Hotline 24/7
08983-08983

Việt Nam có thể hứng chịu động đất, sóng thần

Các trận động đất liên tiếp ở VN báo hiệu một chu kỳ động đất mới. Những trận động đất mạnh hơn và nguy cơ sóng thần có thể sẽ xảy ra.

Chu kỳ động đất mới đang hình thành

GS Nguyễn Đình Xuyên, Viện Vật lý Địa cầu cho biết, dựa vào con số thống kê các trận động đất có thể đưa ra con số về chu kỳ lặp lại các trận động đất. Theo đó, động đất cấp 6 (4,5 độ richter) có thể xảy ra hằng năm, động đất cấp 6 - 7 (5 - 5,5 độ richter) 2 năm một lần, động đất cấp 7 - 8 (6,0 - 14 độ richter) là 5 năm một lần, động đất mạnh hơn là 40 năm một lần. Trong khi động đất yếu (nhỏ hơn 3,5 độ richter) có thể xảy ra ở mọi nơi thì hầu hết động đất mạnh xảy ra trong các vùng đứt gãy hoạt động, phân chia các cấu trúc chính.

Động đất ở nước ta trong năm 2010 và những năm gần đây phù hợp với chế độ chung nêu trên. Tuy nhiên, năm 2011 đã xuất hiện những dấu hiệu bất thường báo hiệu một chu kỳ động đất mạnh bắt đầu.
 
Sự xuất hiện liên tiếp các trận động đất từ cấp 4 - 7 ở những vùng khác nhau có thể dẫn tới khả năng xảy ra những trận động đất mạnh hơn. Vùng Tây bắc, từ hệ đứt gãy sông Hồng - sông Chảy đến hệ đứt gãy sông Cả là vùng có hoạt động động đất và nguy cơ động đất cao nhất ở nước ta.

Vết nứt tại đường Hai Bà Trưng, Di Linh, Lâm Đồng
 
Theo TS Lê Huy Minh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, năm 1935, trận động đất mạnh 6,8 độ richter đã xảy ra tại Điện Biên. Năm 1968, trận động đất 5,5 độ richter xảy ra ở Nhã Nam (Yên Thế). Năm 1983, trận động đất 6,7 độ richter tại Tuần Giáo (Lai Châu).
 
Từ đó đến nay chưa có trận động đất nào vượt quá cường độ những trận động đất này. Những trận động đất này xảy ra cách nhau ở quãng thời gian từ 30 - 40 năm. Trận động đất tại Yên Thế đến nay đã xảy ra được 28 năm. Khoảng thời gian này trùng với chu kỳ nêu trên. Các trận động đất gần đây chứng tỏ các đới đứt gãy ở nước ta đang hoạt động mạnh và không loại trừ chu kỳ động đất mạnh đang lặp lại.

Mực nước ngầm thay đổi có thể báo trước động đất

GS Nguyễn Đình Xuyên cảnh báo, người ta đã tìm ra một loạt dấu hiệu báo trước động đất như hoạt động động đất tăng lên (động đất yếu xảy ra nhiều hơn). Hoạt động đó gọi là tiền chấn. Sự biến dạng vỏ Trái Đất diễn ra trên diện tích rộng, mặt đất bị nghiêng đi, dịch chuyển của các địa khối theo đứt gãy tăng lên mạnh mẽ.
 
Mực nước ngầm (hay mực nước trong giếng khơi) và nồng độ các chất hoá học trong nước ngầm như radon, flo, carbonic... thay đổi mạnh mẽ. Người ta cũng thấy hành vi bất thường của một số loài động vật trước khi động đất xảy ra.

TS Lê Huy Minh cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ có 30 trạm dự  báo động đất và sóng thần phân bố khắp cả nước. Trong đó, có 8 trạm đặt cả máy ghi địa chấn và GPS liên tục. Phương thức truyền số liệu từ các trạm về Viện Vật lý Địa cầu được thực hiện chủ yếu là internet và vệ tinh. Hệ thống cảnh báo sóng thần đặt tại Đà Nẵng đã được thử nghiệm thành công.

Các chuyên gia cho rằng, người dân không nên quá lo lắng bởi tất cả mới chỉ là nguy cơ nằm trong dự đoán của giới khoa học. Các kịch bản ứng phó với thảm họa đã được xây dựng. Tuy nhiên, khả năng xảy ra động đất hay sóng thần có sức tàn phá kinh khủng ở Việt Nam là điều rất khó.

Các chuyên gia cho rằng, trường hợp các trận động đất xảy ra liên tiếp, nguy cơ sóng thần là khó tránh khỏi. Nếu khu vực rãnh nước sâu Manila xảy ra động đất cường độ 8,3 độ richter thì có thể tạo nên sóng thần cao 6,2m ở Quảng Ngãi và 2,1m ở Nha Trang. Việc nứt đất ở Lâm Đồng, phun bùn tại Ninh Thuận... cho thấy, vỏ Trái Đất ở khu vực Việt Nam không hoàn toàn bình ổn, động đất cần được theo dõi.

 
Theo Tô Hội - Báo Khoa học và Đời Sống Online

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X