Hotline 24/7
08983-08983

Vú căng và tiết dịch sau khi dùng thuốc viêm dạ dày, tại sao vậy AloBacsi?

Bệnh nhân ung thư vú có được uống thuốc đau đầu, vú tiết dịch khi dùng thuốc viêm dạ dày, viêm hạch dưới hàm… là các vấn đề được BS Lan Hương giải đáp trong 2 giờ trực ngày 15/2.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Hường Đào - thienhuong…@gmail.com

Chào BS,

Em bị viêm hạch dưới hàm. Hôm nay là ngày thứ 2, em đã khám và uống thuốc nhưng chỗ sưng hôm nay to hơn, đỏ bỏng và nóng. Em không ăn được vì không thể mở miệng để nhai thức ăn, toàn ăn cháo.

BS cho em lời khuyên về bệnh và chế độ dinh dưỡng để bệnh mau lành ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Hường,

Theo dân gian thì các loại rau có nhiều mủ hay nước tương và đồ biển không tốt cho người có viêm nhiễm vì nghĩ là sẽ tạo mủ, khó lành... Tuy nhiên, theo bằng chứng khoa học thì điều đó không đúng.

Người bệnh có thể ăn uống bình thường, không kiêng cữ gì cả, miễn là thức ăn phải nấu chín uống sạch, rau nên luộc chín để dễ tiêu, tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ và cay nóng, những món ăn trước đây gây dị ứng nếu có thì không dùng.

Người bệnh cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thì mới mau lại sức. tuy nhiên, không nên uống rượu bia vì có thể làm vết thương chậm lành, dị ứng, giảm tác dụng thuốc uống đi kèm...

Đặc biệt ở người bị viêm hạch vùng đầu mặt cổ mà vận động nhai thức ăn khó khăn thì nên ăn cháo dinh dưỡng, nước súp hầm, uống thêm sữa, uống đầy đủ nước trong ngày, vẫn vệ sinh răng miệng như bình thường và uống thuốc, tái khám theo hẹn của BS.


- Hoang Dinh - nguyendinh…@yahoo.com (hỏi tiếp)

Câu trước: Nhiễm khuẩn huyết, ung thư máu có phải lọc máu mỗi tuần?

BS mến,

BHYT hàng năm đang có, nên mình đã dẫn mẹ đi khám bệnh định kỳ ở BV Trưng Vương nhưng đã đựợc chuyên qua TT huyết học xét nghiệm mới phát hiện đang bị nhiễm trùng máu mãn tính, phải cần lọc máu chi phí quá cao. Vì mới BHYT chỉ nmới ký 3 năm thôi, nên không được giảm hay được giảm?

Mình rất lo lắng, nếu mà bạch cầu tăng cao không thuyên giảm thì phải lọc máu, nói thật thì có lẽ không có khả năng chi trả, mỗi lần phải lọc máu, không biết làm sao nếu không làm thì bà sẽ sống bao nhiều tháng, mới viết thư này xin hỏi và rất cảm ơn đã hồi đáp!

Mẹ mình được lọc máu và về uống thuốc. Mỗi tuần tái khám nếu bạch cầu tăng có phải lọc máu lại không? Sợ bà không chịu nổi mỗi lần kể cả truyền dịch.

Thưa BS! Mình có đọc trên trang mạng xã hội về Bạch cầu tăng là nghĩa gì thì cần lọc máu lại? Bạch cầu giảm thì ra sao? tiểu cầu mà tăng thì là thiếu máu cần truyền máu thêm? Nên những từ chuyên khoa mình không hiểu xin BS giải thích thêm dùm và rất rất cảm ơn thật nhiều lắm khi nhận được hồi báo của BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Tôi rất thông cảm với nỗi băn khoăn, lo lắng của gia đình bạn. Tuy nhiên, thông tin bạn cung cấp chưa rõ ràng để chúng tôi hiểu chẩn đoán bệnh đầy đủ của mẹ bạn là gì. Dựa theo những gì bạn miêu tả thì tôi có cảm giác đây là 1 trường hợp nhiễm trùng huyết trên nền bệnh bạch cầu cấp/ mạn (1 dạng của ung thư máu) hoặc trường hợp của hội chứng thực bào máu?

Để giải thích cặn kẽ về chỉ định lọc máu trên từng trường hợp và đặc biệt là tư vấn những vấn đề chuyên môn thì BS buộc lòng phải nắm rõ bệnh án, do vậy BS điều trị là người có thể tư vấn cho gia đình tốt nhất trong trường hợp này. Gia đình hoàn toàn có quyền được BS điều trị tư vấn cặn kẽ.

Về vấn đề viện phí thì theo quy định hiện hành, mẹ bạn tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình nên sẽ được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến.

