Hotline 24/7
08983-08983

Vợ ''người tù thế kỷ'': ''Bao giờ kiếp nạn này mới kết thúc''

Lại một đêm không ngủ trong đằng đẵng hàng chục năm tai ương của gia đình 'người tù thế kỷ' Huỳnh Văn Nén khi ông bị tai nạn.

Gần 2g, ở một góc hành lang BV Chợ Rẫy, giữa la liệt người nhà bệnh nhân đang trải chiếu ngủ, người nhà 'người tù thế kỷ' Huỳnh Văn Nén đang ăn tạm bữa tối. Trên chiếc áo của đứa cháu còn nguyên vết máu của ông hồi chiều.

'Lượng ơi, làm nhẹ thôi, cha đau lắm'

Nửa đêm, bà Cẩm mới từ phòng bệnh của ông Huỳnh Văn Nén đi ra. Trên tay vẫn cầm chiếc áo chồng mặc hồi chiều mới bị bác sĩ cắt, nhuốm máu.

Còn ông nằm bên trong lúc tỉnh lúc mê. 'Lúc tỉnh ra, ông ấy chỉ gọi tên thằng Lượng. Ổng kêu 'Lượng ơi, làm nhẹ thôi, cha đau lắm'. Tôi đứng trước mặt mà chồng không nhận ra', bà Cẩm vừa nói vừa lau nước mắt.

Giữa la liệt người nhà bệnh nhân, vợ, con, cháu ông Huỳnh Văn Nén co cụm lại một chỗ. Ba lô, quần áo, mùng mền mang vội trong lúc hốt hoảng cũng không ai buồn kiểm tra.

Lâu lâu nghe tiếng loa thông báo của bệnh viện, tất cả lại dỏng tai chờ đợi.

Ông Nén đang điều trị tại bệnh việnÔng Nén đang điều trị tại bệnh viện

'Bệnh viện đã cho chụp CT và dặn người nhà chờ kết quả. Chỉ sợ tình hình ông ấy nặng thêm. Lúc chiều khi đưa xuống trạm xá, ông ấy co giật mạnh, miệng trào nước bọt, xương vai gãy.

Khi đưa vào Sài Gòn bằng xe cấp cứu, bác sĩ phải chích thuốc mê để ông ấy nằm im chứ không thì ông ấy co giật hoài. Ông ấy cũng không kiểm soát được việc vệ sinh cá nhân', bà Cẩm chia sẻ.

Gần 20 năm vừa nuôi con vừa chờ chồng ở tù, bà Cẩm nói đêm nay còn buồn hơn cả những đêm nhiều năm trước.

Những tưởng khi ông được minh oan, gia đình đoàn tụ nhưng không ngờ, gia đình lại nhốn nháo thêm lần nữa.

Kể chuyện những tháng ngày oan ức tù tội của ông, bà đan những ngón tay vào nhau nói: 'Giờ còn chưa được đền bù, chưa được hưởng an vui ngày nào, ông ấy có ra đi chắc không nhắm mắt nổi'. Nói rồi bà lặng lẽ lau nước mắt.

'Hồi chiều, lúc nhìn ổng nằm ở trạm xá, 2 đứa con đứng khóc. Tụi nó thương cha, sợ cha chết dù từ ngày ông trở về rất hay cáu gắt, cha con chưa có ngày nào vui.

Nó sợ đến nỗi mắng cả lái xe cấp cứu, tôi phải xin lỗi các anh ấy', bà Cẩm kể. Ở bên cạnh, cháu và con dâu ông Nén ngồi thẫn thờ sau một ngày nhiều biến cố.

'Thấy người ta đi xe máy, ông ham quá!'

'Trước ngày đi tù, ông ấy đã biết chạy xe Honda cup 50 rồi nhưng sau tận 17 năm ở tù, lúc ra ông ấy quên hết. Đến điện thoại cũng không biết dùng', bà Cẩm kể.

Những ngày trở lại với cuộc đời, ông Nén cố gắng xây dựng ngôi nhà thật tươm tất dù phần lớn tiền là vay mượn. Ông cũng muốn chạy xe máy như bao nhiêu người vẫn ngang qua con lộ trước nhà.

Con ông Nén chăm sóc cha tại bệnh viện Chợ RẫyCon ông Nén chăm sóc cha tại BV Chợ Rẫy

'Hơn tháng trước ông cũng xém rớt xuống cầu. Thấy chồng chạy xe trên cầu mà tim tôi muốn rớt ra ngoài. Thấy người ta chạy xe ông thích lắm, lúc nào cũng muốn tập để đi', người vợ kể.

Lúc bị tai nạn, ông Nén đang tập lái chiếc xe tay ga - loại phương tiện chưa từng xuất hiện trước ngày ông vào tù.

Cô cháu gái cho mượn xe cũng không hề biết ông Nén chưa tập đi xe máy.

