Hotline 24/7
08983-08983

Virus Herpes gây bệnh gì, triệu chứng ra sao và điều trị thế nào?

Virus Herpes chủ yếu lây qua đường miệng, nước bọt và do quan hệ tình dục. Vì là virus lây nhiễm trực tiếp nên khi tiếp xúc với người bệnh thì nguy cơ bị lây nhiễm khá cao. Bạn hãy đọc bài viết này và rút ra những kinh nghiệm phòng bệnh cho mình nhé!

Virus herpes là gì?

 


Virut Herpes simplex (HSV) có thể gây nên nhiễm khuẩn da cấp tính và biểu hiện mụn nước thành nhóm trên nền da đỏ.

Khi nói đến virus Herpes, chúng ta thường nghĩ đến loại virus lây nhiễm qua đường tình dục, hay còn gọi là bệnh mụn rộp sinh dục. Nhưng thực tế có hai dạng bệnh mụn rộp, bao gồm: herpes miệng (HSV1) và herpes âm đạo (HSV2). Đây là 2 loại virus herpes duy nhất có thể được xác định thông qua xét nghiệm máu. Những loại herpes khác đòi hỏi các biện pháp xét nghiệm phức tạp hơn và không thể cho kết quả ngay lập tức.

Trong đó, HSV1 là thường nguyên nhân gây lở loét xung quanh miệng và môi (đôi khi được gọi là mụn nước hoặc vết loét lạnh). Hơn nữa, HSV1 có thể gây ra mụn rộp sinh dục, nhưng hầu hết các trường hợp herpes sinh dục do HSV2 gây ra.

Người bị nhiễm HSV2 có thể có vết loét xung quanh bộ phận sinh dục hay trực tràng. Mặc dù ở các bệnh do HSV2 gây ra, vết lở có thể có tại các vị trí khác nhưng thường được phát hiện dưới thắt lưng.

Chúng lây truyền bằng tiếp xúc trực tiếp với virus qua trầy xước, hoặc qua nước bọt. Hôn, oral sex (quan hệ tình dục bằng miệng) là hành động khiến bạn dễ bị lây nhiễm loại virus này.

Trẻ em có bị nhiễm virus Herpes Simplex?

Đừng để con trẻ lây nhiễm virus Herpes chỉ vì nụ hôn của người lớn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 67% dân số thế giới bị mụn rộp tuýp 1 nhưng đa số là virus này nằm im trong cơ thể và không đưa ra triệu chứng cảnh báo nào.

Trong khi hầu hết với người lớn, loại virus này không gây nguy hiểm gì nhưng với trẻ em, đặc biệt là dưới 6 tuần tuổi, HSV1 lại rất nguy hiểm.

Virus này sẽ xâm nhập cơ thể trẻ qua đường niêm mạc mũi, hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp vào da, miệng trẻ, sau đó sẽ “chạy” lên não, gây viêm não, ảnh hưởng đến toàn bộ não.

Các triệu chứng của bệnh viêm não do virus Herpes ở trẻ nhỏ thường là đau đầu, nôn ói, hay quên, quấy khóc, thay đổi tính tình… Bệnh xảy ra rải rác, không thành dịch, thường diễn tiến nặng, có thể gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng khiến trẻ khó thích nghi với cuộc sống sau này. Theo đó, cứ 10 trẻ thì có 7 trẻ bị dị tật như: Bại não, khuyết tật trí tuệ, động kinh, mất thị lực, thính lực…

Ở trẻ sơ sinh, viêm não do Herpes có thể được gây ra bởi HSV1 hoặc HSV2 thông qua các con đường như: Lây từ mẹ sang con qua quá trình chuyển dạ và sinh đẻ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị lây nhiễm virus từ người bệnh bị Herpes ở môi và vùng quanh miệng có hành vi hôn trẻ.

