Hotline 24/7
08983-08983

Vợ hoan hỉ khi chồng bớt nhậu

Việc siết chặt hình thức xử phạt liên quan tới bia rượu khi lái xe có thể làm không ít nam giới thấy "áp lực", nhưng từ góc nhìn của người phụ nữ trong gia đình, nhiều người vợ hoan hỉ trước điều này.

Trước khi nâng ly, người uống tránh để men say kiểm soát mình - Ảnh minh họa: T.T.D.

Các chị chia sẻ ý kiến riêng với mong muốn ngoài ý thức chấp hành pháp luật, chính là sự tự giác của người chồng trước khi nhậu, biết nghĩ về vợ con để không mang hệ lụy vì bia rượu.

* Chị HÀ THANH VY (nội trợ, Tân Đức, Hàm Tân, Bình Thuận):

Yêu thương gia đình, cân nhắc khi uống

Số người tử vong, tàn phế do tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh của mỗi gia đình và toàn xã hội. Do đó, tôi rất phấn khởi khi từ 1-1-2020, nghị định 100 được áp dụng để thực thi Luật phòng chống tác hại của rượu bia.

Thiết nghĩ "văn hóa nhậu" là một nét đặc trưng của người Việt ta. Vui 1-2 ly trong những bữa tiệc cần thiết để gắn kết tình cảm thì tốt. Nhưng việc lạm dụng bia rượu để mua vui, gây ra rất nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội thì hơn lúc nào hết chúng ta phải nhìn nhận đây là điều đáng báo động.

Bản thân tôi vẫn luôn hi vọng các ông chồng, các anh em bạn bè hay dùng rượu bia để giao tiếp sẽ tự biết ý thức hơn, vì sức khỏe bản thân và gia đình, chứ không phải sợ phạt mà không uống. Vì không phải chỗ nào cũng có lực lượng chức năng để chờ phạt!

Và nếu bất đắc dĩ không thể từ chối mà phải uống bia rượu thì nên uống tại nhà, hoặc nhờ người tỉnh táo đưa về tận nhà. Đó cũng là cách thể hiện tình yêu thương vợ con, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, thể hiện bản lĩnh thực sự của đàn ông.

Tôi tin rằng sau khi nghị định này được thi hành sẽ có rất nhiều người không còn lý do ép "bạn nhậu" uống. Và người bị ép cũng có lý do để từ chối. Tôi là một phụ nữ, người vợ, người mẹ... rất ủng hộ và tin rằng các chị em phụ nữ cũng sẽ đồng quan điểm với tôi.

* Chị L.H. (chủ doanh nghiệp kinh doanh nhỏ ở TP.HCM):

Ma men dẫn lối làm hư gia đình

Là vợ của người thích bù khú, tôi vô cùng mệt mỏi. Tôi không quên cảm giác ngồi chờ chồng về từng đêm 2-3h sáng trong bộ dạng áo quần đầy mùi thuốc lá, nồng nặc rượu, dáng đi liêu xiêu, giọng điệu khệnh khạng, quát tháo... những điều khi tỉnh táo anh không thốt ra.

Có đêm anh về quần áo rách nát, xe tả tơi, máu từ cánh tay, từ mặt anh tuôn ra ướt đẫm. Anh say quá nên tông vào đâu đó, rách tay mà không hiểu sao vẫn chạy được về nhà thì đổ gục, vợ hối hả gọi xe, nhờ hàng xóm khiêng anh vào bệnh viện.

Rồi lại đêm, anh về cũng bộ dạng ngả nghiêng, tiền từ trong túi áo túi quần anh rơi từ cửa đến phòng cũng không biết.

Nhậu nhiều quá thần kinh anh lơ mơ, ánh mắt lờ đờ, mệt mỏi. Sáng nào ngủ dậy, đôi mắt cũng đỏ ngầu. Con trai anh chứng kiến bao lần cha nó về khuya, quát tháo mẹ, lôi con ra đánh, lòng nó căm hận, ức chế.

Riêng anh, nhậu nhiều tiền bao nhiêu cũng vung hết, việc làm cũng không còn. Vì sao nhậu đến mức mất hết mà anh vẫn ngập ngụa trong đó?

* Chị X. (không nêu tên, đang sinh sống tại Đà Nẵng):

Nhà bình yên vì không men rượu

Tôi may mắn có chồng không thích nhậu nhẹt. Vì không nhậu, ban đầu chồng tôi cũng gặp vài lời "chỉ trích", nhưng anh ấy không để tâm nhiều bằng việc thấy vợ con mình vui, ba mẹ an lòng vì không phải chờ cửa đêm khuya. Không nhậu nên anh có thời gian chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn con học, tạo niềm vui cho con cái mỗi cuối ngày. Con thấy ba sống chuẩn mực nên lấy ba là "thần tượng", cu cậu hay nói sau này con sẽ là người đàn ông tuyệt vời như ba.

Truyền thống gia đình anh cũng không có chuyện rượu bia, ba anh cũng chuẩn mực trong đời sống nên dù 70 tuổi vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, đi thể dục mỗi ngày. Mẹ anh trông trẻ hơn vì theo bà, hôn nhân của hai ông bà có hạnh phúc nên con cái thành đạt, vợ chồng về già vẫn thấy có niềm vui, biết ơn nhau vì đã sống tròn đầy!

Nhiều người bạn của mình chia sẻ, riết rồi... không dám gần gũi chồng vì bị ám ảnh mùi nhậu. Hạnh phúc gia đình được nồng đượm hay lụi tàn hóa ra cũng có phần của bia rượu!

* Chị NGUYỄN THỊ THANH THÚY (hội trưởng Hội quán Các Bà Mẹ, TP.HCM):

Tránh để ma men kiểm soát mình

 

 

Tôi cho rằng việc siết chặt những hình thức xử phạt việc uống rượu bia khi lái xe sẽ giảm những bi kịch. Mức phạt nặng khiến người điều khiển phương tiện giao thông phải đắn đo để chọn hình thức di chuyển, tránh những nguy cơ khác về sức khỏe của chính mình và gây hậu quả nặng nề cho người khác. Hệ lụy của rượu bia thì ai cũng biết.

Mong nhất là ai nấy đều có ý thức: nếu uống, chỉ dùng lượng vừa phải, tránh để ma men kiểm soát mình.

Theo Tấn Khôi - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X