Hotline 24/7
08983-08983

Viêm họng cấp: Bệnh thường gặp khi trời chuyển lạnh

Viêm họng cấp là bệnh rất hay gặp vào mùa lạnh, ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em vì nếu không được điều trị sớm, viêm họng cấp sẽ có nguy cơ biến chứng dẫn đến bệnh thấp tim.

Hãy cùng AloBacsi tìm hiểu nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh này nhé!

1. Bệnh viêm họng cấp


Viêm họng cấp là bệnh tai-mũi-họng khá phổ biến gây ra tình trạng sốt cao, rát họng, đau họng khi nuốt...

Bất kỳ người nào, ở độ tuổi nào cũng có thể mắc phải căn bệnh này, ngay cả trẻ em và người lớn tuổi. Chỉ cần không giữ đủ ấm cho cơ thể cũng có nguy cơ bị viêm họng cấp.

Viêm họng cấp thường xuất hiện đột ngột khiến cho người bệnh có cảm giác đau đớn, mệt mỏi.

Viêm họng cấp gây ra tình trạng sốt cao, rát họng, đau họng khi nuốt... Ảnh minh họa - Nguồn Internet

2. Nguyên nhân gây bệnh


Viêm họng cấp xuất hiện ở người viêm amidan, viêm họng VA... do vi khuẩn liên cầu, phế cầu hoặc một số loại vi khuẩn khác khu trú sẵn trong họng. Vi rút cảm cúm, sởi cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm họng cấp. Bệnh thường xuất hiện sau khi tắm ở nơi có gió lùa, tắm không lau khô người mà mặc quần áo ngay. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xuất hiện khi đang ở trong nóng mà chuyển sang ngồi phòng máy lạnh hay khi gặp thời tiết thay đổi thất thường, lúc giao mùa từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại…

3. Triệu chứng viêm họng cấp thường xảy ra bất ngờ


Bệnh viêm họng cấp thường xuất hiện bất ngờ với biểu hiện sốt cao từ 39 đến 40 độ C, rát buốt, đau họng khi nuốt. Đầu tiên là cảm giác khô nóng họng sau đó là hiện tượng đau rát tăng dần khi nuốt, nói hoặc ho.

Bệnh nhân có thể bị tắc mũi, chảy nước mũi, khàn giọng hoặc ho khan, amidan viêm to, hạch cổ sưng có khi có bựa trắng như nước cháo phủ ngoài bề mặt.

Nếu để kéo dài từ 7 đến 10 ngày, bệnh viêm họng cấp có thể gây ra các biến chứng như viêm tai, viêm amidan, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản...

Nhiều trường hợp bị viêm họng là do vi khuẩn liên cầu nhóm A, do đó có thể gây ra viêm cầu thận thấp, thấp tim. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể chuyển sang mạn tính và tái phát nhiều lần.

4. Điều trị kịp thời ngay khi phát hiện


Khi có dấu hiệu viêm họng cấp không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình tại nhà mà người bệnh cần đến thăm khám với bác sĩ, từ đó sẽ có chỉ định điều trị thích hợp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Đầu tiên, cần hạ sốt ngay nếu bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao. Đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, bệnh nhân cần súc miệng với nước muối pha loãng thường xuyên. Với những bệnh nhân nhỏ tuổi có thể được bôi vào họng một số loại thuốc đặc trị, nhỏ nước mũi...

5. Phòng tránh viêm họng cấp thế nào?


- Cần vệ sinh sạch sẽ răng miệng, mũi họng thường xuyên hàng ngày.

- Đánh răng vào mỗi buổi sáng, sau khi ăn và trước khi đi ngủ.

- Tắm bằng nước ấm đặc biệt với những bệnh nhân đã mắc viêm họng cấp tái phát nhiều lần.

- Sau khi tắm cần lau khô người trước khi mặc quần áo dù ở bất cứ mùa nào.

- Không nên ngồi phòng điều hòa hoặc quạt gió ngay sau khi tắm.

6. Nên hay không nên tự chữa viêm họng cấp tại nhà?


Nhiều người tự ý chữa viêm họng cấp tại nhà. Tuy nhiên, sau khi bị viêm họng, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng hay phòng khám đa khoa để nhanh chóng được bác sĩ khám, xác định tình trạng bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời hiệu quả. Không nên để bệnh kéo dài vài ngày rồi mới bắt đầu đi khám.

Bệnh nhân cũng không nên tự phán đoán bệnh và tự ý mua thuốc về điều trị. Rất có thể việc tự điều trị tại nhà sẽ khiến bệnh viêm họng cấp kéo dài và trở thành mạn tính sẽ rất khó điều trị. Cần sự tư vấn, thăm khám và điều trị của bác sĩ để tránh bệnh viêm họng cấp trở nên trầm trọng hơn và gây ra những biến chứng đáng tiếc.

