Hotline 24/7
08983-08983

Viêm họng hạt: Dễ gặp, khó trị, thường xuyên tái phát

Viêm họng hạt là bệnh rất dễ tái phát và tiến triển thành mãn tính. Ban đầu, nó âm thầm tiếp cận cơ thể, nếu ta dễ dãi để bị “bắt nạt”, dần dần sẽ biến chứng thành áp-xe hoặc viêm tấy cổ họng, viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang... Trong đó, ung thư vòm họng là biến chứng nguy hiểm nhất của căn bệnh này.

Viêm họng hạt là gì?


Viêm họng hạt là một thể mãn tính, quá phát của bệnh viêm họng. Đây là tình trạng vùng họng bị viêm nhiễm kéo dài, liên tục dẫn đến các mô lympho ở thành sau họng phình lên. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai, trong đó phổ biến nhất là trẻ em hay những người có cơ địa yếu.

Nguyên nhân gây viêm họng hạt


Nguyên nhân thường gặp là do viêm mũi xoang mạn tính làm dịch chảy từ các xoang xuống thành sau họng khiến niêm mạc thành sau họng bị lớp chất nhầy bao phủ, không thực hiện được chức năng làm sạch. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập làm họng viêm và bắt đầu xuất hiện hạt ở thành sau họng; viêm amidan mạn tính, dù bệnh nhân có điều trị viêm amidan bằng cách phẫu thuật thì viêm họng hạt vẫn có thể xuất hiện, thậm chí nhiều hơn do các lympho ở thành sau họng sẽ phát triển để bù đắp vào phần đã bị cắt bỏ.

Ngoài ra, viêm họng còn xảy ra do ăn nhiều đồ ăn cay nóng, làm việc trong môi trường ô nhiễm độc hại, do hội chứng trào ngược dạ dày, suy gan, rối loạn dạ dày.

Hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu không chỉ ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng như gan, thận,… mà còn khiến hệ hô hấp trực tiếp bị “bào mòn”. Lạm dụng các loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh khiến sức đề kháng của cơ thể suy giảm, dễ mắc bệnh về tai - mũi - họng hơn.

Viêm họng hạt là một dấu hiệu chứng tỏ họng của bạn đã bị viêm nhiễm khá nhiều. Khi đó, các tổ chức bạch huyết rơi vào trạng thái nhạy cảm, yếu ớt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Làm sao nhận biết viêm họng hạt?


Viêm họng hạt triệu chứng của nó bao gồm:

- Cổ họng đỏ lên, đau rát là triệu chứng viêm họng hạt đầu tiên.

- Xuất hiện những hạt trong họng, nhiều kích thước khác nhau và thường mọc thành cụm. Những hạt này chính là mô lympo đã bị tổn thương.

- Cảm giác đau đớn, ngứa ngáy và vướng ở cổ họng. Người bệnh thường sẽ cố nuốt nước bọt, ăn hoặc uống thật nhiều để giảm thiểu cảm giác khó chịu, nhưng như vậy chỉ khiến những hạt này bị kích thích, gây ngứa dữ dội hơn mà thôi.

- Ho khan, ho không đờm, ho có đờm tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người.

- Đôi khi triệu chứng viêm họng hạt sẽ có cả sốt nhẹ.

- Tình trạng xuất hiện hạch ở cổ họng cũng khá thường gặp. Khi sờ vào hạch sẽ có cảm giác cứng, đau đớn và chúng chỉ biến mất khi đã điều trị thành công.

- Một số biểu hiện đi kèm viêm họng hạt là mệt mỏi, chán ăn, thiếu nước, sổ mũi,…

Viêm họng hạt có nguy hiểm không?


Viêm họng hạt có nguy hiểm không, có diễn tiến hành ung thư không?... là nỗi lo rất thường gặp. Bởi ngày nay, 2 từ “ung thư” đã quá “ám ảnh” với nhiều người.

