Hotline 24/7
08983-08983

Viêm vùng chậu - "thủ phạm" của vô sinh, hiếm muộn

Viêm vùng chậu là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ tuổi sinh sản.

Thuật ngữ viêm vùng chậu cũng được giới y khoa dùng để chỉ biến chứng nghiêm trọng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm trùng tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng. Vậy bệnh này ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe sinh sản của chị em? TS.BS Huỳnh Thị Thu Thủy - Nguyên Phó giám đốc BV Từ Dũ TPHCM, sẽ giải đáp những thắc mắc xung quanh vấn đề này.

Viêm vùng chậu (VVC) là bệnh gì? Trong trường hợp chậm điều trị hoặc không điều trị, điều gì sẽ xảy ra, thưa BS?

- VVC là bệnh lý thứ phát, xảy ra sau khi bị viêm nhiễm từ các cơ quan khác như viêm phần phụ, viêm tử cung... hoặc từ sau nhiễm trùng máu. Nói cách khác, VVC là một dạng nhiễm trùng của tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng, là hệ quả khi vi khuẩn đi từ âm đạo đến cổ tử cung và vào hệ thống sinh sản. Nếu không điều trị, tình trạng này có thể làm giảm khả năng sinh sản mà di chứng để lại là hiếm muộn, vô sinh vì lý do dính - tắc ống dẫn trứng hoặc tăng nguy cơ bị thai ngoài tử cung…

Xin BS nói rõ hơn về "cơ chế" gây vô sinh, hiếm muộn của căn bệnh. Nhiều người cho biết, họ đã điều trị khỏi bệnh VVC nhưng vẫn khó có con. Điều này được lý giải ra sao?

- Cơ chế VVC dẫn tới hiếm muộn, vô sinh thường xuất phát từ viêm âm đạo: Nhiễm trùng âm đạo thường do lây lan sau giao hợp hoặc do vệ sinh không tốt, vi khuẩn từ âm đạo xâm nhập vào tử cung, đến hai ống dẫn trứng và đi đến vùng chậu trong ổ bụng.

Phản ứng của cơ thể sẽ thành lập các dãy xơ để khu trú vi trùng, bao vây vi trùng lại, không cho xâm nhập cao hơn đến toàn thể ổ bụng. Tuy nhiên, do sức bảo vệ của cơ thể có thể không tốt và mang tính tạm thời, vi trùng có thể tấn công gây viêm toàn ổ bụng gọi là viêmphúc mạc.

Nếu điều trị khỏi thì những dãy xơ đó vẫn tồn tại, gây dính các cơ quan trong ổ bụng, trong đó có tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng. Khi buồng trứng bị viêm dính thì nang noãn được phóng ra hàng tháng sẽ bị các dây dính bít lại, không đến được ống dẫn trứng, đồng thời ống dẫn trứng cũng bị các dây dính trói lại, không thể đón bắt trứng để thụ tinh.

Vậy nguyên nhân chủ yếu gây VVC có phải do bệnh lây truyền qua đường tình dục? Độ tuổi nào, đối tượng nào dễ mắc bệnh này nhất?

- Nguyên nhân gây VVC là do viêm âm đạo do lậu, Trichomonas, Chlammydia... tất cả những "tác nhân" này đều được lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, VVC còn do tạp khuẩn trong trường hợp suy giảm miễn dịch.

Từ âm đạo, vi trùng xâm nhập vào tử cung, ống dẫn trứng và vùng chậu. VVC cũng có nguyên nhân từ sau một nhiễm trùng hậu sản như từ các thủ thuật nạo hút thai, các thủ thuật trên âm đạo, cổ tử cung…

Bệnh VVC thường gặp ở phụ nữ tuổi sinh sản, có quan hệ tình dục. Nhưng nhóm nguy cơ cao lại rơi vào những người có hoạt động tình dục sớm, quan hệ với nhiều bạn tình mà không sử dụng các biện pháp ngừa thai. Những bệnh nhân có tiền sử viêm cổ tử cung mà điều trị không triệt để, tái phát nhiều lần cũng có nguy cơ VVC.

Các cơn đau ở vùng bụng dưới rốn có phải là dấu hiệu cảnh báo bệnh VVC không, thưa BS?

- Đau bụng, nhất là vùng hạ vị, sốt cao kèm theo ra khí hư như mủ hoặc rong kinh, rong huyết, chính là các dấu hiệu báo bệnh VVC. Trong trường hợp VVC mãn tính do khi viêm cấp tính điều trị chưa khỏi hẳn, người bệnh sẽ đau lâm râm vùng hạ vị dưới rốn. Cơn đau âm ỉ và kéo dài liên tục, kèm theo khó chịu buồn nôn, ăn uống kém, khí hư, rong kinh, rong huyết.

Khi có các triệu chứng như trên, bệnh nhân nên đi khám bệnh, nhưng tốt nhất khám và điều trị khi còn viêm âm đạo, tức có triệu chứng khí hư và đau bụng.

Bệnh VVC có thể được chữa khỏi hoàn toàn không?

- VVC thường được chẩn đoán qua thăm khám lâm sàng, siêu âm và xét nghiệm máu. Để điều trị, bệnh nhân phải dùng kháng sinh liều cao kéo dài và nâng đỡ cơ thể. Bệnh có thể chữa khỏi nhưng thường để lại di chứng hiếm muộn, đau bụng mãn tính do dính vùng chậu, viêm vùng chậu mãn.

Được biết, sau VVC, phụ nữ có nguy cơ cao bị thai ngoài tử cung (túi thai ở bên ngoài tử cung). Có cách nào giúp người bệnh thoát khỏi tình cảnh này không?

- Khi VVC, ống dẫn trứng bị tắc hoặc bị hẹp nên người bệnh có thể bị thai ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung khi bị vỡ sẽ rất nguy hiểm, gây chảy máu trong ổ bụng và có thể tử vong nếu không được mổ kịp thời. Vấn đề là cần kiên trì điều trị VVC và sau khi điều trị phải kiểm tra phụ khoa thường xuyên, đồng thời tránh tình dục không an toàn.

Việc phòng bệnh ra sao? Trong quá trình điều trị, chuyện chăn gối có ảnh hưởng không? Vệ sinh bằng cách thụt rửa âm đạo thường xuyên hay đặt thuốc âm đạo có giúp phòng ngừa bệnh này không, thưa BS?

- Phòng ngừa VVC: Vệ sinh vùng kín đúng cách, sinh hoạt tình dục an toàn, lành mạnh. Kiểm tra sức khỏe, khám phụ khoa định kỳ hoặc khi có dấu hiệu bất thường như đau bụng dưới, khí hư, rong kinh, rong huyết.

Do bệnh VVC lây truyền qua đường tình dục nên cần điều trị đồng thời cho bạn tình. Khi nào cả hai cùng hết bệnh mới nghĩ đến chuyệnchăn gối.

Không được thụt rửa âm đạo, vì khi thụt rửa sẽ đẩy vi trùng vào sâu hơn và có thể gây xuất huyết, thuyên tắc khí, rối loạn môi trường âm đạo. Càng không nên tự ý đặt thuốc âm đạo khi chưa có chỉ định của BS sản khoa.

Xin cám ơn BS.

Theo Thiên Nga - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X