7. Viêm họng cấp uống thuốc gì mau khỏi?


Khi bị viêm họng người bệnh thường có các triệu chứng: Đau rát họng, nuốt đau, vướng như mắc cái gì đó ở họng, chảy nước mũi, ngạt tắc mũi (một bên hoặc cả hai bên), đau đầu, ù tai. Sau đó có thể xuất hiện ho, sốt...

Nếu chỉ đau rát do viêm họng mạn tính gây loạn cảm họng hoặc viêm họng do virut, chỉ cần dùng các thuốc giảm đau như paracetamol kết hợp với vitamin C (nâng cao sức đề kháng cơ thể). Hoặc có thể ngậm men kháng viêm tại chỗ như alphachymotrypsin. Cần tăng cường ăn các loại hoa quả, uống nhiều nước. Bệnh sẽ tự khỏi trong vòng từ 5 đến 7 ngày.

Nếu viêm họng cấp có sốt, do vi khuẩn phải dùng đến thuốc kháng sinh. Một số kháng sinh có thể dùng như amoxicillin, cephalexin, erythromycin... hoặc có thể khí dung mũi họng bằng các dung dịch chứa như: Tinh dầu bạc hà, thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm... Đối với loại viêm họng do vi khuẩn nếu lựa chọn đúng kháng sinh bệnh sẽ thuyên giảm trong vòng 2-3 ngày. Nếu quá thời gian này bệnh không khỏi phải khám và đánh giá lại tình trạng bệnh, tránh tình trạng bệnh kéo dài gây biến chứng.

Nếu viêm họng hạt lâu ngày có thể đốt hạt bằng laser hoặc áp lạnh. Ngoài ra, có thể dùng viên ngậm trị ho, viêm họng như viên ngậm bổ phế, viên ngậm Strepsin...

Bên cạnh đó, cũng có thể dùng một số bài thuốc Nam sau cũng có tác dụng trị viêm họng rất tốt:

Lá rẻ quạt: 1 - 2 miếng bằng ngón tay, muối 2g. Rửa sạch lá, nhai dập, ngậm với vài hạt muối. Khi nào nóng họng thì nhả ra, ngày ngậm 1 - 2 lần, có thể nuốt nước.

Lá húng chanh: 3 - 5 lá, rửa sạch nhai dập và ngậm cùng khoảng 2g muối, nuốt dần.

Lá chua me đất: 50g, muối 2g. Rửa sạch lá, nhai nuốt từ từ.

Chè mạn: Ủ nóng 15 phút rồi ngậm họng, tác dụng cũng rất tốt.

8. Cách phòng tránh viêm họng cấp


Đeo khẩu trang cũng là một trong những cách giúp phòng ngừa viêm họng cấp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


- Để phòng bệnh, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống đỡ với vi khuẩn và virut.

- Giữ cho mũi luôn thông thoáng, không nên thở bằng miệng.

- Đối với người hay bị viêm họng hoặc viêm họng mạn không nên uống nước quá lạnh (nước đá) và nên súc họng bằng nước muối ấm pha loãng hoặc các loại dung dịch súc họng có bán tại các hiệu thuốc.

- Khi đi ra đường nên đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi bẩn và không khí lạnh...

9. Viêm họng cấp kiêng ăn gì?


Việc lựa chọn các thực phẩm rất quan trọng đối với người bệnh viêm họng. Bệnh nhanh khỏi hay không phụ thuộc nhiều vào chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt của người bệnh, trong đó có cả chế độ dinh dưỡng. Ăn đầy đủ chất và kiêng một số thực phẩm không tốt cho sức khỏe sẽ giúp nhanh chóng khỏi bệnh. Ngược lại, trong quá trình điều trị bệnh, việc ăn một số thực phẩm không tốt sẽ khiến bệnh tình thêm trầm trọng và lâu khỏi.

Những thực phẩm nên ăn và kiêng ăn khi bị viêm họng theo ý kiến chuyên gia, đó là:

Những thực phẩm nên ăn:

- Thực phẩm giàu vitamin C như: Cam, chanh, bưởi…
- Thực phẩm giàu kẽm như: Ngũ cốc, nấm, củ cải, chuối…
- Thực phẩm giàu protein
- Trà gừng, mật ong
- Uống nhiều nước lọc
- Ngậm kẹo bạc hà
- Uống giấm táo
-  Gia vị như: Tía tô, hạt tiêu, tỏi…

Những thực phẩm nên kiêng:

- Thực phẩm cay nóng, hải sản
- Đồ uống chứa cồn, thuốc lá, cà phê
- Thực phẩm ngọt nhiều đường
- Các loại cá trên da có phấn như cá nục, cá hố
- Không ăn đậu xanh
- Không uống nước đá
- Không ăn hạt dưa, hạt bí, hướng dương
- Hạn chế nói nhiều

Trên đây là những thông tin về dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị cũng như phòng tránh bệnh viêm họng cấp. AloBacsi mong rằng đây sẽ là những thông tin hữu ích dành cho quý bạn đọc.

Khiết Ngọc (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X