Hotline 24/7
08983-08983

Viết thư tay: Thời của tình yêu, những vấn vương và đôi lời không dám nói

Những lá thư tay gói trọn mối tình vượt thời đại. Liệu mai sau có ai truyền tay nhau những lời nhắn Facebook?



Đôi lúc giữa những "bận bịu" và "nhanh gọn" của những phương thức giao tiếp hiện đại, ta lại lướt qua những sẻ chia của vài người hoài cổ nhớ về những lá thư Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh, đôi dòng thư Lưu Quang Vũ gửi Xuân Quỳnh - như một lần nghiêng mình trước những mối tình hoa mộng, chân tình và thắm đượm cảm xúc của một thời viết thư tay.

Đúng là, đã lâu rồi, chúng ta quên mất cảm giác nắn nót viết một bức thư cho ai đó...

Thư tình gửi một người

Người ta nói nếu muốn tìm một không khí bảng lảng, thâm trầm trong những bài nhạc Trịnh Công Sơn, hãy lên Đà Lạt. Ở đó, trong những quán cà phê có tuổi đời ngót nghét như đời người chủ quán, khách quen đôi khi lại nghe thấy những lời tự sự giàu cảm xúc; không phải tiếng nhạc Trịnh mà những bức thư tình ông gửi Dao Ánh - người phụ nữ để thương để nhớ cho người nhạc sĩ tài hoa với hơn 300 bức thư tình.

"Dao Ánh,

Anh đọc thư Ánh từ chiều hôm qua. Cũng như tháng 8 năm ngoái, thư Ánh vẫn là thư đầu tiên trong những ngày mọn mọt của anh ở đây. Anh đã đọc thư bao nhiêu lần. Và để mừng những tờ thư đó, anh đã mặc áo ấm vào đêm, uống thật say một mình rồi trở về cầm những tờ thư còn thơm mùi thơm quen thuộc đó mà ngủ. Bạch lạp thì cháy âm thầm trên giấc ngủ đó của anh.

Những ngày nay anh vẫn chưa làm được gì ngoài phí bỏ những giờ dài dẳng để ngồi đốt thuốc và nhìn hoài khoảng đất trời trước mặt. Anh đã viết xong một bản nhạc cho Ánh. Ru mãi ngàn năm hay Ru em từng ngón xuân hồng.

Bây giờ buổi chiều. Anh đã hết cả ngôn ngữ để nói về vẻ ảm đạm của những buổi chiều ở đây.

Thứ sáu đã gần xuống hết, những mảng đất đang mang màu nâu bạc. Những con sâu đất và dế cũng đã reo rất sớm ngoài kia. Có lẽ anh lại phải nằm thêm một thứ bảy và một chủ nhật ở đây nữa.

Bây giờ Ánh đang làm gì, bờ sông thì vẫn có những hàng cây. Những hàng cây nhìn xuống một đời nước mãi chảy và những màu lá xanh, đỏ của mỗi ngày, của mỗi tháng, của mỗi năm. Anh thấy Ánh đi qua những khung hình quen thuộc đó và mỗi ngày Ánh đã lớn lên, đã xa dần từng ngày tháng cũ. Đã bỏ sau lưng từng buổi chiều êm ả, đã quên mất những yêu dấu của một tuổi nồng nàn nhất trong đời một người con gái. Rồi sau đó còn gì ngoài một đời sống đều đặn hơn, ngăn nắp hơn và những kỷ niệm đã được trút bỏ âm thầm (như anh đã có lần nói)."


Phải yêu thương nhau lắm, người ta mới có thể dành tâm huyết để trao cho nhau những là thứ mà ngôn từ đến vài chục năm sau vẫn là những lời tự sự chuẩn mực để người ta hết mực ngợi khen. Nếu như tiếng Việt là thứ ngôn ngữ giàu cảm xúc, đa chiều sâu như tâm hồn dân tộc thì những thư tay như kết tinh đặc sắc của ngôn ngữ cho một mối tình. Đôi nét run run vì bồi hồi xúc động, vài dòng lem nhem vì nhòa nước mắt nhớ thương, những đoạn viết ẩu khi đêm đã về khuya và mắt đã muốn nhắm chặt… Thư tình vì thế, mà cảm xúc cũng đong đầy hơn, mở thư ra như thấy một bầu trời yêu thương thơm lành.