Đối với các loại kỹ thuật cao như lọc máu thì nếu BHYT của mẹ bạn dưới 5 năm liên tục thì gia đình phải đồng chi trả với BHYT. Tuy nhiên, trong trường hợp gia đình khó khăn thì có thể liên hệ xin trợ giúp từ quỹ từ thiện của BV, ủy ban nhân dân địa phương, các tổ chức từ thiện khác…


- Dang H.L. - quy…@gmai.com

Cho em hỏi là bệnh hưng cảm thì uống thuốc gì và tác dụng như lợi và hại của các thuốc đó là gì với ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Bệnh hưng cảm thuộc về nhóm bệnh lý tâm thần. Trước hết người nghi ngờ có bệnh hưng cảm cần phải được khám BS chuyên khoa tâm thần để được chẩn đoán bệnh chắc chắn. Bởi vì các bệnh lý tâm thần (bao gồm tâm thần phân liệt, hoang tưởng, rối loạn lo âu, trầm cảm...) sẽ có một số triệu chứng chồng lấp với nhau.

Do vậy, BS phải dựa vào nhiều triệu chứng mới kết luận được là người bệnh thuộc nhóm bệnh nào. Thông tin trên mạng chỉ mang tính tham khảo, chung chung, BS được đào tạo chuyên môn mới có khả năng chẩn đoán đúng bệnh.

Bên cạnh đó, thuốc điều trị bệnh hưng cảm gồm nhiều loại thuốc khác nhau, BS phải biết được thể trạng, cơ địa, chức năng gan, thận... của người bệnh thì mới lựa chọn loại thuốc, liều thuốc và tiên lượng các tác dụng phụ đi kèm cho người bệnh một cách an toàn và phù hợp nhất được. Như vậy, người bệnh cần khám chuyên khoa tâm thần, em nhé.


- Đỗ Thanh Vương - Bình Định

Chào BS, cho em hỏi chữa bệnh rối loạn thần kinh tim bằng cách nào? BS tư vấn dùm cho em, cảm ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Vương,

Rối loạn thần kinh tim, hay còn gọi là rối loạn thần kinh thực vật, là một bệnh lý không có tổn thương ở hệ cơ quan bao gồm tim mạch, hô hấp, thần kinh, nội tiết... (thăm khám và làm các xét nghiệm tầm soát loại trừ bệnh lý cho kết quả mọi thứ đều bình thường) nhưng người bệnh vẫn có “cảm giác” khó chịu.

Chữa bệnh rối loạn thần kinh tim gồm có 2 phần, dùng thuốc và không dùng thuốc. về phía sử dụng thuốc, người bệnh phải khám BS chuyên khoa tim mạch - hô hấp để được kê thuốc phù hợp với triệu chứng và cơ địa.

Về phía không dùng thuốc, người bệnh chú ý tránh lo âu căng thẳng, ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục, không thuốc lá rượu bia, hạn chế cafe và thức khuya. Nếu còn khó chịu thì nên quay lại tái khám BS để được kiểm tra lại và điều chỉnh thuốc cho phù hợp.


- Nguyễn Thị Kim Thanh - thanhnhan…@gmail.com

Làm cách nào để giảm được cơn đau ngay hốc mắt, xin BS cho tôi lời khuyên.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Vùng hốc mắt có liên quan đến ba chuyên khoa:

- Đó là vùng chịu trách nhiệm của khoa mắt gồm nhãn cầu, tổ chức phần mềm quanh hốc mắt và tổ chức hốc mắt.

- Đó là vùng chịu trách nhiệm của khoa tai - mũi - họng gồm các xoang sàng, xoang trán, xoang bướm và xoang hàm.

- Đó cũng là vùng chịu trách nhiệm của khoa thần kinh gồm các cơ, thần kinh, mạch máu vùng đầu - mặt và cả tổ chức não - mạch máu sau hốc mắt.

Như vậy, trước hết bạn cần đến BV để kiểm tra tìm ra nguyên nhân mà điều trị thích hợp, có thể khám ở chuyên khoa mắt trước. Bên cạnh đó, để giảm đau thì bạn có thể chườm ấm, nghỉ ngơi, tránh nơi nhiều màu sắc, tiếng ồn và ánh sáng chói mắt, bạn nhé.