Về bản chất, bệnh viêm họng hạt là một bệnh lành tính, mặc dù thường gây ra tình trạng khó chịu nhưng không nguy hiểm. Nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: áp-xe vòm họng, viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang. Khi tình trạng viêm họng trở nên nặng có thể gây ra viêm ngoài màng tim, viêm khớp… Nếu để tình trạng viêm họng hạt kéo dài làm cho họng sưng to, ho kéo dài, thậm chí là ho ra máu, khạc ra nhiều đờm, thường xuyên bị đau đầu dữ dội…, bệnh có thể biến chứng dẫn đến ung thư vòm họng.

Điều trị viêm họng hạt bằng thuốc tây


Đối với bệnh nhân viêm họng hạt thường được bác sĩ kê thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm, thuốc chống phù nề và thuốc long đờm.

Ưu điểm: Bệnh nhân sẽ có cảm giác đỡ nhanh, thuốc dễ sử dụng nhưng bệnh không khỏi triệt để, nhanh tái phát, thường xảy ra hiện tượng nhờn thuốc kháng sinh vì vậy hiệu quả điều trị sẽ giảm dần, hay nói cách khác kháng sinh sẽ phải dùng liều mạnh và lớn hơn sau mỗi lần điều trị tuy vậy hiện quả điều trị lại giảm.

Về cơ bản kháng sinh chỉ hiệu quả mạnh đối với diệt vi khuẩn, và ít hiệu quả đối với nấm và virus, trong khi đó viêm họng hạt đa số liên quan đến nấm và virus vì vậy dùng kháng sinh không phải là biện pháp tối ưu đối với bệnh nhân viêm họng hạt.

Bên cạnh đó đốt hạt cũng là  biện pháp thường được tây y áp dụng trong điều trị viêm họng hạt, nhất là đối với các hạt to: hiện nay biện pháp đốt hạt thường dùng là đốt bằng tia laser, đốt lạnh…

Đốt họng hạt dễ để lại sẹo nhất là đối với bệnh nhân đốt họng nhiều lần, sẹo rất dễ nhìn thấy khi soi họng, sẹo do đốt họng sẽ khiến bệnh nhân cảm giác vướng, ngứa, đau, khó nuốt vì vậy thường lo lắng đi khám nhiều lần, tốn kém mà không điều trị khỏi được.

Lý do khó thành công bởi vì mỗi lần đốt chỉ được một số hạt to và mỗi lần đốt như vậy lại kích thích vùng niêm mạc xung quanh đó cũng như các hạt nằm trên vùng niêm mạc đó có thể phát triển nhanh hơn. Nếu chỉ đốt hạt đơn thuần mà không điều trị hiện tượng viêm nhiễm thì khó có thể khỏi bệnh được, bệnh lại tái phát và nhiều khi còn nặng hơn.

Nói tóm lại, điều trị viêm họng hạt hiện còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, để điều trị viêm họng hạt đạt hiệu quả cao, trước hết cần phải loại bỏ các ổ vi khuẩn xung quanh. Muốn vậy cần phải xác định viêm họng hạt do vi khuẩn hay vi nấm gây ra.

Để làm được điều đó thì cần nuôi cấy, phân lập được vi khuẩn hoặc vi nấm và làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh thích hợp cho điều trị tiêu diệt mầm bệnh là lý tưởng nhất. Bên cạnh đó cần khám mũi, xoang xem có bị viêm nhiễm hay không, nếu có phải điều trị kết hợp lúc đó mới hy vọng điều trị viêm họng hạt có kết quả.

Viêm họng hạt là bệnh tương đối khó điều trị, dễ tái phát. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chữa viêm họng hạt bằng thuốc dân gian


Trong dân gian có nhiều bài thuốc chữa viêm họng hạt, mời bạn đọc tham khảo:

Lá trâm ổi: Nguyên liệu cho mỗi lần dùng: 3 - 6 lá trâm ổi rửa sạch, 1 lát gừng tươi, 1 hạt muối. Cho thuốc vào miệng nhai thật nhỏ, ngậm trong khoang miệng, nuốt từ từ từng chút một sao cho thời gian nhai, ngậm và nuốt hết thuốc trong vòng 15 - 30 phút.

Dùng bài thuốc này sau 10 ngày dùng thuốc sẽ giảm ho, giảm đờm trong cổ họng, hết cảm giác đau họng. Sau 20 ngày hết ho, hết đờm, hết khàn tiếng. Sau 30 - 45 ngày trong cổ họng sẽ hết các mụn nhỏ li ti.

