Hotline 24/7
08983-08983

Viêm tai giữa: Nhẹ thì nghe kém, liệt mặt, nặng có thể tử vong

Viêm tai giữa nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng, nhẹ thì nghe kém, liệt mặt, nặng thì viêm màng não, viêm não, áp xe não, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên... có thể gây tử vong.

Viêm tai giữa là gì?


Viêm tai giữa là một nhóm các bệnh ở tai giữa, là tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện trong tai giữa do các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong tai hoặc từ bên ngoài môi trường xâm nhập vào gây nên. Bệnh còn được gọi với cái tên khác là nhiễm trùng tai giữa.

Hiện tượng viêm tai giữa cấp tính có thể chuyển dần thành viêm tai giữa có mủ, chảy mủ hoặc thành dịch nếu không có biện pháp xử lý đúng cách.

Theo thống kê, tại Việt Nam có khoảng 12% dân số bị viêm tai giữa, trong đó có tới 80% bệnh nhân là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông và đầu mùa xuân. Có một số trường hợp bệnh viêm tai giữa sẽ tự khỏi mà không cần uống thuốc. Tuy nhiên, khi cơn đau nhức vùng tai kéo dài trên 2 ngày và kèm theo dấu hiệu bị sốt thì cần phải đưa người bệnh đi thăm khám, kiểm tra ngay.

Vì sao viêm tai giữa trẻ em lại dễ gặp ở người lớn?


Bệnh viêm tai giữa thường xảy ra nhiều hơn ở trẻ em và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời. 

Nếu như viêm tai giữa ở người lớn là do việc dùng vật nhọn để ngoáy và khiến vùng tai giữa bị tổn thương hoặc do bị nhiễm nhuẩn từ một số bệnh khác như viêm tai ngoài, viêm mũi, viêm xoang, viêm phổi… thì ở trẻ em nguyên nhân chủ yếu là do cấu tạo vòi nhĩ lúc này phát triển chưa đầy đủ, kích thước ngắn. Vì thế, các loại vi khuẩn, dịch tiết ở họng, mũi dễ lan đến tai và gây bệnh. Bên cạnh đó, nếu như trẻ bị các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm mũi… thì cũng sẽ tạo điều kiện cho một số loại vi khuẩn xâm nhập lên vùng tai giữa và gây bệnh.

Ngoài ra, ở người lớn nếu làm việc trong các môi trường bụi bẩn, tắm ở nguồn nước không đảm bảo, hay bị nước vào tai khi đi bơi cũng sẽ có nguy cơ bị viêm tai giữa cao.

Hiện tượng viêm tai giữa cấp tính có thể chuyển dần thành viêm tai giữa có mủ, chảy mủ hoặc thành dịch nếu không có biện pháp xử lý đúng cách. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Triệu chứng viêm tai giữa


Trẻ nhỏ bị viêm tai giữa sẽ sốt cao từ 39 đến 40 độ C. Cùng với đó là các biểu hiện như thường xuyên quấy khóc, nôn trớ, chán ăn, hay kéo, giật tai vì tai giữa bị đọng nhiều dịch. Khả năng thính giác cũng sẽ bị giảm sút, phần lớn các bé sẽ không có phản ứng nhanh với những âm thanh xung quanh.

Đối với người lớn, khi bị viêm tai giữa sẽ có các triệu chứng như:

Đau tai: Đây là dấu hiệu đặc trưng và thường thấy nhất ở những người bị viêm tai giữa. Cảm giác đau tai sẽ xuất hiện nhiều lần trong ngày, đôi khi có cảm giác nhói, giật giật bên tai rất khó chịu. Tình trạng đau có thể lan lên đầu, làm cho một hoặc cả hai bên tai tê cứng, sờ vào cảm thấy nóng, hơi sưng.

Ù tai: Dấu hiệu này xuất hiện không nhiều, thường thì người bệnh sẽ cảm thấy trong tai có các tiếng ù ù, ong ong như tiếng gió thổi, nhiều nhất là sau khi hắt hơi, hắt xì, xì mũi.

Giảm thính lực: Do vùng tai giữa có các dịch mủ, chúng sẽ che khuất đường truyền của âm thanh cho nên người bị viêm tai giữa sẽ có cảm giác khó nghe. Thông thường, triệu chứng này chỉ xảy ra ở 1 bên tai.

Chảy dịch mủ tai: Dịch mủ trong tai sẽ rỉ, chảy ra bên ngoài theo từng đợt hoặc theo ngày, nhất là khi thời tiết thay đổi. Dịch mủ có màu vàng, trong trường hợp viêm tai xương chủm thì mủ sẽ có mùi khó chịu. Nếu có dấu hiệu này thì bạn có thể chắc chắn mình đã bị viêm tai giữa và cần đi thăm khám ngay để tránh các biến chứng phức tạp, nguy hiểm xảy ra.