- Ninh Nguyễn - Cà Mau

BS ơi,

Gần đây em phát hiện ra khi đầu lưỡi của em đẩy mạnh vào nướu răng trên thì dưới lưỡi sẽ có hiện tượng bắn ra những tia nước nhỏ. Em hơi hoang mang vì chưa nghe nói gì về hiện tượng này. Mong BS tư vấn giúp em. Cám ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Ninh,

Vùng dưới lưỡi có rất nhiều tuyến nước bọt dưới lưỡi. khi đẩy căng lưỡi như hành động đẩy mạnh đầu lưỡi vào nướu răng trên thì sẽ làm tuyến nước bọt dưới lưỡi tăng tiết nước bọt. Đây là hiện tượng bình thường, không có gì lạ. Nếu em có bất cứ triệu chứng khó chịu gì khác thì mới cần khám BS chuyên khoa tai mũi họng, em nhé


- Hà Mi - quachhami…@gmai.com

BS ơi,

2 bữa nay con bị đau rát ở khóe mắt, mắt đỏ một vùng ngoài tròng trắng mà nó đang lan ra hay chảy ghèn, nhỏ nước muối sinh lý vào rất rát còn đỏ hơn. BS cho con biết có bị gì nặng không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Hà Mi,

Triệu chứng của em có thể gặp trong nhiều nguyên nhân, như viêm kết mạc, viêm tuyến lệ, zona, herpes...

Con mắt là nơi tối quan trọng, vì xử trí sai cách có thể gây hậu quả nghiêm trọng nhất là mù. Do vậy, em nên khám chuyên khoa mắt để được xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp.

Trong thời gian đó, em cần nhỏ mắt thường xuyên với nước muối sinh lý 0.9%, tránh dụi mắt, đeo kính râm khi ra đường.


- Le Kim Cuong - Bến Tre

Chào BS,

Tôi 37 tuổi, ở Bến Tre, hiện là giáo viên. Khoảng 6-7 tuần nay các BS ở Bến Tre và Tiền Giang chẩn đoán là tôi bị viêm phế quản phổi. Hôm nay tôi thấy cơ thể yếu, ăn kém, mệt, ho khan, nóng nhẹ, còn ê phía sau xương bả vai và nhức xương gần đó. Bệnh này có điều trị dứt không thưa BS? Mong BS sớm cho tôi lời khuyên.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào chị,

Viêm phế quản phổi có thể cấp tính và thể mạn tính. Nếu là thể cấp tính thì có thể trị 1 lần là dứt. nếu là thể mạn tính thì có thể tái đi tái lại, và việc điều trị chủ yếu là giảm các đợt tái phát, khả năng trị dứt sẽ thấp.

Hiện tại, với các triệu chứng của chị, có thể là bệnh viêm phế quản phổi tái phát, có thể là 1 bệnh lý khác do vậy cần đến BV để kiểm tra lại.

Trường hợp bệnh kéo dài nhiều tuần thì cần xem lại các vấn đề sau: có phải lao không, có phải hen không, có yếu tố nào thúc đẩy hay không như ô nhiễm không khí, bệnh nghề nghiệp, trào ngược dạ dày thực quản nặng, viêm mũi xoang chảy dịch mũi sau, bệnh tim mạch, do thuốc...

Trong thời gian này, chị chú ý súc miệng bằng nước muối ấm loãng ngày 2 lần trước và sau khi ngủ dậy. Xịt mũi bằng nước muối sinh lý sau khi ở ngoài đường về, uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng.


- Nguyen Thi V. K. - Bình Định

Dạ BS cho em hỏi:

Cách đây 4 năm em dùng thuốc viêm dạ dày uống hết đơn đuốc được ngày thì vú em có triệu chứng đau nhức, sưng và tiết dịch màu trắng ở 2 bên vú.

Sau một thời gian dùng thuốc em đã khỏi bệnh nhưng nay em lại dùng thuốc viêm dạ dày, dùng xong 1 ngày vú em lại có triệu chứng giống như trước.

Xin cho em hỏi khi dùng thuốc viêm dạ dày, thuốc đó có tác dụng phụ gì không mà mỗi khi dùng thuốc dạ dày xong thì vú em lại có triệu chứng đau như vậy? Em xin cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Trường hợp ngực căng và tiết dịch màu trắng như sữa mà không liên quan đến những trường hợp có thai và cho con bú và đặc biệt là có liên quan đến việc dùng thuốc (uống thì bị, ngưng thuốc thì hết) thường gặp là do tác dụng phụ của thuốc làm tăng tiết Prolactin gây tăng tiết sữa.

Một số loại thuốc có thể gây tăng tiết Prolactin thường gặp là: Phenothiazines (thuốc điều trị các bệnh tâm thần và giảm buồn nôn, nôn nặng), Butyrophenones (nhóm thuốc an thần), Metoclopramide (thuốc an thần và ngăn ngừa chứng buồn nôn), Sulpiride (trị đau bao tử), Pimozide (điều trị loạn tâm thần), Reserpine (điều trị tăng huyết áp), Amphetamine (bổ não, tăng cường trí nhớ), Imipramine (điều trị bệnh trầm cảm, mất ngủ)…

Có thể trong toa thuốc trị đau dạ dày mà em dùng có 1 trong các thuốc trên. Tác dụng phụ của thuốc đáp ứng tùy người, không phải ai uống cũng bị. Tuy nhiên, việc ngưng thuốc thì các khó chịu ở ngực hết chứng tỏ nguyên nhân do thuốc và lành tính, không để lại di chứng gì. Ngược lại nếu ngực thường xuyên khó chịu dù đã ngưng thuốc, và sờ thấy có khối bất thường thì em cần khám chuyên khoa phụ khoa ngay.

