Hotline 24/7
08983-08983

Viêm gan siêu vi, phát hiện chậm, trả giá nhanh

Giữa tháng này, P., 54 tuổi, kỹ sư tin học, ngụ tại Tân Bình, TPHCM, qua đời vì ung thư gan. Trong hàng chục ngàn ca tử vong mỗi năm vì ung thưở nước ta, sự ra đi của P. có lẽ cũng bình thường. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ, cái chết đó có thể tránh được.

Xét nghiệm là bước khởi đầu cần thiết để phòng ngừa và điều trị tốt bệnh viêm gan siêu vi

Ung thư gan của P. chính là hậu quả căn bệnh viêm gan B mạn tính. Gặp anh năm qua, anh nói: “Tôi không biết tại sao mình bị viêm gan B và mắc lúc nào. Đáng tiếc là thế hệ tôi vắc xin ngừa bệnh chưa phổ biến như bây giờ để chích ngừa.Trong một lần đi hiến máu, tôi tình cờ phát hiện bệnh, nhưng khi đó bệnh đã nặng”.

Vắc xin viêm gan B có mặt vào đầu những năm 1980 và được xem là vắc xin ngừa ung thư đầu tiên trên thế giới, vì nó giúp phòng ngừa ung thư gan. Từ lâu y học đã biết rằng viêm gan siêu bi B thường tiến triển qua các giai đoạn viêm gan cấp, viêm gan mạn và người lành mang mầm bệnh.

Khi chuyển sang viêm gan siêu vi B mạn tính, lâu ngày bệnh nhân có thể chuyển sang xơ gan. PGS.TS Nguyễn Tấn Cường, giám đốc y khoa BV quốc tế City, cho biết khoảng 10 - 20% bệnh nhân xơ gan có thể chuyển sang ung thư gan và bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B có xác suất ung thư gan cao gấp 200 lần người bình thường.

Gọi viêm gan B là “kẻ giết người thầm lặng” không sai. Người ta nhận thấy nếu mắc bệnh khi còn nhỏ, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì. Khoảng 95% trẻ nhiễm virus viêm gan B không thể loại trừ virus khỏi cơ thể và sẽ trở thành người mang mầm bệnh mạn tính, nghĩa là vẫn mang virus viêm gan B gần như suốt đời và có thể  lây bệnh cho người khác.

Điều oái oăm là bệnh ung thư gan giai đoạn đầu cũng thầm lặng. Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, nguyên giám đốc BV Ung bướu TPHCM, khi bệnh tiến triển xa bệnh nhân mới thấy các triệu chứng mờ nhạt như cảm giác ăn không ngon, ăn khó tiêu, mệt đuối và nặng ở dưới bờ sườn phải. Trễ hơn, bệnh nhân sẽ thấy bụng trướng nước, không thèm ăn, mệt mỏi, vàng da.

H., 52 tuổi, hướng dẫn viên du lịch, là trường hợp như thế. Đầu năm nay, trong một chuyến dẫn khách đi xa, anh thấy người mệt mỏi, chán ăn, nặng bụng. Tưởng rối loạn tiêu hoá bình thường, anh ra hiệu thuốc mua thuốc uống đỡ. Ba tháng trời không hết, đi khám bác sĩ anh mới phát hiện mình bị ung thư gan.

“Bác sĩ nói tôi bị viêm gan siêu vi B lâu ngày nên chuyển sang ung thư gan”, H. nói. “Tại sao anh không kiểm tra sức khoẻ định kỳ, xét nghiệm máu tìm bệnh?”, tôi hỏi. “Làm nghề tự do nên tôi không có thói quen khám sức khoẻ. Vả lại nếu khám ra bệnh viêm gan, người ta sẽ kỳ thị, phân biệt đối xử và có thể không cho tôi làm tiếp”, anh trả lời.

Từ năm 2010 - 2016, BV Chợ Rẫy tiếp nhận hơn 24.000 trường hợp ung thư gan, trong đó 90% do nhiễm virus viêm gan B hoặc C, phần lớn bệnh nhân đến vào giai đoạn muộn nên khó điều trị. Thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy khoảng 8,8% phụ nữ và 12,3% nam giới Việt Nam bị viêm gan B mạn tính và 3 - 4% người nhiễm viêm gan siêu vi C.

Trong cuộc gặp mặt báo chí vừa qua, nhân Ngày viêm gan thế giới 28/7, GS Robert R. Gish, đại học Stanford (Hoa Kỳ), thành viên ban sáng lập và điều hành Liên minh phòng chống viêm gan virus Việt Nam (V-VHA), cho biết vấn nạn lớn của công cuộc phòng chống viêm gan trên thế giới là tình trạng định kiến, phân biệt đối xử người có bệnh viêm gan, và điều này khiến cho nhiều người e dè, không dám đi xét nghiệm.

Ông nói: “Chỉ xét nghiệm người ta mới biết có bệnh viêm gan siêu vi hay không, và nếu có bệnh họ sẽ nhận được sự hỗ trợ về điều trị, theo dõi và chăm sóc y tế”.

Thế nhưng xét nghiệm nếu không được thực hiện tốt và kết quả diễn giải đúng bởi chuyên gia kinh nghiệm lại có thể dẫn đến chẩn đoán sai bệnh. Theo PGS.TS Bùi Hữu Hoàng, trưởng khoa tiêu hoá BV đại học Y dược TPHCM, tình trạng trang thiết bị xét nghiệm lạc hậu, thiếu đồng bộ có thể cho ra kết quả thiếu chính xác. Vì thế có trường hợp bệnh nhân bị bỏ sót bệnh hoặc chẩn đoán nhầ m từ không thành có, ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh nhân.

Trong khi đó, BS Phan Thanh Hải, giám đốc trung tâm y khoa Medic, cho biết có bác sĩ nhìn thấy xét nghiệm máu bệnh nhân có kháng thể chống virus viêm gan B cao, có dấu vết virus từng xâm nhập cơ thể và xác nhận bệnh nhân khoẻ mạnh, không cần chích ngừa. Tuy nhiên, giải thích này không đúng.

“Kiến thức thời chúng tôi như thế, nhưng bây giờ nó đã sai. Vài năm gần đây người ta biết rằng, virus viêm gan B khi xâm nhập vào cơ thể những bệnh nhân này, sẽ bị kháng thể tiêu diệt. Nhưng chúng không bị giết sạch mà một số vẫn nằm trong lõi tế bào gan và lâu ngày có thể khiến bệnh nhân bị ung thư gan”, BS Hải giải thích.

Theo WHO, viêm gan siêu vi B và C là một trong những thách thức sức khoẻ lớn toàn cầu, ảnh hưởng đến 325  triệu người, là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan, gây ra 1,34 triệu ca tử vong mỗi năm. WHO nhận định ít nhất 60% ca ung thư gan là do chậm trễ trong xét nghiệm và điều trị bệnh viêm gan B và C. Vì thế, thông điệp của WHO cho Ngày viêm gan thế giới năm nay là “Đã đến lúc xét nghiệm, điều trị và chữa lành”.

Theo An Nhiên - Thế giới hội nhập/ TGTT

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X