'Lúc chồng bị tai nạn tôi đang đi thăm người dì ở Bình Dương. Hôm trước ông gọi tôi nói 'sao em đi hoài vậy, về đi chứ anh nhớ em quá'.

Hôm qua linh tính thế nào tôi bắt xe về, ngồi trên ôtô gần đến nhà thì mấy đứa con điện báo cha bị ngã xe máy'.

'Mười mấy năm trời ông ấy chiến đấu để mong có ngày minh oan cho mình. Giờ về rồi, chẳng lẽ lại gục ở đây sao cô?', bà Cẩm buồn bã hỏi.

Cuộc trở về với đời sống của ông Huỳnh Văn Nén có lẽ không dễ dàng như nhiều người nghĩ. Trải qua 17 năm dài dằng dặc trong tù, nếm trải đủ những màn tra tấn, ép cung, ông Nén không khỏi bị ám ảnh.

'Nhiều khi chồng nói linh tinh, tôi phải bỏ đi để tránh nóng giận rồi cãi nhau. Ông cũng không tin tưởng ai cả, lúc nào cũng sợ bị lừa, đầu độc.

Rồi lúc tỉnh thì ông cũng biết nói thương vợ, thương con. Tôi tính dọn đồ đi bán hủ tiếu lại nhưng chồng không chịu và nói từ từ đợi bồi thường rồi kiếm nghề khác làm ăn cho đỡ cực nhưng đền bù thì biết bao giờ, ở nhà thì lấy gì ăn', người vợ nói.

Đến lúc ông Nén bị tai nạn, bà Cẩm kể tiền điện mấy tháng vẫn còn nợ. Số tiền thuê xe cấp cứu chở ông vào Sài Gòn cũng chưa trả.

'Khi đi, chị gái ông đưa cho tôi 20 triệu nói vào lo viện phí, thiếu thì điện về để chị đi vay mượn thêm, chứ tôi cũng không biết vay ai. Giờ chỉ lo ông ấy nằm đây dài ngày, lấy đâu tiền để lo. Còn con cái thì cũng chỉ đi làm thuê, đủ sống qua ngày', bà Cẩm thở dài.

Đêm nay, chỉ là đêm đầu tiên trong bệnh viện trong chuỗi ngày khó khăn đang đợi chờ người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén và vợ con ông. Bà Cẩm đã có hàng nghìn đêm trắng như thế kể từ ngày ông vào tù.

Ông Nén có dấu hiệu tâm thần?

Giọng đượm buồn, bà Cẩm chia sẻ, lúc chưa bị bắt, ông Nén là một người hiền lành, thương yêu vợ con nhưng 17 năm ngồi tù trong oan ức, ông như trở thành con người khác và có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, gia đình đang định đưa đi khám thì gặp chuyện.

Bà Cẩm cùng con dâu lo lắng ngồi trước cửa phòng cấp cứu

Bà Cẩm cùng con dâu lo lắng ngồi trước cửa phòng cấp cứu

'Có lẽ ông ấy ngồi tù quá lâu, cộng với những lần bị đánh đập, tra khảo nên bị ám ảnh. Bình thường thì không sao nhưng mỗi khi lên cơn ông ấy lại mất hết nhận thức, gây sự, chửi bới mọi người', bà Cẩm kể.

Theo lời người vợ, tần suất những lần ông Nén 'lên cơn' ngày càng nhiều. 'Người tù thế kỷ' gây chuyện với bất kỳ ai, kể cả thầy Nguyễn Thận ròng rã 15 năm kêu oan cho mình.

Thậm chí, nấu cơm rồi ông không ăn vì cho rằng có người bỏ thuốc độc. Thi thoảng, ông lại mang quần áo, đồ dùng của vợ con vứt ra đường và đuổi ra khỏi nhà.

Vì biết ông Nén bị chấn động tâm lý nên mọi người đều cảm thông và lựa lời khuyên can. Đôi lần, bị chồng đuổi đi, bà Cẩm giận, cự lại vài câu rồi dọn ra ngoài ở. Tuy nhiên, được vài ngày ông Nén lại gọi điện xin lỗi và năn nỉ vợ về nhà.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (con dâu ông Nén) nói, trong gia đình ông Nén chỉ nghe lời người dượng. Mỗi khi ông Nén lên cơn, gia đình lại gọi cho người này đến can thiệp.

Lúc chồng còn ở tù, bà Cẩm một mình sớm hôm đi bán bánh canh, hủ tiếu vỉa hè nuôi 3 con khôn lớn.

Ông Nén được minh oan và trả tự do một thời gian thì bà Cẩm bị đau nên không đi bán hàng ăn nữa.

Từ đó, vợ chồng họ sống nhờ vào tiền của các nhà hảo tâm hỗ trợ hoặc vay mượn của người thân, hàng xóm. Ba đứa con trai không có việc làm ổn định nên cũng không giúp được cha mẹ gì nhiều.

Theo Hà Hương - Khắc Thành - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X