Lần sau nếu đau dạ dày tái lại thì em đừng uống theo toa cũ nữa, nên khám BS chuyên khoa tiêu hóa và đem theo toa thuốc cũ, kể các triệu chứng của em để BS điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

BS Lan Hương tiếp tục đảm nhận buổi trực điện thoại ngày mai, 16/2


- Ngọc Chi - Tiền Giang

Xin BS tư vấn cho trường hợp bệnh của tôi như sau :

Cách đây 7 ngày, hai bên hàm của tôi căng cứng, nhai thức ăn và nói chuyện thì đau, không bị sốt, khi ăn thì cảm giác rần rần trên mặt như tăng huyết áp (tôi có đo huyết áp thì thấy bình thường), ngồi thì cảm giác hơi choáng váng.

BS ở Tiền Giang nói tôi bị viêm tuyến nước bọt mang tai, cho thuốc uống có giảm bớt, nhưng nay tôi ngưng thuốc thì triệu chứng y như cũ, hai hàm căng đau và thêm vào đó, môi bị khô và cảm giác bị giật, bị tê tê.

Xin hỏi BS, tôi đang bị bệnh gì và nên đến khoa nào, BV nào ở TPHCM để khám và điều trị. Tôi rất lo lắng. Rất mong BS phản hồi sớm cho tôi. Trân trọng cảm ơn BS rất nhiều.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Ngọc Chi,

Với thông tin bạn cung cấp thì chẩn đoán viêm tuyến nước bọt mang tai cấp của BS Tiền Giang là phù hợp, tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là virus quai bị, hay còn gọi là bệnh quai bị.

Tuy nhiên, triệu chứng lại xuất hiện lại sau 7 ngày thì chẩn đoán bệnh lúc này sẽ có thể thay đổi, bao gồm các khả năng sau, viêm tuyến mang tai 2 bên do tác nhân khác, viêm khớp thái dương hàm, bệnh lý mạch máu, thần kinh...Tốt hơn hết bạn nên khám ở BV răng hàm mặt nếu bạn có nhu cầu đến tphcm để khám và điều trị, bạn nhé.


- Bạn đọc Ng. H. H. - h…@gmail.com

Quan hệ bị rách bao cao su, mình muốn xét nghiệm HIV để dùng thuốc chống phơi nhiễm được không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nếu như em quan hệ tình dục không an toàn (trong đó bao gồm rách bao cao su) với người có nguy cơ bị nhiễm HIV thì em có khả năng bị lây nhiễm HIV. Nguy cơ 1 người bị nhiễm HIV từ người mang HIV sau 1 lần quan hệ qua đường âm đạo là 0.1-0.5%, nhưng con số này dao động tùy vào giai đoạn nhiễm HIV của người mang bệnh, quan hệ có ra máu hay không...

Để biết chính xác có nhiễm HIV hay không, chỉ có 1 cách duy nhất là xét nghiệm máu, nếu làm xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV thì kết quả chính xác nhất là từ 3-6 tháng sau khi có hành vi nguy cơ, còn xét nghiệm PCR HIV thì khả năng phát hiện sớm cao hơn.

Ngoài HIV, em còn cần cảnh giác với bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, như giang mai, lậu, sùi mào gà... Khi nguy cơ nhiễm HIV quá cao thì em nên uống thuốc chống phơi nhiễm càng sớm càng tốt.


- Ngọc Ánh - ngocanh…@yahoo.com

Thưa BS, người bệnh ung thư vú đang hóa trị có thể uống thuốc đau đầu không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Ngọc Ánh,

Người bệnh ung thư đang hóa trị khi bị đau đầu thì cần đến BV để kiểm tra và xác định nguyên nhân (như có phải ung thư di căn não hay không, cảm nhiễm thông thường, tác dụng phụ của thuốc...) và đánh giá lại chức năng gan, thận, máu... mới kê thuốc phù hợp và an toàn cho người bệnh được, em nhé.

Trong thời gian đó, người bệnh chú ý nằm nghỉ ngơi ở không gian thoáng đãng, yên tĩnh, không chói đèn, ăn uống đầy đủ chất, uống đủ nước, không tiếp xúc với khói thuốc lá và bia rượu.

Thân mến,


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X