Hotline 24/7
08983-08983

Xét nghiệm dung nạp glucose bằng đường uống

Xét nghiệm dung nạp glucose bằng đường uống đo khả năng cơ thể sử dụng một loại đường, gọi là glucose, mà cơ thể sử dụng như nguồn năng lượng chính. Xét nghiệm này có thể dùng để chẩn đoán trạng thái tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường nhưng thường được dùng nhất cho việc chẩn đoán tiểu đường thai kỳ.

Xét nghiệm dung nạp glucose bằng đường uống đo khả năng cơ thể sử dụng một loại đường, gọi là glucose, mà cơ thể sử dụng như nguồn năng lượng chính. Xét nghiệm này có thể dùng để chẩn đoán trạng thái tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường nhưng thường được dùng nhất cho việc chẩn đoán tiểu đường thai kỳ.

Tại sao phải làm xét nghiệm này?

Xét nghiệm này được dùng để:

Kiểm tra xem thai phụ có bị tiểu đường thai kỳ hay không. Phụ nữ mang thai có rủi ro bị tiểu đường thai kỳ nếu:
 - Đã từng bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
- Đã từng sinh con nặng hơn 4.1 kg (theo tiêu chuẩn Mỹ).
- Trẻ hơn 25 tuổi và bị béo phì trước khi có thai.
- Chẩn đoán trạng thái tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường.

Chuẩn bị làm xét nghiệm

Để chuẩn bị làm xét nghiệm dung nạp glucose bằng đường uống:

- Duy trì chế độ ăn uống có chứa ít nhất 150 gram carbohydrate (tinh bột) mỗi ngày trong vòng 3 ngày trước khi làm xét nghiệm. Các thực phẩm như hoa quả, bánh mì, ngũ cốc, các loại hạt, gạo, bánh quy ngũ cốc, và các loại củ quả chứa nhiều tinh bột như khoai tây, các loại đậu, và ngô đều có hàm lượng carbohydrate cao.

- Không ăn uống, hút thuốc và tập thể dục trong vòng ít nhất 8 tiếng trước khi lấy mẫu máu đầu tiên.

- Thông báo cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc hiện đang sử dụng. Tùy từng loại thuốc mà có thể phải ngừng uống trước khi xét nghiệm.

Xét nghiệm có thể kéo dài đến 4 tiếng. Vì bất kỳ hoạt động nào cũng có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ngồi yên trong suốt quá trình làm xét nghiệm. Bạn không được ăn gì và chỉ có thể uống nước lọc cho đến khi kết thúc xét nghiệm.

Hãy hỏi bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến việc liệu có phải làm xét nghiệm hay không, rủi ro khi làm xét nghiệm, hoặc quá trình làm xét nghiệm. Có thể sử dụng danh sách các câu hỏi này để tham khảo khi nói chuyện với bác sĩ.

Quá trình làm xét nghiệm

Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống (Nguồn ảnh: nytimes.com)

Xét nghiệm được tiến hành theo các bước sau:

- Mẫu máu đầu tiên được lấy ngay khi mới đến. Mẫu máu này được dùng để đo nồng độ đường huyết khi đói. Đây là tiêu chuẩn để so sánh với kết quả các mẫu máu sau đó.

- Bệnh nhân sẽ uống một loại nước ngọt chứa hàm lượng glucose nhất định, thường là 75 hoặc 100 gram glucose.

- Mẫu máu sẽ được lấy sau đó 1, 2 hoặc đôi khi là 3 tiếng. Tùy trường hợp, bác sĩ cũng có thể chỉ định lấy mẫu máu sau 30 phút, hoặc sau hơn 3 tiếng.

Lấy mẫu máu

Y tá thường lấy máu theo các bước sau:

- Quấn một dây đàn hồi quanh phần trên của bắp tay để ngăn máu lưu thông. Việc này khiến cho tĩnh mạch phía dưới chỗ dây quấn phình to ra để dễ chích kim vào tĩnh mạch.

- Khử trùng chỗ sẽ chích kim bằng cồn.

- Chích kim tiêm vào tĩnh mạch. Một số trường hợp khó, y tá có thể phải chích vài lần kim mới vào tĩnh mạch.

- Lấy máu vào ống xilanh hoặc ống nghiệm gắn liền.

- Tháo dây nhựa khỏi bắp tay khi đã lấy đủ máu.

- Ấn gạc hoặc bông vào chỗ chích kim sau khi rút kim ra.

 Tiếp tục ấn/đè bông vào chỗ đã chích kim để cầm máu và băng lại.