Chính vì vậy, BV Hộ sinh Hoàng gia Anh (RCM) khuyến cáo bất người nào bị mụn rộp hoặc có triệu chứng như lở loét quanh miệng, nhiệt miệng nên tránh hôn hoặc âu yếm trẻ em bởi virus Herpes có độc tính cao.

Biểu hiện của nhiễm virus Herpes

 
Các đám mụn nước trên nền da màu đỏ là các triệu chứng điển hình khi nhiễm virus Herpes (miệng). Ảnh minh họa - Nguồn Internet
 

Điều kiện thuận lợi để virus xâm nhập gây bệnh thường là: tổn thương ở môi (khô, nứt môi, chấn thương...), chấn thương răng - miệng (nhổ, trám răng...), sốt, cảm cúm, các bệnh nhiễm trùng (như viêm đường hô hấp trên...), kinh nguyệt, có thai, suy nhược cơ thể, căng thẳng tinh thần, chấn thương thể chất, giảm sức đề kháng, giảm miễn dịch (AIDS, ung thư...).

Khi người bệnh bị nhiễm HSV1 lần đầu thường có biểu hiện điển hình là xuất hiện các đám mụn nước trên nền da màu đỏ. Các mụn nước này lõm ở giữa, có thể bội nhiễm hóa mủ. Sau đó mụn nước bị dập vỡ để lại vết trợt, có khi thành vết loét sâu, một số đóng vảy tiết hoặc rỉ dịch. Thương tổn có thể ở trên da hoặc niêm mạc vùng miệng.

Bệnh diễn biến nặng sau khoảng 3-4 ngày rồi đỡ dần trong vài ngày sau đó. Các thương tổn lành sẹo trong khoảng 2-4 tuần. Có thể thấy tại chỗ bị thâm hoặc trắng, đôi khi để lại sẹo. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân không có biểu hiện bệnh điển hình như vậy mà chỉ thấy đám da màu đỏ, vết trợt da, nứt da và nhiều khi không có biểu hiện gì nhưng virut vẫn bài xuất ra và lây cho người khác khi tiếp xúc.

Bệnh herpes sinh dục thường không có dấu hiệu, triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ không nhận biết được. Hầu hết người bệnh cũng không biết họ bị nhiễm trùng. Thông thường, khoảng 10-20% người bị HSV2 đã nhiễm herpes sinh dục trước đó. Khi các triệu chứng xuất hiện, người bị nhiễm Herpes sinh dục chắc chắn sẽ có một nhiều vết loét ở bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc bị lở loét. Ngoài vết loét, các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng herpes sinh dục mới thường bao gồm sốt, đau nhức cơ thể và sưng các hạch bạch huyết.

Herpes là một loại vi rút sống vĩnh viễn trong cơ thể người do đó tình trạng tái phát hoàn toàn có thể xảy ra. Bệnh có thể tái phát tại cùng một chỗ và mức độ nặng nhẹ khác nhau hay chuyển vị trí...

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh Herpes?


Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm virus Herpes simplex, bất kể tuổi tác. Tuy nhiên, bạn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao nếu quan hệ tình dục không an toàn, nghĩa là không sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ nhiễm virus HVS2 như: có nhiều bạn tình, đã bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, hệ miễn dịch suy yếu hoặc nếu đang phát bệnh herpes sinh dục khi sinh con, cả 2 loại HSV có thể tiếp xúc với em bé và con của bạn rất có nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng.

Làm sao để biết chính xác có nhiễm virus Herpes hay không?


Khi có các triệu chứng kể trên, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, điều trị. Bác sĩ thường chẩn đoán loại virus này dựa vào các khám nghiệm lâm sàng, kiểm tra các vết loét trên cơ thể và hỏi về một số triệu chứng hiện tại cũng như yêu cầu xét nghiệm HSV (cấy herpes) để xác định có vết loét trên bộ phận sinh dục hay không.