Người ta phải chắt chiu lắm tình cảm của bản thân mới, đắn đo câu từ, bặm môi suy nghĩ nhiều lần mới đặt bút viết những dòng đầy cảm xúc. Vỏn vẹn vài trang giấy, “thư đã dài” cũng chỉ vỏn vẹn ba bốn trang, nói sao cho đặng hết lòng người đang chờ mong thương nhớ - chính vì vậy lá thư cũng chỉn chu câu từ lắm, nói lời nào ra cũng vừa vặn, không thừa chẳng thiếu.



Những lá thư Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh như vẽ lên cả một khung trời Blao hay Đà Lạt, cùng với cái thế giới quan cảm xúc đang chất chứa trong lòng Trịnh Công Sơn. Ông không nói từ yêu nào nhưng người ta hiểu rằng, tình cảm ông dành cho Dao Ánh lúc đó là một điều ai cũng nhìn thấy. Đọc dăm ba dòng chữ, người ta thấy cả một cái tình.

Tôi vẫn nhớ chiếc hộp thiếc nhỏ bà từng cất giữ từng lá thư ông tôi gửi những ngày ra chiến trường. Từng lá thư được bà xếp gọn gàng, thỉnh thoảng lại đem ra đọc. Những lá thư thời chiến khiến người ta buồn thương nhiều: May mắn là một lá thư tình từ người yêu phương xa với lời hẹn ước nhưng đằng đẵng bao lâu không gặp, không may thì là một dòng báo tử. Người ta kiệm lời, dòng thư tình chỉ vọn vẻn vài khổ nhưng bù lại, tình yêu đầy ắp sự thấu hiểu, cảm thông. Thế hệ những người như Trịnh Công Sơn, Dao Ánh hay ông bà tôi, họ không yêu nhau rườm rà với hàng ngàn câu chuyện tầm phào thường nhật. Tình yêu không nằm ở những câu từ da diết, sến súa  mà chất chứa trong ngôn từ giản đơn, ý nghĩa.

Họ đã viết những lá thư tình để chúng ta đọc xong có khi cười ngẩn ngơ, hoặc có khi lại khóc ròng vì buồn bã, có khi thương cảm cho những mối tình si không được đáp lại. Nhưng trên tất cả, đó đều là những cảm xúc trọn vẹn: Thương có thương, buồn có buồn và vô vọng cũng là một nỗi tuyệt vọng thật đẹp. Trịnh Công Sơn viết vài trăm lá thư tình cho Dao Ánh, để những người về sau đôi khi lấy đó làm chuẩn mực cho tâm tư của mình. Những lá thư ấy, gói tròn bao mối tình vượt thời đại để đến bây giờ, người ta vẫn bồi hồi khi đọc lại từng dòng, từng từ và soi vào cuộc đời mình.

"Ánh ơi,

Anh viết thư cho Ánh luôn như thế này những ngày anh ở trong giai đoạn buồn bã nhất của tuổi anh. Khi anh nghiêng mình xuống một hình ảnh trong mát của Ánh anh bỗng thấy mình già nua - quá khứ đã chồng lên cao ngất. Anh thấy mình chưa có một may mắn nào từ khi vào đời. En moi, tout se réduit au minimum. Từ một niềm vui, một nỗi buồn. Từ bạn bè đến tình yêu. Rất đạm bạc, rất bé mọn đó Ánh. Chỉ còn mình Ánh để anh hàn huyên về những khoảng trống đau nhói của mình. Ngoài Cường và Cung. Đó là những "trous" những "hiatus"-vực-thẳm chôn mình bằng những cơn xoáy cuốn hút. Ánh rồi cũng làm loài chim di xám bỏ miền-giá-buốt này mà đi. Lúc đó anh chỉ còn ngồi nghe một lời bể động."