Cảm giác khi làm xét nghiệm

Bạn sẽ có thể cảm thấy khó nuốt loại nước ngọt xét nghiệm vì hàm lượng đường rất cao. Một số người thấy khó chịu sau khi uống và có thể nôn ra. Khi đã nôn ra thì xét nghiệm phải dừng lại và bạn phải làm lại vào ngày khác.

Mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch ở khuỷu tay. Khi quấn dây đàn hồi trên cánh tay để chuẩn bị lấy máu, bạn có thể cảm thấy bị thít chặt. Có người không cảm thấy gì khi y tá chích kim vào tay, nhưng cũng có người cảm thấy nhói đau.

Bạn có thể sẽ cảm thấy chóng mặt sau khi bị lấy máu vài lần trong một ngày. Tuy nhiên lượng máu bị lấy không đủ để gây ra thiếu máu nghiêm trọng.

Rủi ro

Ở một số người, nồng độ đường huyết giảm xuống thấp vào giai đoạn cuối xét nghiệm. Cũng có một số người thấy có triệu chứng như hạ đường huyết mà thực tế mức đường huyết lại không thấp. Triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm cảm thấy yếu người, đói, ra mồ hôi và căng thẳng đứng ngồi không yên. Nếu có các triệu chứng này, hãy nói cho bác sĩ hoặc y tá vì bạn có thể sẽ được kiểm tra đường huyết ngay bằng máy đo đường huyết. Nếu đường huyết hạ rất thấp, xét nghiệm sẽ được dừng lại.

Có rất ít rủi ro khi bị lấy mẫu máu.

- Chỗ lấy máu sẽ có thể xuất hiện vết bầm nhỏ. Đó là do chảy máu trong (xuất huyết trong) và nguy cơ này có thể giảm bớt bằng cách ấn mạnh vào chỗ lấy máu vài phút sau khi rút kim.

- Tĩnh mạch ở chỗ lấy máu có thể bị nóng đỏ, sưng tấy. Hiện tượng này gọi là viêm tĩnh mạch, rất hiếm khi xảy ra và có thể chữa bằng cách chườm nóng vài lần trong ngày.

- Chảy máu kéo dài có thể xảy ra ở các bệnh nhân bị rối loạn đông máu. Việc dùng một số thuốc như aspirin, warfarin (tên thương mại là coumadin) và một số thuốc làm máu khó đông khác có thể dễ gây chảy máu. Hãy thông báo cho y tá hoặc bác sĩ trước khi lấy máu nếu bạn có các vấn đề về đông máu.

Kết quả xét nghiệm

Xét nghiệm dung nạp glucose bằng đường uống đo khả năng cơ thể sử dụng một loại đường, gọi là glucose, mà cơ thể sử dụng như nguồn năng lượng chính.

Nồng độ đường huyết bình thường

Bảng thống kê dưới đây liệt kê ra các giá trị được coi là bình thường. Tuy nhiên số liệu này chỉ mang tính chất tham khảo vì các trung tâm xét nghiệm khác nhau có thể có các tiêu chuẩn khác nhau. Trong bảng kết quả nhận được thông thường sẽ có ghi khoảng giá trị nào là bình thường đối với nơi xét nghiệm đó. Ngoài ra bác sĩ sẽ đánh giá kết quả dựa trên sức khoẻ bệnh nhân và nhiều yếu tố khác. Vì thế kết quả nằm ngoài số liệu bình thường nêu dưới đây vẫn có thể là bình thường đối với phòng xét nghiệm đó hoặc bệnh nhân đó.

Bảng giá trị đường huyết bình thường khi làm xét nghiệm dung nạp glucose bằng đường uống

75 gram glucose Mẫu máu đầu tiên ≤ 100 mili-gram/deci-lit (mg/dL) (tương đương 5.6 mmol/L)
1 tiếng sau < 184 mg/dL (tức 10.2 mmol/L)
2 tiếng sau < 140 mg/dL (tức 7.7 mmol/L)

Nếu đường huyết sau 2 tiếng nằm trong khoảng 140-199 mg/dl, bạn đang ở trạng thái tiền tiểu đường.

Đối với phụ nữ mang thai, có một số cách chẩn đoán và tiêu chuẩn khác nhau được khuyến khích bởi các Hiệp hội khác nhau.

Trong chẩn đoán 2 bước, một xét nghiệm nữa thường sẽ được làm trước khi thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose bằng đường uống với 100 gram glucose. Khi làm xét nghiệm này thì không cần phải nhịn ăn. Đầu tiên bạn sẽ uống nước có chứa 50 gram glucose và một giờ sau thì lấy máu. Nếu giá trị đường huyết cao, ví dụ cao hơn 140 mg/dl (tức 7.8 mmol/l), thì bạn sẽ phải làm xét nghiệm tiếp theo với 100 gram glucose.

