Hotline 24/7
08983-08983

Việt Nam đang "già hóa dân số" với tốc độ "phi mã"

Già hóa là thành tựu của quá trình phát triển, là xu thế chung của các quốc gia giàu mạnh.

Tuy nhiên đối với một đất nước chỉ mới "thoát nghèo" như Việt Nam, vấn đề này đang biến thành "rắc rối kép", đặt ra thách thức lớn đối với nền kinh tế và an sinh xã hội.

Việt Nam đang "già hóa dân số" với tốc độ gấp đôi các nước trong khu vực (một con số báo động):

Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số". Thời gian chuyển từ giai đoạn "già hóa dân số" sang giai đoạn "dân số già " của Việt Nam ước tính là 17-20 năm, nhanh hơn rất nhiều nước có trình độ phát triển khác như Thụy Điển (85 năm), Úc (73 năm), Mỹ (69 năm), Canada (65 năm), Trung Quốc (26 năm), Nhật Bản (26 năm),…

Trong khi đó, người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống ở vùng nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Hầu hết họ đều gặp khó khăn về cuộc sống và không có điều kiện chăm sóc sức khỏe. Trên 70% người cao tuổi Việt Nam đang phải tự lao động, bươn chải vất vả trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, chỉ có 25,5% sống bằng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội.

62,3% người cao tuổi Việt Nam đang sống khó khăn, thiếu thốn. Ảnh minh họa.
62,3% người cao tuổi Việt Nam đang sống khó khăn, thiếu thốn. Ảnh minh họa.

Có thể thấy rõ rằng hệ thống an sinh xã hội và hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi hiện nay. Việt Nam mới chỉ có Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Viện Lão khoa Quốc gia và một số bệnh viện trong nước có khoa Lão khoa nhằm chăm sóc riêng cho người cao tuổi.

Những con số đáng buồn về người cao tuổi ở Việt Nam

- 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất

- 62,3% sống khó khăn, thiếu thốn

- 27,6% cho rằng kinh tế đang kém đi

- 18% sống trong hộ nghèo (tuổi càng cao càng nghèo)

- Hơn 30% sống trong nhà kiên cố

- Gần 10% sống trong nhà tạm

- 35% cảm thấy thất vọng

- 33% không biết chia sẻ vui, buồn cùng ai

- 22% cảm thấy rất cô đơn

Theo số liệu của Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, Báo cáo 10 năm Madrid 2012, Điều tra Quốc gia về Người cao tuổi 2011

Người cao tuổi thường coi con cháu mình là chỗ dựa khi về già. Nhưng xu hướng quy mô gia đình truyền thống ở Việt Nam đang dần chuyển sang mô hình gia đình hạt nhân, khiến nhiều cụ già trở nên cô đơn hơn, gặp nhiều khó khăn khi phải tự sống một mình.

Chưa kể đến một bộ phận người Việt trẻ ngày nay coi các cụ già là gánh nặng kinh tế, thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách và các quyền cơ bản của người già.

Như vậy, Việt Nam đang đứng trước một thách thức lớn chưa từng có, bởi dân số già là kết quả của sự phát triển kinh tế ở các nước trên thế giới, nhưng nó đang diễn ra ở Việt Nam - một quốc gia chỉ mới vất vả để… "thoát nghèo"!

Tuy rằng nâng cao tuổi thọ của con người là ước mơ của cả xã hội ta. Nhưng hiện nay, việc các chính sách thiếu đồng bộ, hạn chế về hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề thách thức như các vấn đề về y tế, việc làm, nhà ở.

Những bài học lớn từ Nhật Bản

Chiều 21/4 vừa qua, Bộ Y tế có cuộc hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về vấn đề già hóa dân số và xây dựng bảo hiểm y tế toàn dân với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Buổi hội thảo xoay quanh hai vấn đề lớn mà cả Việt Nam và Nhật Bản cùng quan tâm: xây dựng lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe cho quốc gia có dân số già hóa. Việt Nam đang phải đứng trước những thách thức to lớn khi đất nước còn khó khăn, trong khi tốc độ "già hóa" dân số gia tăng gấp đôi nhiều nước trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore,...

GS. Eguchi Takahiro đang chia sẻ những kinh nghiệm và khó khăn mà người Nhật phải đối mặt trong lĩnh vực bảo hiểm y tế. Ảnh: Thúy Nga

GS. Eguchi Takahiro đang chia sẻ kinh nghiệm và khó khăn mà người Nhật phải đối mặt trong lĩnh vực bảo hiểm y tế. Ảnh: Thúy Nga

Hiện Nhật Bản là một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới. Chính phủ Nhật nhận thức được vấn đề này và bắt đầu xây dựng hệ thống y tế chăm sóc người cao tuổi từ những năm 60 của thế kỉ trước.

Với tầm nhìn dài hạn, chính phủ cung cấp cho người dân nhiều loại hình chăm sóc sức khỏe đa dạng tới từng địa phương như: hệ thống nhà dưỡng lão đặc biệt, cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, các bệnh viện an dưỡng, các dịch vụ chăm sóc y tế tận nhà,…

Theo kinh nghiệm của người Nhật, để người già có thể sống an vui trong sự tôn trọng và quan tâm của toàn xã hội, cần phải có sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ sở y tế, chăm sóc, phòng bệnh, hỗ trợ sinh hoạt, tạo thành một hệ thống chăm sóc bao quát cả khu vực.

Bên cạnh đó, chính phủ Nhật nhận thức rõ về sự khác biệt giữa các vùng miền khác nhau, dẫn đến tình hình già hóa và đặc trưng của nhóm người cao tuổi mỗi địa phương mang những đặc tính khác biệt. Vì thế, Nhật Bản xây dựng hệ thống chăm sóc y tế cho người già sâu sát tới từng địa phương, phù hợp với đặc tính của từng khu vực.

Nguyên tắc cơ bản của bảo hiệm xã hội Nhật Bản là: "Whenever - Wherever - Whoever" (Bất cứ khi nào - Bất cứ đâu - Bất cứ ai). Người Nhật đã thành công khi thực hiện được quá trình bảo hiểm toàn dân vào năm 1961, thành công khi tạo ra Quỹ hưu toàn dân cũng trong năm này.

Khi chăm sóc y tế, chính phủ Nhật có nguyên tắc "Flat Service" (Phục vụ Bình đẳng) nhằm nhấn mạnh quan điểm: Người dân được chăm sóc bình đẳng, chi phí y tế bình đẳng, khám chữa bệnh ở bất cứ bác sĩ nào cũng cùng một chi phí.

Chính quyền địa phương Nhật Bản chú trọng việc khám sức khỏe định kỳ cho người già. Và Luật chống bạo hành người cao tuổi cùng với các chính sách liên quan được tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân.

Theo thống kê, đến năm 2012, người Nhật đã chi 8,9 nghìn tỷ yên để xây dựng chế độ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe bền vững cho nhân dân. Dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng lên đến khoảng 21 nghìn tỷ yên vào năm 2025.

Thứ trưởng Bộ Y tế, Phạm Lê Tuấn phát biểu trong cuộc hội thảo. Ảnh: Thúy Nga

Thứ trưởng Bộ Y tế, Phạm Lê Tuấn phát biểu trong cuộc hội thảo.
Ảnh: Thúy Nga

AloBacsi.vn
Theo Thúy Nga - Sức Khỏe Đời Sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X