Thư tình Trịnh Công Sơn gửi một người mà như gửi cho hàng triệu người vậy.

Lá thư tay, bao người trẻ còn nhớ?

Tôi cũng nhớ như in những dòng thư Lưu Quang Vũ gửi Xuân Quỳnh đọc xong thấy bồi hồi nghèn nghẹn.

"5/6/1976

Quỳnh thương yêu,

Em gắng đi về bằng máy bay cho khoẻ, không mua gì cũng được. Về với anh và con, về với nhà ta đi thôi. Về với phố Huế chật hẹp, với nhà trẻ nơi ta đón Mí, với quán cà phê Nguyễn Công Trứ, nơi ta uống cà phê 2 hào buổi sáng với những gã giáo viên còm, những người công nhân lam lũ và những tay thợ làm đạo cụ sân khấu, về với những con đường chúng ta vẫn đi, những công việc, với cái thành phố nghèo, nơi người ta sống rất khổ mà vẫn luôn tìm cách để sống cho thanh thản trong nỗi khổ ấy, sống thanh thản và yên tĩnh.

Những ngày này nhớ và thương Quỳnh lắm, không nên bực bội về Sài Gòn và người Sài Gòn làm gì. Mùa đông này, về với anh, đi bên anh, nằm bên anh trong căn phòng đầy tranh của chúng ta. Và với Mí tuyệt vời của chúng ta. Và chúng ta sẽ viết chứ, sợ gì em nhỉ?

Nếu chúng ta là kẻ không có tài chí lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người.

Hôn em rất lâu.

Vũ".



Người trẻ giờ chúng ta có viết thư tay bao giờ không, tôi tự hỏi, ở một thế giới nơi mọi thứ đều được giản tiện cho nhu cầu của người dùng như thế này? Đọc những dòng thư Lưu Quang Vũ, người ta không chỉ thấy những câu từ đẹp, người thi sĩ tài hoa còn cho chúng ta thấy một tình yêu đẹp là như thế nào giữa vô vàn điều thực dụng của cuộc sống hiện đại: Mùa đông này, về với anh, đi bên anh, nằm bên anh trong căn phòng đầy tranh của chúng ta. Và với Mí tuyệt vời của chúng ta. Và chúng ta sẽ viết chứ, sợ gì em nhỉ?”.

Chúng ta không chỉ nói về câu chuyện một lá thư tay - đó không đơn giản chỉ là những con chữ in trên giấy trắng khi viết thư tay thay đổi cả cách chúng ta yêu thương nhau, của sự vội vàng đang cuốn thế hệ Y lao nhanh trong cuộc sống.

Thư tay với người trẻ giờ chỉ còn là kỷ niệm, là những hiện vật của quá khứ - thứ "cũ kỹ" và mang tính hoài niệm của những ông già, bà cả. Có những người không quan tâm, số khác đọc thư tay như để tìm lại chút không khí xưa cũ; mà đa phần chỉ coi thư tay là một phần tuổi trẻ của bố mẹ. Thời xưa, chúng ta coi thư tay là những điều bình thường, còn một lá thư được gửi đi trong thời buổi này bỗng trở thành điều đặc biệt.



