gia đình, các triệu chứng hiện có, thăm khám lâm sàng của bác sĩ chuyên khoa rất cần thiết, từ đó bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết.

PV: Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư được áp trong trường hợp nào?


PGS.TS Phạm Cẩm Phương: Xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư nên được làm để đánh giá đáp ứng điều trị, tiên lượng, theo dõi tái phát, di căn của bệnh.

Trong đáp ứng điều trị: sự tăng hay giảm của chất chỉ điểm khối u sẽ giúp bác sĩ lâm sàng nhận định được bệnh nhân đáp ứng hay không đáp ứng với điều trị.

Nếu trước điều trị nồng độ các chất chỉ điểm khối u tăng cao và sau điều trị bệnh nồng độ này giảm chứng tỏ bệnh đáp ứng, còn nếu nồng độ này tiếp tục tăng cao chứng tỏ biện pháp điều trị chưa hiệu quả, cần phải thay đổi phương pháp điều trị hoặc phác đồ điều trị.

Trong theo dõi tái phát bệnh ở bệnh nhân ung thư đã được điều trị ổn định: nếu trong quá trình tái khám bệnh, nồng độ các chất chỉ điểm khối u tăng lên thì cần phải tìm và đánh giá sự tái phát, di căn của bệnh để tái điều trị sớm.



PV: Xin PGS tư vấn cho người dân cách đơn giản nào để phòng tránh ung thư?


PGS.TS Phạm Cẩm Phương: Chúng ta cần có lối sống lành mạnh, tập thể dục thể thao thường xuyên, tránh tiếp xúc với các tác nhân có thể gây bệnh ung thư như thực phẩm chứa hóa chất độc hại, thuốc lá, rượu…, có ý thức khám sức khỏe định kì mỗi 6 tháng để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Cảm ơn PGS.TS Phạm Cẩm Phương, chúc PGS sức khỏe và thành công!

Theo Soha

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X