Hotline 24/7
08983-08983

Viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, cần lưu ý những gì?

Mới đây đi khám, siêu âm, xét nghiệm máu và nội soi thì bác sĩ kết luận em bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP. Bệnh này có dễ lây cho người nhà?.

Chào bác sĩ,

Em năm nay 28 tuổi. Mới đây đi khám, siêu âm, xét nghiệm máu và nội soi thì bác sĩ kết luận em bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP. Bác sĩ đã kê đơn cho em: Sucrate gel 5ml; Servamox 500mg; Nexium 400mg và Klacid Forte 500mg uống trong vòng 2 tuần.

Bác sĩ cho em hỏi, vi khuẩn HP là gì? Nó nguy hiểm như thế nào? Bệnh này có dễ lây cho người nhà không? Làm cách nào để hạn chế lây cho người nhà (nhà em có trẻ con)? Người nhà em có cần phải đi làm xét nghiệm để biết có nhiễm vi khuẩn HP không? Với đơn thuốc như trên thì em cần sắp xếp uống như thế nào để thuốc có tác dụng tốt nhất?
 (Thu Huong - TPHCM)

Thu Hương thân mến,

Helicobacter pylori (gọi tắt là HP) là một loại vi khuẩn cư trú ở dạ dày của trên 50% dân số thế giới và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến loét dạ dày tá tràng, và ung thư dạ dày (Lymphoma. Adenocarcinoma). Viêm Dạ dày do HP lây lan theo đường tiêu hóa bao gồm:

- Đường miệng - miệng: HP được tìm thấy trong nước bọt và cao răng của người bệnh. Vi khuẩn HP theo dịch tiết dạ dày qua đường nước bọt và lây từ người này sang người khác thông qua nước bọt từ đồ dùng vệ sinh cá nhân, dùng chung chén bát đũa muỗng, hôn trực tiếp, mẹ nhai mớm cơm cho con ăn. Trẻ em có thể lây cho nhau hoặc cho người tiếp xúc với trẻ nếu tiếp xúc với chất nôn ói của trẻ bị nhiễm vi trùng HP.

- Đường phân - miệng: HP có trong phân của người bệnh, vi khuẩn theo phân lây sang người khác do không vệ sinh tay sạch sau khi đi tiêu và trước khi ăn hay qua trung gian côn trùng như ruồi, gián... khi thức ăn không đậy kỹ.

- Đường dạ dày - miệng: vi khuẩn HP có trong dịch dạ dày nên có thể lây lan từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác khi sử dụng các ống nội soi dạ dày chưa vô trùng tốt.

Để tránh lây lan cho những người thân trong gia đình (trong đó có trẻ em) thì khi phát hiện mình nhiễm HP, em cần:

- Đậy kỹ thức ăn tránh dán, ruồi, côn trùng đậu vào… để phòng lây qua đường phân - miệng mà trung gian là những côn trùng.

- Vệ sinh rửa tay đúng cách sau khi đi tiêu và trước khi ăn.

- Dùng các vật dùng sinh hoạt cá nhân khi ăn uống như chén, đũa, muỗng, ly tách… riêng, sạch sẽ. Tránh dùng đũa gắp thức ăn chung, hay dùng chung nước chấm.

- Tránh thói quen mớm, đút cơm cho con.

- Động viên người thân đi xét nghiệm tìm HP nếu như trong nhà có người bị nhiễm HP để điều trị đồng thời cho cả gia đình, nhằm cắt đứt nguồn lây.

Muốn việc điều trị có hiệu quả thì việc phòng ngừa tái nhiễm cần được thực hiện tốt.

Em đang được điều trị theo phác đồ gồm 2 kháng sinh (Servamox 500mg, Klacid Forte 500mg), thuốc ức chế bơm Proton (Nexium 40mg) và thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày(Sucrate gel 5ml). Khi sử dụng, em cần lưu ý Nexium uống 1 ngày 2 lần và uống trước bữa ăn 30 phút, còn Sucrate nên uống 1 giờ trước bữa ăn.

Chúc em mau khỏi bệnh!

BS-CK1 Nguyễn Minh Thu


AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X