Hotline 24/7
08983-08983

Vướng và đau họng, ho nhiều về sáng... bệnh gì?

Câu hỏi

Xin chào bác sĩ, Cách đây 3 tuần tôi bị cảm nóng lạnh, mua thuốc uống thì hết các triệu chứng khác nhưng ho thì vẫn còn cho đến nay. Tôi bị ho đờm màu vàng rất nhiều, điều trị bằng thuốc tây đến nay được 2 tuần. Lúc đầu bị ho thì tôi tức ngực vùng ngay dưới xương ngực. Sau khi dùng thuốc khoảng 2 ngày thì không bị đau ngực nữa nhưng cổ tôi lại rất đau. Chỉ cần nuốt nước bọt cũng nghe đau và có cảm giác như vật gì đó mắc ở cổ họng (tôi không biết là đờm hay là gì vì tôi không bị sặc thức ăn hay nuốt dị vật nào cả); cảm nhận được vật đó trong cổ có thể thay đổi hướng, ví dụ như khi nằm nghiêng cũng có cảm giác nó quay hướng. Nhưng tôi ho và khạc mãi mà không ra được và nuốt rất đau. Tôi bị ho nhiều về rạng sáng (từ 2h - 5h). Nhưng sáng nay tôi ho thì bị nôn ra nước màu vàng rất đắng. Tôi tìm hiểu thì biết đó là dịch mật. Tôi không biết là tại ho nhiều nên bị hay là tôi bị bệnh gì khác hay không? Bác sĩ có thể chẩn đoán vật mắc trong cổ tôi là gì không? Tôi phải làm gì? Xin cảm ơn.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Vướng và đau họng khi nuốt nước bọt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Vướng và đau họng khi nuốt nước bọt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Đối với người lớn bình thường, nếu mắc phải dị vật sẽ nhận biết được. Tuy nhiên, một số trường hợp vướng phải dị vật trong lúc ngủ hoặc khi không chú ý nhưng tình huống này khá hi hữu. Nếu bạn không ghi nhận được trước đó có bị hốc xương hay vật là gì hay không thì nên tới bệnh viện Tai Mũi Họng để bác sĩ soi kiểm tra.

Đôi khi viêm họng mạn tính, có phì đại amidan làm cho người bệnh có cảm giác vướng ở họng như có dị vật nhưng thật ra không phải như vậy. Dù là nguyên nhân nào đi nữa bạn cũng nên khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để trị dứt điểm bạn nhé!

Thân mến.


Viêm họng mạn tính là một bệnh thường gặp, nó được mô tả là tình trạng quá phát của niêm mạc gây cảm giác vướng víu, ngứa rát thường xuyên trong họng; ho và khạc đờm (quánh dính hoặc trắng nhầy) thường xuyên.

Bệnh viêm họng mạn tính gồm 4 thể, mỗi thể bệnh có một triệu chứng khác nhau:

- Viêm họng mạn tính sung huyết đơn thuần: Niêm mạc họng đỏ, nổi nhiều tia mao mạch máu.

- Viêm họng mạn tính xuất tiết: Thành sau họng có tăng xuất tiết nhầy, trong, hơi dính vào niêm mạc, chảy từ vòm xuống hạ họng, tạm thời mất đi khi bệnh nhân nuốt. Niêm mạc họng cũng đỏ và nổi nhiều tia mao mạch máu.

- Viêm họng mạn tính quá phát: Niêm mạc họng đỏ và dày lên. Tổ chức bạch huyết ở thành sau họng phát triển mạnh, quá phát thành từng đám to nhỏ không đều, màu hồng hoặc đỏ. Có khi tập trung thành một dải gồ lên ở phía sau và dọc theo trụ sau của amidan trông như một trụ sau thứ hai gọi là “trụ giả”. Thể này gọi là viêm họng hạt.

- Viêm họng mạn tính teo: quá phát lâu ngày chuyển sang teo. Niêm mạc họng teo dần, những tuyến nhầy dưới niêm mạc cũng teo đi làm cho niêm mạc họng từ đỏ thẫm biến thành màu hồng rồi nhợt nhạt, khô và đọng những vảy mỏng, vàng, khô bám vào từng chỗ. Niêm mạc họng trở thành mỏng, các trụ sau cũng teo biến đi làm cho họng trở nên rộng hơn. Tiết nhầy khô lại biến thành vảy dính vào niêm mạc.

Bệnh viêm họng mạn tính nếu không điều trị tích cực và kiên trì sẽ rất khó khỏi. Điều trị viêm họng mạn tính bác sĩ cần:

- Khi xác định được nguyên nhân gây viêm họng mạn tính cần phải điều trị loại trừ hết nguyên nhân gây bệnh.

- Cần điều trị dứt điểm các nguyên nhân gây viêm họng như viêm mũi, viêm xoang, viêm A, viêm VA nếu có.

- Giải quyết sự lưu thông của mũi: dị hình vách ngăn, polyp mũi, thoái hóa cuốn mũi dưới.

- Loại bỏ các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, tránh nơi khói bụi.

- Hạn chế nói để giảm thiểu khó chịu và những thay đổi của giọng nói. Súc họng vệ sinh thường xuyên.

- Súc họng hoặc khí dung nước muối ấm vào buổi sáng làm giảm khó chịu cho vùng họng.

- Điều trị dị ứng (nếu do thể địa).

- Cùng với việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần nhỏ mũi, rửa mũi ngày 2 - 3 lần. Người bệnh cần đến các chuyên khoa tai mũi họng để thăm khám và có cách điều trị hợp lý.

Phòng tránh bệnh viêm họng mạn tính:

- Tránh hút thuốc và uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích.

- Tránh những nơi khói bụi, ô nhiễm, khí độc hại.

- Tránh thói quen ăn uống không tốt.

- Nâng cao thể trạng: cho uống các vitamin A, D, uống nước suối, nước khoáng.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X