Biến chứng của viêm tai giữa


Viêm tai giữa điều trị sớm và kịp thời sẽ khỏi hoàn toàn không để lại bất cứ di chứng nào; ngược lại, sẽ dẫn đến nghe kém, liệt mặt, nguy hiểm hơn là các biến chứng nội sọ như viêm màng não, viêm não, áp xe não, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên... có thể gây tử vong.

Bệnh lý viêm tai giữa có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như thủng nhĩ không hàn lại, xơ nhĩ, xẹp nhĩ, túi co kéo, cholesteatoma tiêu chuỗi xương con gây nghe kém đặc biệt ở trẻ em, ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngôn ngữ, phát triển trí não của trẻ.

Viêm tai giữa mạn tính mủ gây ra các biến chứng như viêm xương chủm, viêm xương đá, viêm mê nhĩ, biến chứng thần kinh như liệt dây thần kinh mặt, nguy hiểm nhất là các biến chứng như viêm tắc tĩnh mạch bên, tĩnh mạch xoang hang, biến chứng nội sọ như viêm não, màng não, áp xe não… có thể dẫn đến tử vong.

Cách điều trị viêm tai giữa


Việc điều trị viêm tai giữa tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh. Trong đó, viêm tai giữa cấp thường được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn sung huyết, giai đoạn ứ mủ và giai đoạn vỡ mủ.

Nếu viêm tai giữa ở giai đoạn sung huyết chỉ cần điều trị nội khoa bằng kháng sinh toàn thân. Nếu viêm tai giữa chuyển sang giai đoạn ứ mủ thì việc trích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ được cân nhắc sử dụng đồng thời với các thuốc điều trị toàn thân khác như trong giai đoạn sung huyết.

Nếu viêm tai giữa đi qua hai giai đoạn này, dịch mủ ứ đọng trong tai giữa sẽ tự phá vỡ phần mỏng nhất của màng nhĩ chảy ra ngoài qua ống tai ngoài. Lúc này màng nhĩ bị thủng. Giai đoạn này thì việc điều trị bằng cách làm thuốc tai rất có ý nghĩa.

Viêm tai giữa kiêng ăn gì?


Với người lớn:

- Tránh sử dụng các chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá...

- Không nhai kẹo cao su hoặc các thực phẩm cần phải hoạt động nhai nhiều.

- Không ăn những loại thực phẩm khô cứng vì những loại thực phẩm này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến vùng tai giữa của người bệnh, đồng thời làm tình trạng đau đớn tăng lên.

- Không ăn những loại thực phẩm có khả năng làm tăng lượng đường huyết một cách đột ngột như là bánh kẹo ngọt, bánh mì,...

- Không dùng thực phẩm xào hoặc chiên rán quá nhiều dầu mỡ, vì những loại thực phẩm này sẽ làm tăng sự đau đớn.

Nguyên nhân gây viêm tai giữa ở trẻ em chủ yếu là do cấu tạo vòi nhĩ lúc này phát triển chưa đầy đủ, kích thước ngắn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Với trẻ nhỏ:

- Đồ ăn có nhiều đường: Tiêu thụ quá nhiều đường có thể ức chế hệ thống miễn dịch, do đó giảm khả năng đề kháng với vi khuẩn. Vì vậy giảm đường trong chế độ ăn uống sẽ cải thiện chức năng miễn dịch và có thể làm giảm nguy cơ lâu dài của viêm tai giữa. Bố mẹ nên hạn chế cho bé ăn các loại thực phẩm nhiều đường khi bị viêm tai giữa như bánh, kẹo, kem…

- Đồ ăn gây dị ứng như lúa mì, sữa, ngô, trứng và đậu nành cũng có thể là nguyên nhân khiến cho tình trạng viêm tai giữa nặng thêm.

- Kiêng cho trẻ ăn những loại thực phẩm cứng, dai hoặc những loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, quá ngọt khiến cho đờm vướng ở họng. Đồ ăn cay nóng, đồ ăn có lượng carbohydrate cao và các sản phẩm từ sữa cũng có thể khiến tai bé bị viêm nhiễm nghiêm trọng.

- Không cho trẻ ăn các loại thực phẩm làm kích thích tạo mủ hoặc làm tăng tình trạng đau nhức như là: Đồ nếp, đồ hải sản, tôm cua, thịt đỏ...

Hồng Anh (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X