Bảng dưới đây giới thiệu các tiêu chuẩn và mức đường huyết thường dùng để chẩn đoán tiểu đường thai kỳ. Hãy hỏi thêm bác sĩ hoặc nơi thực hiện xét nghiệm.

Cách làm Tiêu chuẩn Mẫu đầu tiên 1 tiếng sau 2 tiếng sau 3 tiếng sau
Hai bước (100 gram glucose) Carpenter& Coustan

95 mg/dl

(5.3 mmol/l)

180 mg/dl

(10.0 mmol/l)

155 mg/dl

(8.6 mmol/l)

140 mg/dl

(7.8 mmol/l)

NDDG

105 mg/dl

(5.8 mmol/l)

190 mg/dl

(10.6 mmol/l)

165 mg/dl

(9.2 mmol/l)

145 mg/dl

(8.0 mmol/l)

Một bước (75 gram glucose) WHO

92-125 mg/dl

(5.1-6.9 mmol/l)

180 mg/dl

(10.0 mmol/L)

153-199 mg/dl

(8.5-11 mmol/l)



IADPSG

92-125 mg/dl

(5.1 mmol/l)

180 mg/dl

(10.0 mmol/l)

153 mg/dl

(8.5 mmol/l)



Carpenter&Coustan: dựa trên nghiên cứu của Carpenter và Coustan xuất bản năm 1982, hiện vẫn được sử dụng ở nhiều nơi, NDDG: National Diabetes Data Group (Số liệu quốc gia về tiểu đường của Mỹ); WHO: World Health Organization (Tổ chức y tế thế giới); IADPSG: International Association of Diabetes and Pregnancy Study Groups (Hiệp hội quốc tế về nghiên cứu tiểu đường và mang thai).

Nồng độ đường huyết cao

Nồng độ đường huyết cao có thể do các nguyên nhân sau:

- Bị bệnh tiểu đường.
- Bị tiểu đường thai kỳ
- Bệnh cường giáp.
- Một số thuốc, như corticosteriods, niacin, phenytoin (tên thương mại là Dilantin), thuốc lợi tiểu, và một số thuốc chữa cao huyết áp, thuốc chữa HIV, hoặc AIDS.
- Hội chứng Cushing (do cơ thể có quá nhiều hóc-môn cortisol).
- Các bệnh di truyền như bệnh thừa sắt (hemochromatosis).
- Bệnh u tủy thượng thận (Pheochromocytoma).

Nồng độ đường huyết thấp

Nồng độ đường huyết thấp có thể do các nguyên nhân sau:

- Một số loại thuốc như thuốc chữa tiểu đường, thuốc chữa rối loạn huyết áp (như propranolol), và một số thuốc chữa trầm cảm (như isocarbonxazid).
- Bệnh Addison (giảm sản xuất hóc-môn cortisol và aldosterone).
- Rối loạn chức năng tuyến giáp, hoặc suy tuyến yên.
- Ung thư tụy hoặc rối loạn chức năng tuyến tuỵ.
- Bệnh về gan.

Có nhiều yếu tố có thể làm thay đổi nồng độ đường huyết. Bác sĩ sẽ nói chuyện với bệnh nhân nếu có kết quả nào bất thường và kết quả đó có liên quan gì với các triệu chứng đã gặp và sức khoẻ trước đây.

Điều gì ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm?

Các yếu tố sau có thể khiến bạn không làm được xét nghiệm hoặc kết quả xét nghiệm không chính xác:

- Hút thuốc
- Uống rượu
- Mới trải qua phẫu thuật, mới bị ốm hoặc mới mắc bệnh truyền nhiễm
- Giảm cân do ăn kiêng
- Nằm liệt giường, nằm nhiều trên giường do bị bệnh.

Lưu ý

Ngay cả khi đã hết tiểu đường thai kỳ sau khi sinh, người mẹ vẫn có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ lại ở lần mang thai tiếp theo, cũng như nguy cơ bị bệnh tiểu đường về sau. Bác sĩ sẽ yêu cầu làm lại xét nghiệm dung nạp glucose bằng đường uống vào 6-12 tuần sau khi sinh hoặc sau khi ngừng cho con bú. Nếu kết quả bình thường thì bạn vẫn phải kiểm tra tầm soát bệnh tiểu đường ít nhất là 3 năm một lần.

Theo TS Dư Ngọc Hiền - Y học cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X