Trong xét nghiệm HSV, bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch từ vết loét và sau đó gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Ngoài ra, xét nghiệm máu phát hiện kháng thể kháng HSV-1 và HSV-2 cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán nhiễm trùng. Điều này đặc biệt hữu ích khi bạn không có vết loét.

Herpes dễ dàng nhầm lẫn với viêm nhiễm âm đạo


Như đã nói ở trên, có nhiều loại bệnh Herpes khác nhau và triệu chứng của chúng cũng không hề giống nhau. Cá biệt, có những loại bệnh Herpes không có dấu hiệu nhận biết nào.

Nếu chưa bao giờ bị bệnh Herpes, bạn dễ dàng nhầm lẫn các các triệu chứng này với viêm nấm âm đạo. Người bệnh sẽ bị đau ở vùng kín, chảy mủ vàng và đi tiểu buốt.

Bệnh Herpes sở hữu một vài dấu hiệu khá đặc trưng mà viêm nhiễm, nấm ngứa âm đạo không có, đó là nổi mụn đỏ và phồng rộp da. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường cần thăm khám để đưa ra hướng điều trị chính xác, không tự ý mua thuốc hoặc nương theo đơn thuốc của người khác để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Ðiều trị như thế nào?

 
Virus Herpes lây truyền bằng tiếp xúc trực tiếp với virus qua trầy xước, hoặc qua nước bọt. Hôn, oral sex (quan hệ tình dục bằng miệng) là hành động khiến bạn dễ bị lây nhiễm loại virus này. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
 
 
Không có cách chữa cho bệnh mụn rộp miệng, cũng không có cách chữa trị cho virus gây bệnh HSV. Hầu hết các mụn rộp sẽ biến mất. Nhưng dùng thuốc có thể làm giảm thời gian mắc bệnh và đôi khi ngăn chặn bệnh bùng phát trong tương lai. Điều trị bằng thuốc phụ thuộc vào việc bạn đang mắc bệnh khởi phát, tái phát hoặc đang cố gắng để ngăn chặn bệnh trong tương lai.

Thông thường, nên dùng một đợt thuốc kháng virut để giảm bớt triệu chứng, ngăn ngừa lan tỏa và lây lan. Sử dụng tốt nhất vào thời điểm khởi phát.

Hiện có 3 loại thuốc được chấp nhận dùng điều trị nhiễm Herpes là: aciclovir, valaciclovir và famciclovir. Tùy giai đoạn bệnh mà liều lượng và số ngày dùng thuốc sẽ khác nhau.

Ngoài ra, thuốc bôi acyclovir dạng ống 5g có hoạt tính chống HSV gây bệnh ở người. Cần bôi thuốc càng sớm càng tốt khi bắt đầu có các triệu chứng báo hiệu hoặc khi xuất hiện các thương tổn đầu tiên. Không bôi thuốc vào niêm mạc mắt.

Dùng toàn thân: acyclovir; valaciclovir; famciclovir, isopreinosine. Nếu có bội nhiễm (có sốt, xét nghiệm bạch cầu tăng, nhuộm soi dịch tiết có vi khuẩn...) thì uống hoặc tiêm kháng sinh kết hợp với thuốc kháng virut. Nếu tổn thương đau nhiều thì nên kết hợp với thuốc giảm đau.

Dùng tại chỗ: mỡ acyclovir 5% hoặc kem penciclovir 1% bôi 5 lần/ngày. Docosanol kem 10% bôi 5 lần/ngày cho đến khi lành đối với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi.

Thông thường, thuốc mỡ hoặc kem bôi cục bộ có thể bán theo hoặc không theo đơn, làm giảm đau, ngứa là thời gian lành bệnh. Nhưng thuốc uống kháng virus, chỉ bán theo đơn, có thể dùng khi có dấu hiệu đầu tiên (như nóng, ngứa) xuất hiện. Thuốc này có rất ít tác dụng khi mụn đã sưng to. Do đó, cần tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế.

