Hotline 24/7
08983-08983

Vụ bắt giam Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng: Nhiều khuất tất cần làm rõ

Việc ông Nguyễn Minh Hùng bị bắt là điều báo trước bởi những việc làm khuất tất của ông Hùng và các công ty do ông này lập ra, có cả trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Việc cơ quan điều tra (CQĐT) bắt ông Nguyễn Minh Hùng (SN 1977 tại Đồng Tháp), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VN Pharma (ở Q10, TPHCM, một công ty tầm cỡ trong lĩnh vực kinh doanh trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh), người có "biệt tài" trúng thầu các dự án y tế lớn khiến dư luận xôn xao bởi đây là một doanh nhân trẻ thành đạt.

Cần làm rõ trách nhiệm của cục quản lý dược

Ông Hùng bị tạm giam để điều tra về các hành vi "làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "buôn lậu". Ngoài ra, CQĐT cũng tạm giam ông Vũ Mạnh Cường (ngụ Q7, TPHCM), đối tác của Tổng giám đốc VN Pharma, về hành vi "buôn lậu".

Công ty VN Pharma lúc bị kiểm tra

Theo điều tra của Báo CATP, trong danh sách sản phẩm đề nghị trúng thầu của Sở Y tế TPHCM đợt 1 năm 2013 - 2014 (tháng 4-2014 mới có kết quả đấu thầu) thể hiện rõ ở số thứ tự 68 và số 97 trong hồ sơ trúng thầu với tên thuốc H-Capita Caplet 500mg dạng viên, Công ty Helix Pharmaceuticals INC - Canada sản xuất, kế hoạch 571 ngàn viên với giá trúng hơn 14 tỷ 600 triệu đồng do liên danh Công ty dược Nam Anh (ông Hùng làm phó giám đốc) và Công ty CP dược phẩm TW1 - Pharbaco trúng thầu.

Số thuốc này thực tế đã có mặt tại Việt Nam và bị niêm phong, tuy nhiên điều khó tin là nhà sản xuất - Công ty Helix Canada không hề có trên thực tế, giấy tờ nhập khẩu (NK) của lô hàng là giả mạo. Chúng tôi đã kiểm tra trên internet nhưng không có một công ty dược phẩm nào của Canada có tên là Helix Pharmacueticals INC.

Như vậy câu hỏi đặt ra ở đây là số thuốc trên được đưa vào Việt Nam để phân phối về một số bệnh viện (BV) trên địa bàn TPHCM mà công ty này trúng thầu từ đâu ra? Liệu Cục Quản lý dược (QLD) có thực hiện đúng quy định? Theo một số doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm thì lô hàng trên nhiều khả năng sản xuất tại Trung Quốc, nhập về Việt Nam qua ngả Singapore (đang được xác minh).

Dư luận có quyền đặt câu hỏi trách nhiệm của Cục QLD - Bộ Y tế trong vụ việc này như thế nào. Tại sao một đơn vị được giao chức năng "canh giữ" sức khỏe cho dân lại để những sai phạm động trời như vậy xảy ra? Để được cấp một visa NK thuốc, Cục QLD phải tiến hành thẩm định hồ sơ, xác minh nhà máy sản xuất, thuốc phải được thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam và rất nhiều thủ tục khác nữa, thông thường mất từ 6 tháng đến 1 năm.

Công ty Helix Canada không tồn tại nhưng nếu cần xác minh thì cục cũng có thể làm được. Nhưng ở đây không hiểu tại sao cả hệ thống kiểm soát chặt chẽ như thế mà "con voi vẫn chui lọt lỗ kim"? Tên công ty dược phẩm "ma" vẫn được ghi rõ trong danh sách nhà sản xuất của đơn vị trúng thầu là Công ty dược Nam Anh và Pharbaco.

Khuất tất trong đấu thầu

Qua việc Tổng giám đốc VN Pharma bị bắt, dư luận mới phần nào hiểu được những chuyện bất thường từ Hội đồng đấu thầu (HĐĐT) của Sở Y tế TPHCM. Thực tế việc tổ chức đấu thầu tập trung là hình thức hợp lý để chọn ra nhà thầu đảm bảo chất lượng sản phẩm thuốc chữa bệnh, giúp người bệnh tiếp cận được giá cả phù hợp...

Tuy nhiên trong danh sách sản phẩm thuốc đề nghị trúng thầu của các đơn vị tham gia, điều bất thường là ông Nguyễn Minh Hùng - Tổng giám đốc VN Pharma và cũng là Phó TGĐ của Công ty dược Nam Anh tuy mới thành lập nhưng đã trúng liền 2 gói thầu cung ứng thuốc chữa bệnh cho một số BV tại TPHCM với giá trị lên đến gần 500 tỷ đồng.

Qua các cuộc đấu thầu tưởng như công bằng này, ông Hùng được giới kinh doanh cả nước xem là "ông vua của đấu thầu y tế" mặc dù các công ty do ông này lập ra không hề có nhà máy sản xuất nào. Ông Hùng từng nhiều lần huênh hoang rằng công ty của mình sẽ trúng 90% các gói thầu.

Đến nay thực tế đã chứng minh thuốc của Công ty dược Nam Anh và VN Pharma sử dụng giấy tờ giả nhập về không có nguồn gốc, gian lận giữa hàng chuyến chỉ dùng cho một đơn vị tiêu thụ và hàng đấu thầu NK trong một thời gian dài để lập lờ trục lợi. Trong khi đó, rà soát lại danh sách đơn vị trúng thầu thì có những công ty sản xuất dược phẩm của Việt Nam mặc dù đạt chuẩn nghiêm ngặt của WHO, EU và được lưu hành tại các nước châu Âu, giá cả hợp lý, lại không được trúng thầu.

Thậm chí có mộ số thương hiệu lớn trong ngành như Công ty dược Hậu Giang, Sanofi... cũng không hề có tên trong danh sách, Công ty Domexco chỉ trúng thầu một phần nhỏ? Đây là điều khiến giới sản xuất - kinh doanh dược phẩm trong nước bức xúc. Nhiều người cay đắng đặt câu hỏi: Chẳng lẽ HĐĐT thích bỏ tiền thật mua thuốc không rõ nguồn gốc về chữa bệnh cho dân?

Cũng qua vụ này, khi những mánh khóe gian lận đang được CQĐT làm rõ, một số bác sĩ cho biết không dám kê đơn cho bệnh nhân những loại thuốc lấy từ VN Pharma. Dư luận đang đặt vấn đề có cần thiết hủy gói thầu trên, tiến hành lại để mang về những sản phẩm đảm bảo sức khỏe và niềm tin của người dân? Rất mong ngành y tế và cơ quan chức năng sớm làm rõ và đưa ra quyết định về vấn đề này.

AloBacsi.vn
Theo Công an TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X