Chanh: Mỗi lần làm dùng 3 quả chanh tươi, lấy hết toàn bộ hạt chanh (không lấy gì của quả chanh nữa). Sau đó, lấy hạt chanh đó bỏ vào một chén nhỏ hay ly nhỏ, giã nát, cho vào một muỗng cà phê mật ong khi nấu cơm sắp cạn nước, bỏ chén hạt chanh đó vào hấp trên nồi cơm.

Khi cơm đã chín đưa chén hạt chanh đã hấp ra, lấy hết cả nước và xác hạt chanh đó ra ngậm, nếu có thể nuốt vào càng tốt, mỗi ngày nấu cơm 3 lần làm hạt chanh hấp mật ong 3 lần để ngậm. Sau mấy ngày triệu chứng sẽ giảm và từ từ lành hẳn nên làm liên tục 30 ngày. Chú ý khi mua chanh quả nên chọn những quả chanh xù xì vỏ hay có đốm mốc trắng, đó là những quả chanh già và chất lượng hạt tốt.

Bài thuốc dân gian chữa bệnh viêm họng hạt ở trẻ em:

Lá hẹ chưng đường phèn: Lá hẹ tính ấm có tác dụng cầm máu, tiêu đờm, bổ thận, tán huyết, giải độc hành khí. Vì lành tính nên lá hẹ thường dùng làm phương thuốc trị ho cho trẻ em. Để trị viêm họng hạt cho trẻ, mẹ dùng 1 nắm nhỏ lá hẹ rửa sạch, thêm ít đường phèn rồi đem hấp cách thủy đến khi lá hẹ chín, mất vị cay. Sau cùng chắt lấy nước cho trẻ uống mỗi lần từ 3 - 4 thìa, ngày 3 lần trong vòng 2 - 3 ngày sẽ thuyên giảm.

Hỗn hợp nước củ cải, quả lê: Củ cải và quả lê có khả năng chữa chứng viêm họng hạt ở trẻ. Mẹ chỉ cần lấy 3 củ cải trắng, 2 quả lê, 300ml mật ong để làm thuốc.

Trước tiên, mẹ rửa sạch củ cải và lê, gọt vỏ, thái nhỏ rồi cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Tiếp đến, lọc lấy nước cốt, sau đó cho vào nồi đun cùng mật ong. Mẹ lưu ý để lửa nhỏ vừa, khuấy đều tay đến khi hỗn hợp sệt lại thì tắt bếp, để nguội. Đổ hỗn hợp đã chưng vào chai thủy tinh và cho trẻ dùng dần với liều lượng 3 lần/ngày trong vòng 3 - 5 ngày để bệnh nhanh khỏi.

Gừng: Lấy 1 củ gừng tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước. Dùng nước cốt gừng trộn với mật ong theo tỷ lệ 1:1. Khi trẻ mới bắt đầu bị viêm họng hạt, mẹ cho trẻ uống 1 muỗng cà phê hỗn hợp gừng mật ong 3 lần/ngày, liên tục trong 5 ngày.

Tuy nhiên, cần lưu ý, chữa viêm họng hạt bằng gừng chỉ nên áp dụng cho trẻ từ 13 tuổi trở lên.

Chữa viêm họng hạt bằng gừng không dùng cho trẻ dưới 13 tuổi. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Phòng ngừa viêm họng hạt thế nào?


Để phòng ngừa căn bệnh này, chúng ta nên vệ sinh răng miệng đều đặn, đúng cách, uống đủ nước, ăn đầy đủ chất, tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nhiều gia vị, tăng cường ăn rau xanh hoa quả.

Mỗi ngày cần bổ sung thêm viên multivitamin, khoáng chất, quan trọng là vitamin PP và vitamin C. Không hút thuốc lá, rượu bia, không thức khuya, nên tập thể dục mỗi ngày, vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần / ngày sau khi ăn, súc miệng nước muối ấm pha loãng trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh).

Ngoài ra, cần tránh nơi ô nhiễm khói bụi, ra đường nên đeo khẩu trang, dùng nước muối khoáng rửa mũi trước và sau khi ngủ dậy, sau khi đi ở ngoài về.

Thanh Thủy (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X