Phòng ngừa lây nhiễm

 
Không dùng chung bàn chải đánh răng, ly, khăn... để tránh lây nhiễm virus Herpes. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
 

Virus Herpes rất dễ lây nhiễm qua đường tiếp xúc trực tiếp khi vẫn còn các sang thương, vì vậy, cần lưu ý:

- Không tiếp xúc trực tiếp vùng da đang tổn thương của mình vào người khác như: hôn hít, sờ, chạm, quan hệ tình dục...

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với những người đang phát bệnh. Đừng dùng chung bất kỳ vật phẩm có thể truyền virus ra xung quanh như ly, khăn, trang sức, quần áo, trang điểm hoặc son môi…

- Không sờ lên mắt. Không dùng nước miếng để làm ướt kính sát tròng.

- Tránh để đôi môi của bạn tiếp xúc ánh sáng mặt trời quá lâu. Sử dụng kem chống nắng cho môi ở mọi thời điểm (bằng son dưỡng môi) và bảo vệ khuôn mặt của bạn khỏi ánh nắng mặt trời.

Ở trẻ em, cha mẹ có thể giúp ngăn ngừa nhiễm virus Herpes simplex bằng cách:

- Rửa tay thường xuyên cho trẻ.

- Đừng để con chơi đồ chơi mà trẻ em khác đã cho vào miệng.

- Thường xuyên rửa sạch đồ chơi với chất khử trùng.

- Nếu trẻ em có mụn vỡ hay rỉ dịch, hãy giữ chúng ở nhà cho đến khi các mụn nước bắt đầu đóng vảy.

- Không để người lớn hôn trẻ em trong khi họ có mụn rộp hay chảy nước dãi không kiểm soát.

- Sử dụng găng tay dùng một lần hoặc một miếng gạc bông để bôi thuốc mỡ lên vết loét mụn của trẻ.

Làm gì để tránh phát bệnh?


Một vài hoàn cảnh và lối sống tạo điều kiện thuận lợi cho loại vi rút này hoành hành trong cơ thể: tiếp xúc lâu với ánh nắng, stress, mệt mỏi kinh niên... Do đó, để có thể sống hòa bình với loại vi rút này, người bị nhiễm cần loại bỏ những yếu tố phát triển bệnh kể trên.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể khám bác sỹ định kỳ để có được phương pháp điều trị trước hoặc trong khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

Lưu ý


Giai đoạn đầu tiên của mụn rộp có thể rất đau đớn gây khó khăn khi ăn, uống, và ngủ. Trẻ em bị sốt và có nhiều mụn rộp lở loét trong miệng có thể cần phải được khuyến khích uống nước và các chất lỏng khác để tránh mất nước.

Người lớn và trẻ lớn ở giai đoạn đầu tiên của mụn rộp đau đớn có thể đôi khi cần một toa thuốc súc miệng mạnh để giảm đau.

Khi phát bệnh có thể dùng Vitamin C, lysine bổ sung và chanh bạc hà dụ để trợ giúp cho cơ thể. Vitamin C có thể ở dạng thuốc viên uống, trong kem bôi cục bộ, hoặc dạng lỏng dùng cho mụn rộp. Lysine bổ sung ở dạng thuốc viên và chanh bạc hà có sẵn trong kem bôi ngoài da. Kem bôi Kẽm oxit có tác dụng làm giảm thời gian phát bệnh.

Ngoài ra, người bệnh cần giảm tối đa căng thẳng, lo âu, tăng cường dinh dưỡng. Tránh các loại thức ăn giàu arginine: như dừa, đậu nành, lạc, chocolate, cà rốt… Nên ăn các loại thực phẩm mềm và nhạt như rau quả, trái cây, giá, thịt bò, cá, gà… để tránh kích thích các vết lở và các vùng da nhạy cảm xung quanh.

P.N (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X