Hotline 24/7
08983-08983

Viêm phế quản cấp, khi nào dùng kháng sinh?

Bài viết không cung cấp các lời khuyên, chẩn đoán, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Nôi dung chỉ có tính chất tham khảo, thuận tiện cho việc tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán, các phương pháp điều trị y khoa. Thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và dùng thuốc an toàn.

Việc dùng thuốc điều trị bệnh này như thế nào cho hợp lý, hiệu quả...

Nguyên nhân gây viêm phế quản cấp có thể do virut (chiếm tới 50 - 90% các trường hợp viêm phế quản cấp), do vi khuẩn (ít gặp hơn các trường hợp viêm phế quản cấp do virut) và một số nguyên nhân khác như hít phải hơi độc (khói thuốc lá, chlor, amoniac, acid, dung môi công nghiệp), yếu tố dị ứng (viêm phế quản cấp xảy ra ở trẻ em giống như cơn hen phế quản, viêm phế quản cấp cũng hay xảy ra ở bệnh nhân hen, nổi mày đay, phù Quinck).

Viêm phế quản cấp, khi nào dùng kháng sinh?

​Viêm phế quản cấp thường xuất hiện nhiều vào mùa đông xuân.

Viêm phế quản cấp thường khởi phát với các triệu chứng của viêm long đường hô hấp trên như sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng. Đôi khi bệnh xuất hiện với các triệu chứng rầm rộ: sốt cao, nhiệt độ có thể tới 39 - 40oC, người bệnh ho nhiều, ho khan hoặc khạc đờm trắng, đờm đục như mủ, đờm có màu xanh, màu vàng, cũng có thể gặp trường hợp ho khạc đờm lẫn ít máu.

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp đều được điều trị ngoại trú, nhiều bệnh nhân, do không được phát hiện và điều trị kịp thời nên bệnh diễn biến nặng, có thể gây tử vong.

Dùng kháng sinh khi nào?

Để có được chế độ điều trị phù hợp, bạn cần đến bác sĩ để khám bệnh. Quyết định điều trị thường được xác định dựa trên mức độ nặng của triệu chứng và định hướng căn nguyên gây bệnh.

Chỉ nên dùng kháng sinh cho những trường hợp viêm phế quản cấp nghi do vi khuẩn. Vì việc sử dụng rộng rãi kháng sinh cho tất cả những trường hợp viêm phế quản sẽ làm tăng chi phí điều trị và tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc.

Cụ thể, các dấu hiệu hướng tới chẩn đoán viêm phế quản cấp do vi khuẩn thường bao gồm: người bệnh khạc đờm mủ, đờm màu xanh, đờm màu vàng; bệnh đã diễn biến quá 10 ngày; xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi tăng cao. Những trường hợp này có chỉ định dùng kháng sinh. Trong các yếu tố trên, việc nhìn màu sắc đờm cho đánh giá nhanh và khá chính xác. Chỉ khi đờm không cho phép xác định nguyên nhân nhiễm khuẩn hoặc thầy thuốc vẫn nghi ngờ căn nguyên nhiễm khuẩn, thì cần làm thêm các xét nghiệm để xác định căn nguyên gây bệnh.

Các kháng sinh thường dùng để điều trị viêm phế quản cấp thường bao gồm: nhóm betalactam, macrolide và quinolone.

Việc dùng loại kháng sinh nào, liều lượng, cách dùng, thời gian dùng trong bao lâu... phải do bác sĩ chỉ định. Người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối tránh các trường hợp tự ý thay đổi liều dùng, thời gian dùng, hoặc bỏ thuốc khi thấy bệnh lui mà không dùng hết liệu trình... những điều này sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh như ngộ độc thuốc (nếu tăng liều), bệnh không khỏi mà sẽ phức tạp hơn, nguy hiểm hơn, góp phần gây nên tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.

Ngược lại, những trường hợp bệnh nhân có sốt, đau đầu, đau mỏi người, đau rát họng, ho khan hoặc có khạc đờm trắng... thường là viêm phế quản cấp do virut, những trường hợp này không cần dùng kháng sinh, hay nói cách khác là dùng kháng sinh trong trường hợp này cũng không có tác dụng.

Điều trị triệu chứng

Dùng thuốc hạ sốt: chỉ nên dùng khi nhiệt độ trên 38,5oC. Không nên dùng thuốc hạ sốt chia đều trong ngày do sẽ làm mất triệu chứng sốt của người bệnh, gây khó khăn cho việc theo dõi diễn biến bệnh (không phân biệt được hết sốt do bệnh tiến triển tốt hay do dùng thuốc). Các thuốc hạ sốt thường hay sử dụng là những chế phẩm có chứa paracetamol như: panadol, efferalgan...

Bù nước và điện giải cho bệnh nhân: do người bệnh bị sốt nên có thể gây mất nước. Bệnh nhân nên được uống oresol hoặc nước hoa quả (có pha thêm muối).

Trường hợp có khó thở, nghe có tiếng rít có thể được điều trị thêm với các thuốc giãn phế quản như salbutamol (ventolin dạng xịt), hoặc theophyllin...

Viêm phế quản cấp có điều trị khỏi hoàn toàn được không?

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp đều được điều trị khỏi hoàn toàn. Nhiều trường hợp tự khỏi mà không cần điều trị. Những trường hợp viêm phế quản cấp do vi khuẩn cần được điều trị kháng sinh phù hợp. Còn những trường hợp do virut, có thể khỏi hoàn toàn mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, ban đầu là viêm phế quản do virut, nhưng do không được theo dõi, quản lý đúng cách do vậy có thể bội nhiễm thêm vi khuẩn.

Khi không được điều trị đúng và đầy đủ, viêm phế quản cấp có thể dẫn tới viêm phổi, áp-xe phổi, tràn mủ màng phổi... khi đó việc điều trị thường khó khăn hơn và tiên lượng bệnh cũng nặng hơn.

Theo TS. Nguyễn Thanh Hồi - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X