Hotline 24/7
08983-08983

Viêm xoang: Đừng để cơ thể “sống chung với lũ”

Viêm xoang được coi là căn bệnh dai dẳng, điều trị nhưng hay tái phát khiến nhiều người chán nản, chấp nhận “sống chung với lũ”, chịu đựng những cơn đau nhức vùng mắt, nghẹt mũi nặng. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng xiêm xoang nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng, gây biến chứng nguy hiểm tới các bộ phận khác của cơ thể.

Viêm xoang là gì?


Xoang là những khoang rỗng nằm trong khối xương sọ mặt. Các xoang có chức năng làm nhẹ khối xương sọ, làm ấm, làm ẩm và lọc không khí đi vào khoang mũi. Các xoang đều có đường thông vào hốc mũi. Xoang bình thường khi lỗ thông mũi không bị nghẽn.

Bệnh viêm xoang là tình trạng niêm mạc xoang bị viêm nhiễm, mất đi khả năng hoạt động bình thường. Những tổn thương lâu ngày không được điều trị dẫn đến ứ đọng dịch nhầy. Chất dịch này bám vào thành và gây ra hiện tượng đầy ứ, hẹp và tắc lỗ thông xoang, dẫn đến viêm nhiễm tạo mủ.

Viêm xoang được phân loại theo cấp tính và mạn tính. Viêm xoang cấp tính thường điều trị nội khoa, còn mạn tính thì phải điều trị ngoại khoa. Trong đó, được gọi là viêm xoang cấp khi triệu chứng xuất hiện trong thời gian ngắn, dưới bốn tuần; viêm xoang mạn là khi triệu chứng kéo dài trên 12 tuần.

Cấp độ bệnh viêm xoang theo thứ tự thường gặp là:
- Viêm xoang hàm
- Viêm xoang sàng
- Viêm xoang trán
- Viêm xoang bướm
- Viêm nhiều xoang cùng lúc

Trong đó, xoang bị viêm sớm nhất, ngay từ lúc mới sinh là xoang sàng. Xoang hàm thường bị viêm từ lúc 4 - 5 tuổi. Các xoang khác thường bị viêm muộn hơn.


Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang


Viêm xoang là một trong những bệnh lý tai mũi họng rất phổ biến trong cộng đồng, có thể chiếm tới khoảng 25% dân số và có xu hướng gia tăng tại các thành phố lớn như Hà Nội.

Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm xoang, như:

Do môi trường xấu: Khi không khí bị ô nhiễm, bụi, khói bếp, thuốc lá, ao hồ dơ bẩn, hồ tắm không vệ sinh. Những môi trường này chứa nhiều vi khuẩn, vi khuẩn vào mũi gây viêm mũi sau đó trở thành viêm xoang...

Do cơ địa dị ứng: Dị ứng hóa chất, thức ăn biển chất kéo dài làm niêm mạc mũi phù nề, gây bít tắc lỗ thông xoang, xonag bị bít tắc gây nhiễm trùng và viêm xoang.

Sức đề kháng kém, cơ thể không đủ sức đề kháng chống lại vi khuẩn, suy giảm miễn dịch, suy yếu niêm mạc dường hô hấp, rối loạn hệ thần kinh thực vật. Bệnh nhân viêm xoang kèm theo viêm một số bộ phận khác.

Vệ sinh kém: Không năng rửa tay, rửa mặt, không vệ sinh cá nhân đầy đủ, vi khuẩn sẽ vào mũi, gây viêm mũi, sau đó viêm xoang.

Do viêm mũi sau nhiễm siêu vi (cúm, sởi…), bị bội nhiễm, viêm mũi dị ứng kéo dài hoặc do tình trạng vẹo vách ngăn. Có trường hợp viêm xoang là hậu quả của sâu răng, nhiễm trùng răng hàm trên.

Viêm xoang triệu chứng như thế nào?


Đau là triệu chứng thường gặp nhất của viêm xoang. Tùy thuộc vị trí xoang bị viêm mà vị trí đau thay đổi: Đau vùng trán, đau vùng má hay hàm trên, đau sau hốc mắt, đau ở đỉnh đầu. Cơn đau tăng khi bệnh nhân nghiêng người về phía trước.

Bệnh nhân cũng thường bị nghẹt mũi, chất tiết mũi trở nên đặc và đục, ho vì nước mũi chảy xuống họng gây ngứa. Tùy theo tình trạng viêm mà bị nghẹt một hay cả hai bên mũi, nghẹt từng lúc hay liên tục, có khi mất khứu giác.

Người bệnh có thể sốt, đau nhức, mệt mỏi, đau răng, ngủ không yên giấc...

Biến chứng của viêm xoang


Viêm xoang cấp có thể điều trị khỏi được nếu người bệnh loại trừ hết nguyên nhân và dẫn lưu xoang tốt, tránh ứ đọng trong xoang. Bệnh cũng có thể chuyển thành viêm xoang mạn tính và hay tái phát nếu không được điều trị tốt.

