Hotline 24/7
08983-08983

Xả nước kiểu đó Michael Phelps cũng chết đuối!

Đã có nhiều lời thương cảm lẫn phẫn nộ của bạn đọc khi phản hồi về vụ “thủy điện xả nước, 4 học sinh tử vong tại Phú Yên”.

Gia đình lo hậu sự cho em Cao Triệu Nguyên chiều 25-5 - Ảnh: Trung Tân
Gia đình lo hậu sự cho em Cao Triệu Nguyên chiều 25/5 - Ảnh: Trung Tân

Nghe riết cụm từ “đúng quy trình” ai cũng thấy mệt: Phá rừng đúng quy trình, xả lũ đúng quy trình, bổ nhiệm đúng quy trình... Và mới đây thủy điện Sông Ba Hạ xả nước giữa mùa hè khiến bốn học sinh rời bỏ trần gian cũng đúng quy trình!

Cứ đụng đâu cũng đúng quy trình gây tác hại kiểu này, đến lúc phải gọi là thứ quy trình vô cảm!

Đọc bài viết “Thủy điện Sông Ba Hạ: Cú xả nước chưa từng có trong 40 năm”, tôi quá đau đớn với hai câu nói của hai vị:

(1) “Việc cảnh báo của các thủy điện chỉ diễn ra trong mùa lũ, không có quy định cảnh báo vào mùa kiệt” - ông Tô Xuân Bảo, phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn của Bộ Công thương, cho biết.

(2) “Công ty căn cứ vào lượng nước về hồ các ngày trước để chạy máy và chào giá cạnh tranh thị trường. Nước về nhiều thì công ty sản xuất, chạy máy nhiều để tăng lợi nhuận” - ông Đặng Văn Tuần, tổng giám đốc thủy điện Sông Ba Hạ, giải thích.

Xin hỏi: Không có quy định cảnh báo xả nước vào mùa kiệt thì ai sẽ nhận trách nhiệm về sự ra đi của bốn học sinh và nhận mức kỷ luật đến đâu? Hãy thông báo điều này đến người dân, ít nhất là để an ủi hương hồn các em học sinh.

Còn đúng quy trình như ông Tuần nói rõ ràng chỉ nghĩ đến lợi nhuận cho công ty mà không hề có chút thương cảm nào đến người dân, nhất là những người dân nghèo mò cua bắt ốc lúc nước rút như lời ông Phạm Đình Phụng - phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa - cảm thán.

Tôi trích nội dung bình luận của bạn đọc ThanhVy trên Tuổi Trẻ Online: “Thủy điện xả nước (kiểu này) thì Michael Phelps (tay bơi lừng danh ở Mỹ) cũng chết đuối. Phải đặt những còi hụ ở hạ nguồn để mỗi khi xả nước mọi người 
đều biết, chứ thông báo bằng miệng hoặc bằng văn bản (cũng) như không”.

Nước ta với tổng cộng chiều dài của 2.400 dòng chảy là 41.000km. Những dòng sông được chặn dòng làm thủy điện đó đã không còn hiền hòa chảy nữa mà bị nắn ở hai trạng thái: một trơ khấc đá cát, hai hung hãn chồm lên chảy.

Dòng chảy là linh hồn của con sông nay bị con người điều khiển. Tiếc rằng sự điều khiển vô trách nhiệm ấy núp dưới bóng quy trình làm thiệt hại sinh mạng, tài sản của bao người.

Trường tôi đang dạy nằm ở khu vực hạ lưu thủy điện Sông Hinh (Phú Yên), mỗi buổi sáng chào cờ đầu tuần nào tổng phụ trách Đội cũng nhắc như nhắc đò: “Nghiêm cấm các em không được tắm sông”.

Câu nhắc như “cả vú lấp miệng em”. Quê hương có sông suối là niềm vui mà thiên nhiên ban tặng, hãy làm gì để các em an toàn khi vui chơi, tắm táp chứ cấm nghe sao thật vô lý.

Xin những người làm thủy điện nhớ một điều đạo đức đơn giản: “Đừng làm việc gì có lợi cho mình mà có hại cho nhiều người khác!”. Sao chỉ biết đổ lỗi cho quy trình? Quy trình do mình đặt ra được thì phải sửa được.

Lo hậu sự 
cho các nạn nhân

Chiều 26/5, lãnh đạo Phòng lao động - thương binh và xã hội huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết đến thời điểm này bốn học sinh tử vong trên sông Ba Hạ đã được các gia đình an táng.

Theo vị này, trong những ngày qua, nhiều cơ quan ban ngành địa phương, một số cá nhân đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ bước đầu cho gia đình các nạn nhân. Theo cha mẹ các học sinh xấu số, các cán bộ, nhân viên của Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đã đến chia buồn và túc trực lo hậu sự cho các em.

Trong buổi làm việc chiều 25/5 với Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, đoàn công tác Bộ Công thương, UBND tỉnh Phú Yên, huyện Sơn Hòa cũng cho rằng việc cảnh báo khi xả nước lưu lượng lớn của thủy điện này là chưa tốt.

Các địa phương, nhà máy thủy điện cần thực hiện tốt hơn nữa công tác cảnh báo trong vận hành hồ chứa và nhà máy thủy điện để bảo đảm an toàn cho vùng 
hạ du.

TR.TÂN

Phải sửa quy trình

- Bốn mạng người, vậy mà chỉ xem là “sự cố”! Những “sự cố” đau lòng như thế này e rằng sẽ còn tiếp tục xảy ra nếu vụ việc cứ bị cho qua mà không truy cứu trách nhiệm những người có liên quan.

Trương Ngọc (tuqueo2000@...)

- Đọc cả bài không thấy một vị nào bày tỏ sự chua xót và nhận những sai lầm trong việc này. Cứ cho là các vị làm đúng quy trình nhưng để xảy ra vụ việc này thì rõ ràng quy trình này cần phải xem lại. Sao các vị không dám dũng cảm thừa nhận và cam kết xem xét chỉnh sửa lại quy trình để tránh những vụ việc tương tự?

Minh (daukhihangkhong@...)

 - Tôi không tin là quy định cảnh báo xả nước mà không cảnh báo về mùa hè. Nếu vậy, người lập và duyệt quy định phải chịu trách nhiệm. Về nguyên tắc an toàn, cần cảnh báo khi có sự thay đổi về lưu lượng chứ không phải phụ thuộc vào mùa hè, mùa lũ.

Đúng ra mùa hè nếu xả nước thì cần phải cảnh báo ở mức độ cao hơn so với mùa lũ vì mùa hè người dân ít đề phòng hơn mùa lũ. Có thể công bố bản quy định này cho mọi người đọc được không?


Trần Thanh (tranthanh@...)

- Có khó khăn gì mà không thể cảnh báo trong mùa hè? Sông dài 60km, mỗi đoạn 6km lắp một cột cao 20m gắn hai chiếc còi hụ công suất cao chĩa sang hai phía. Mỗi khi chuẩn bị xả nước đột ngột, chỉ nhấn nút một cái là xong.

Hiện nay dùng tín hiệu vô tuyến điều khiển tới loa giống như loa phường không đắt lắm, năng lượng dùng pin mặt trời, mỗi lần nhấn nút 5 giây, nhấn ba lần 15 giây không lo hết năng lượng dự trữ.

Thúy (phamngoctuy3@...)


Theo Nguyễn Phi Hùng - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X