Những người bạn tôi vẫn hay nhìn lại ngày này năm xưa - “On this day” trên Facebook. Ai cũng có một miền quá khứ để lưu luyến và hoài niệm, để nhìn lại những điều đẹp đẽ của một thời sôi nổi, nhiệt huyết. Mạng xã hội sợ chúng ta quên đi cuộc đời, bỏ sót quá khứ nên ngày nào cũng hiện thông báo “bạn có kỷ niệm với…”. Nhưng chúng ta đâu cần nhiều kỷ niệm đến vậy trong cuộc đời này khi sống vài chục năm cũng chỉ có vài người tri kỷ? Mỗi lá thư tay lại gợi ra cả một câu chuyện ý nghĩa; đọc lại từng con chữ trong lá thư khiến chúng ta tưởng tượng ra được nhiều điều hơn một bức ảnh. Cảm xúc được chắt chiu nguyên vẹn và lần nào đọc lại cũng như lần đầu tiên. Người trẻ thích những thứ giàu cảm xúc, lãng mạn hóa mọi điều trong cuộc sống nhưng lại sợ không có thời gian cho một lá thư tay, vốn chẳng phải điều lãng mạn nhất hay sao?

Khi tình yêu bắt đầu nhạt nhòa, người yêu cũ gửi cho tôi một lá thư tay, không gửi qua bưu điện mà đưa trực tiếp cho tôi. Cái cảm giác viết thư tay như một lần chữa lành vết thương lòng; người ta thấy mình trầm ngâm hơn, nền tính hơn khi cẩn thận viết những dòng thư. Không có ai ngắt lời bạn với những dòng tin nhắn Facebook dở dang, cả trang giấy này là của bạn để giãi bày tâm sự. Từng con chữ soi nghiêng mối tình, như nhắc chúng ta về những điều đã có. Thời buổi này, nếu có một người kiên nhẫn viết cho bạn một lá thư tay giữa những ngày giận dỗi, hãy nắm lấy tay họ thật chặt vì có lẽ, sẽ không biết bao giờ mới có một Lưu Quang Vũ như vậy tìm đến cuộc đời bạn.

Nếu cuộc đời bận rộn không khiến ta có thời gian nắn nót viết từng dòng tâm tư đến người mình thương thì chí ít, hãy coi nó là một trải nghiệm tình yêu đặc biệt giữa vũ trụ tình yêu mênh mang.

“Anh rất nhớ em. Chúng ta sống với nhau đã 14 năm, nhiều gian khổ nhưng cũng nhiều niềm vui. Anh đã làm được nhiều việc, 1 phần cũng nhờ em, và biết rằng dù ở trên đời còn có nhiều cô gái khác - những “yêu tinh” như em vẫn nói - nhưng chỉ có em là yêu thương và hiểu anh, hiểu cả những thói tật đến công việc và những nỗi đam mê...

7/11/1987

Rồi sau này, ai còn truyền nhau những lời nhắn Facebook?

Sẽ đến một ngày, người ta cũng cho máy tính vào bảo tàng, Facebook thành một “di sản ký ức của nhân loại”, nhưng liệu có ai đem những lời nhắn Facebook, hàng nghìn tin nhắn miên man vào bảo tàng và gắn biển “ký ức tình yêu của một thời hoa mộng”?

Tôi đoán là không. Ở đó vẫn là những bức thư tình giấy đã ngả vàng, mực đã phai nhạt nhưng tình còn đầy ắp.

Chúng ta tìm mọi cách để sống chậm giữa cuộc đời hiện đại, nhưng khi cơ hội đến rồi lại bỏ qua. Người ta vẫn coi một anh chàng viết thư tay là “sến sẩm, dở dấn”, một cô gái viết thư lén bỏ ngăn bàn bạn cùng lớp là “ngớ ngẩn, trẻ con”. Thay vì viết thư, lời yêu thương được mã hóa thành những ký hiệu 0 và 1; người ta có thể gửi đi hàng chục tin nhắn như vậy, chẳng phải đắn đo nghĩ kĩ. Thư đã gửi đi chỉ mong hồi âm chứ chẳng bao giờ lấy lại được, còn tin nhắn gửi đi vẫn có thể thu hồi. Những lời tâm tư trong phong thư, có lẽ vì vậy, cũng nghiêm túc và cẩn trọng hơn hẳn. Với Trịnh Công Sơn hay Lưu Quang Vũ, họ đã để lại tình yêu trong đó quá nhiều.



Theo Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X