Viêm xoang mạn tính tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và khả năng lao động.

Nếu bệnh viêm xoang không được tích cực điều trị, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

- Biến chứng mũi họng: Viêm mũi họng mạn tính là trường hợp rất hay gặp do viêm xoang mạn tính gây nên.

- Biến chứng đường hô hấp: Viêm thanh quản, viêm phế quản,…

- Biến chứng tai: Gây viêm tai giữa cấp.

- Biến chứng mắt: Gây viêm kết mạc, viêm bờ mi, viêm túi lệ, viêm tấy hoặc áp xe ổ mắt,…

- Biến chứng xương: Thường gặp ở trẻ em như viêm xương hàm trên, xương thái dương.

- Biến chứng nội sọ: Gây viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm màng não, áp xe não,…

Ngoài ra, viêm xoang nếu chủ quan không điều trị cũng có thể dẫn đến biến chứng viêm thận và viêm khớp,… Chính vì thế, nếu có những dấu hiệu của bệnh viêm xoang thì bạn nên nhanh chóng tiến hành thăm khám cũng như tích cực điều trị để phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Người bị viêm xoang thường gặp phải tình trạng chảy mũi, sổ mũi nhiều, đau vùng trán, đau vùng má hay hàm trên, đau sau hốc mắt, đau ở đỉnh đầu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Điều trị viêm xoang


Nguyên tắc điều trị xoang là làm xoang dẫn lưu tốt, kiểm soát hoặc loại trừ nguồn gốc của tình trạng viêm, làm giảm cơn đau.

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh nếu là viêm mũi xoang do vi trùng. Với những trường hợp viêm mũi xoang do cảm cúm nên dùng thuốc cảm thông thường như paracetamol, chlorpheniramine, giảm đau, thuốc chống dị ứng; phun khí dung hoặc thủ thuật Proezt (súc rửa xoang) để đưa dung dịch thuốc vào xoang sàng.

Bệnh nhân phải tuân thủ đúng liều lượng thuốc, thời gian điều trị, cũng như lời khuyên bác sĩ.  Nên uống nhiều nước giúp làm loãng chất tiết, dùng nước muối sinh lý rửa mũi, xông mũi bằng hơi nước nóng, đắp khăn nước ấm lên mặt cũng có thể làm dịu cơn đau...

Khi điều trị nội khoa bằng thuốc không bớt, bác sĩ sẽ chọc xoang hàm để rút mủ hoặc phẫu thuật để cắt polyp mũi, chỉnh hình vách ngăn, nạo xoang... Phổ biến hiện nay là phẫu thuật nội soi chức năng xoang, trong đó lối thông tự nhiên từ xoang được mở rộng cho phép dẫn lưu dịch tiết. Nếu nguyên nhân viêm xoang là dị ứng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn cách phòng tránh các yếu tố gây dị ứng. Trường hợp viêm mũi xoang do răng, cần phải nhổ răng gây bệnh.

Chữa viêm xoang đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các biến chứng do bệnh này gây ra. Trong đó, nhiều bệnh nhân để bệnh xoang nặng thêm vì rửa mũi không đúng cách. Đó là pha nước muối quá mặn hoặc quá ít khiến ảnh hưởng tới niêm mạc mũi trong quá trình sử dụng. Bên cạnh đó nguyên liệu muối không đảm bảo có thể gây nhiễm khuẩn khiến bệnh viêm xoang nặng thêm.

Ngoài ra, bệnh nhân thường hít dung dịch rửa mũi vào trong mà không xì ra ngoài khi rửa gây ảnh hưởng không tốt đến niêm mạc mũi. Bên cạnh đó, khi xì mũi nhiều bệnh nhân xì quá mạnh có thể gây ra tình trạng viêm tai giữa, đặc biệt ở trẻ em.

Vì vậy, bệnh nhân nên: Lựa chọn dung dịch muối sinh lý được bào chế sẵn và được bán tại các hiệu thuốc Tây có thể dưới dạng lọ rửa hoặc lọ xịt. Nồng độ muối cần đảm bảo đẳng trương với môi trường niêm mạc mũi. Nồng độ khuyến cáo nên là 0.9 %.

Viêm xoang mũi không nên ăn gì?


Người bị bệnh viêm xoang cần lưu ý những loại thực phẩm, đồ uống không tốt đối với bệnh của mình như: Sữa và các sản phẩm từ sữa bởi nó có thể làm tăng chất nhầy gây tắc mũi; Đồ ăn cay; Đồ uống có cồn. Ngoài ra, bị viêm xoang không nên ăn đêm vì việc ăn quá muộn, lại đi ngủ ngay có thể gây ra hiện tượng trào ngược a-xít lên khoang mũi, việc này sẽ khiến bệnh thêm nặng.

Minh Nguyệt (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X