Hotline 24/7
08983-08983

Viêm kết mạc dị ứng

Tháng 4, 5, 6 và 7 là những tháng đỉnh điểm hoành hành của căn bệnh viêm kết mạc dị ứng.

Bởi lẽ các dị nguyên như phấn hoa, bụi cỏ, nấm mốc sẽ đạt đậm độ cao nhất trong môi trường. Bên cạnh đó là nhiệt độ và độ ẩm dao động mạnh.

Tất cả bệnh nhân đều khiếp sợ kiểu thời tiết trước cơn mưa. Ở xứ nhiệt đới nóng ẩm như nước ta, tỷ lệ căn bệnh này rất cao.

Thêm nữa có tới 90% bệnh nhân sẽ kèm thêm những bệnh lý dị ứng tại các cơ quan khác như viêm mũi – xoang dị ứng, hen suyễn, người bệnh thường có ngứa mắt, sổ mũi, hắt hơi, khó thở… Chỉ có 10% “may mắn” là bị dị ứng đơn thuần tại mắt.


Các hình thái lâm sàng của viêm kết mạc dị ứng bao gồm: viêm kết mạc theo mùa, viêm kết mạc mùa xuân, viêm kết mạc cơ địa, viêm kết mạc có nhú khổng lồ. Thể viêm kết mạc theo mùa hay gặp nhất và có xu hướng tiến triển thành viêm kết mạc quanh năm, mạn tính.

Viêm kết mạc mùa xuân dai dẳng và khó điều trị nhất. Viêm kết mạc cơ địa đi kèm với viêm da cơ địa, còn viêm có nhú khổng lồ lại xảy ra ở những người mang kính tiếp xúc.

Điều đặc biệt là viêm kết mạc dị ứng hay đi kèm với khô mắt. Mối liên hệ bệnh lý giữa chúng khá phức tạp, đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả còn đang tranh cãi.

Vì thế, biểu hiện chủ quan của viêm kết mạc dị ứng rất đa dạng: nhìn mờ nhất thời; cảm giác khô rát; khó mở mắt buổi sáng; thấy bất ổn khi đeo kính tiếp xúc; chảy nước mắt, ra gỉ nhiều; mắt bị ngứa, kích thích; cảm giác có sạn trong mắt; sợ sáng. 80% bệnh nhân than phiền là ngứa mắt không chịu nổi, bắt buộc phải day dụi hoặc gãi. Đây là điểm then chốt trong chẩn đoán.

Khi thăm khám, các bác sĩ mắt có thể phát hiện thấy các tổn thương từ nhẹ đến nặng tuỳ vào hình thái lâm sàng, có biến chứng hay chưa. Nhẹ thì phù kết mạc hay cương tụ kết mạc khu trú, chủ yếu là mi dưới, có thể có bọng kết mạc. Nặng hơn là phù toàn bộ diện kết mạc sụn, có nhú viêm. Giác mạc có thể viêm vùng rìa, có tân mạch, loét vô khuẩn hình khiên.

Biến chứng gây giảm thị lực chỉ do sẹo hay loét giác mạc. Thế nhưng dùng thuốc không có kiểm soát  lại gây ra vô số nguy hiểm cho mắt, đôi khi là vô phương cứu chữa: glôcôm do corticoid, đục thể thuỷ tinh, nhiễm khuẩn cơ hội hay phối hợp.

Điều trị viêm kết mạc dị ứng không chỉ dựa vào thuốc men mà phải là giải pháp tổng thể, kiên trì, đôi khi tốn kém nữa.
Viêm kết mạc dị ứng dễ nhầm với bệnh gì?

Chẩn đoán thường chỉ dựa vào hỏi bệnh và lâm sàng, hầu như không cần xét nghiệm labo. Tuy nhiên cũng nên thận trọng để khỏi chẩn đoán nhầm với một số bệnh khác như viêm bờ mi cơ địa, viêm kết mạc do chlamydia hoặc virut, viêm củng mạc và thượng củng mạc, viêm giác mạc rìa do tụ cầu, pemphigoide mắt.

Giải pháp về môi trường: Tránh tiếp xúc với dị nguyên; Tìm hiểu về địa lý học xem vùng bạn sinh sống có những dị nguyên gì, nên ở trong nhà nhiều hơn vào mùa có nhiều dị nguyên; Năng xem thời tiết: mùa nhiều gió khiến dị nguyên gây bệnh mạnh hơn, mùa mưa làm trôi đi phấn hoa, bụi bẩn có thể làm bệnh dịu đi, đừng nên dậy sớm quá vì phấn hoa có đậm độ rất cao vào đầu ngày; Năng đeo kính bảo vệ mắt, vệ sinh cá nhân tốt, đừng day dụi mắt, thận trọng khi dùng hoá chất, mỹ phẩm; Làm sạch không khí, không lạm dụng kính tiếp xúc.

Giải pháp thuốc men: Thuốc men giúp bạn sống thoải mái hơn với dị ứng chứ không giải quyết tận gốc vấn đề. Đa phần các bệnh nhân hài lòng với các thuốc kháng histamin và bền màng mastocyte. Kết hợp với nước mắt nhân tạo các loại, các sản phẩm bôi trơn bề mặt nhãn cầu luôn là sự lựa chọn đúng cho căn bệnh này, vừa điều trị dị ứng, vừa chống khô mắt.

Các sản phẩm có corticoid không nên dùng liên tục hay kéo dài, thêm nữa phải luôn thận trọng với các biến chứng của chúng như: glôcôm, đục thể thuỷ tinh. Rất ít bệnh nhân phải dùng thuốc đường toàn thân trừ phi họ bị kèm theo viêm mũi xoang hay hen suyễn.

AloBacsi.vn
Theo Sức khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X