Hotline 24/7
08983-08983

Viêm nang lông ở 'cậu nhỏ'

Tôi 28 tuổi, 3 năm nay xuất hiện những đám mụn nước ở "cậu nhỏ" rất ngứa. Tôi khám ở bệnh viện da liễu được chẩn đoán bị viêm nang lông.

Bác sĩ cho thuốc về uống nhưng tôi vẫn không khỏi. Tôi rất lo lắng. Rất mong nhận được tư vấn của bác sĩ. (Đức Hải)

Chào bạn,

Viêm nang lông biểu hiện với nhiều tổn thương đa dạng có thể là các dạng mụn nước, mụn mủ, sẩn ngứa, hoặc xen kẽ giữa những tổn thương này với nhau. Thông thường viêm nang lông có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, có thể do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hay nhiễm các loại ký sinh trùng…

bad-man-2168-1401675607.jpg

Ảnh minh họa: Thechart.blogs.cnn.com.

Có nhiều yếu tố thuận lợi làm cho da vùng kín rất dễ bị mắc viêm nang lông, đồng thời hay bị tái đi tái lại. Đó là tình trạng vệ sinh da vùng kín không tốt, da vùng kín hay để ẩm thấp, sử dụng các chất tẩy rửa da không phù hợp và đúng cách...

Bạn đã đi khám đúng chuyên khoa và được bác sĩ kết luận là viêm nang lông. Tuy nhiên, bạn đã dùng thuốc rồi mà vẫn chưa khỏi. Ở đây bạn không đề cập đến việc bác sĩ đưa ra nguyên nhân cụ thể là gì, nhưng tôi tin rằng bạn đã được kê thuốc vừa để điều trị nguyên nhân gây bệnh vừa điều trị các triệu chứng.

Việc dùng thuốc của bạn hiện chưa có kết quả có thể do nhiều lý do, nhưng một lý do chúng tôi hay gặp trong thực tế điều trị là người bệnh dùng lượng thuốc chưa đủ thời gian, kết hợp với việc vệ sinh không tốt.

Nhiều trường hợp để bệnh kéo dài, không chủ động đi chữa sớm và khi đi chữa rồi thì luôn tin rằng khám bệnh dùng thuốc một lần là khỏi hoàn toàn mà không để ý tới lời dặn của bác sĩ là tái khám và cách họ hướng dẫn chăm sóc vệ sinh da tại chỗ như thế nào. Bệnh của bạn đã kéo dài 3 năm, các tổn thương da trở nên rất phức tạp, các tổn thương đan xen giữa những nốt mụn do các lỗ chân lông bị ứ nước, mủ là những mảng da xơ sẹo, sẩn cục...

Những tổn thương như thế sẽ là điều kiện rất tốt cho các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng trú ngụ, né tránh tác động của thuốc bạn dùng. Hơn nữa với việc dùng thuốc không đủ thời gian, các tác nhân gây bệnh sẽ quen chịu đựng để đối phó với các thuốc bạn đưa vào. Điều này kết hợp với việc khi tổ chức bề mặt da bị dày sừng, xơ sẹo thuốc sẽ rất khó ngấm vào sâu để tiêu diệt các tác nhân này, do đó nó lại càng làm cho tình trạng trơ với thuốc tăng lên, khiến công việc điều trị cho những người bệnh này càng trở nên khó khăn hơn.

Như với trường hợp của bạn, theo tôi, bạn nên đến khám lại bác sĩ da liễu đã điều trị lần trước để được đánh giá lại và điều chỉnh thuốc, liều lượng thời gian hợp lý. Đồng thời cũng lưu ý với bạn rằng, dùng thuốc mà không kết hợp với các biện pháp chăm sóc da khác như làm sạch, khô, thoáng vùng tổn thương thì sẽ không thể khỏi dứt điểm được với bệnh này ở da khu vực vùng kín.

Chúc bạn mau khỏi.

AloBacsi.vn
Theo BS Nguyễn Bá Hưng - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X