Hotline 24/7
08983-08983

Viêm đường hô hấp trên và cách điều trị

Bệnh viêm đường hô hấp trên thường xuất hiện theo mùa, nhất là mùa đông. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em.

Viêm đường hô hấp trên là một chứng bệnh thường gặp hàng năm, hay tái phát và là một chứng bệnh chủ yếu gây giảm giờ làm và giờ học của nhóm người mắc bệnh trên toàn thế giới. Mặc dù là loại bệnh “tự khỏi” nhưng những phiền toái do chúng gây ra cũng đủ tạo ra những thiệt hại đáng kể về sức khoẻ và kinh tế. Bệnh viêm đường hô hấp trên thường xuất hiện theo mùa, nhất là mùa đông. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra viêm đường hô hấp trên phần lớn là do các virus, liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, phế cầu khuẩn và một số loại nấm...

Nhóm virus trên gây bệnh bằng cách cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng. Chúng sẽ nằm ở đó, xâm nhập vào tế bào niêm mạc, nhân bản rồi phá huỷ tế bào và lây lan sang tế bào bên cạnh.

Cơ thể sẽ kháng cự lại với các kháng thể IgA sẵn có và đội quân bạch cầu bảo vệ. Thông thường sẽ có một vài tế bào niêm mạc hô hấp bị tổn thương và bị virus phá huỷ nhưng sau khoảng 2 tuần lớp tế bào mới lại mọc lên và đẩy lùi virus. Nhưng trong một số trường hợp, cơ thể tiêu diệt không hiệu quả, virus từ đường hô hấp trên sẽ nhân bản và xâm nhập xuống tận đường hô hấp dưới và vào máu gây nhiều bệnh biến thể khác.

Ngoài ra, viêm đường hô hấp có thể do nhiều căn nguyên khác nhau: có thể do dị ứng với thời tiết, với các loại dị nguyên khác nhau (kháng nguyên) có trong không khí, trong bụi, dị ứng hoặc tác động của hóa chất, khói thuốc lá (hoặc hút hoặc hít phải khói thuốc lá, thuốc lào do người khác nhả ra).

Biểu hiện bệnh như thế nào?

Viêm đường hô hấp không phải là một bệnh đơn lẻ mà là tổng hợp bệnh do bị cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản… Những triệu chứng chủ yếu bao gồm: sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, lạc tiếng, giọng mũi, khản đặc có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp…

Đặc điểm quan trọng của viêm đường hô hấp trên là thời gian ủ bệnh ngắn, tốc độ biểu hiện bệnh nhanh và các biểu hiện mang tính ồ ạt. Chính vì thế mà sốt trong các bệnh của viêm đường hô hấp trên thường là sốt cao và thành cơn. Thân nhiệt thường là 39oC trở lên. Đi kèm với sốt là hắt hơi, sổ mũi, người bệnh hắt hơi nhiều hơn mức bình thường, có khi đến 4-5 cái/một lần và xuất hiện nhiều lần trong ngày, chảy dịch mũi với đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi.

Khi virus gây bệnh ở thanh quản thì bệnh nhân sẽ bị khàn tiếng đến mất tiếng vì dây thanh âm bị phù nề, viêm nhiễm.

Viêm đường hô hấp trên đa phần là những bệnh tự khỏi, chỉ sau 5-6 ngày là bệnh đã bắt đầu lui dần tiến tới khỏi sau 2 tuần. Mặc dù các bệnh này có mức độ lâm sàng trung bình nhưng lại là những căn bệnh phổ biến nhất khiến chúng ta phải ngừng lao động, học sinh - sinh viên thì không thể đến trường và có thể nặng lên ở những đối tượng mẫn cảm như trẻ em dưới 1 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và gây nhiều biến thể nghiêm trọng.

Biến chứng của bệnh

Một trong các biến thể nghiêm trọng là tử vong do đồng nhiễm với bệnh đường hô hấp dưới và chúng tự làm nặng lẫn nhau. Nếu viêm đường hô hấp trên không được xử trí đúng và kịp thời sẽ dẫn đến viêm đường hô hấp dưới. Do đó, với một bệnh hết sức thông thường như cảm lạnh trong mùa đông thì có thể đưa đến viêm phổi, nhất là ở trẻ em.  Ở trường hợp viêm đường hô hấp trên thể nặng, thể do vi khuẩn dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp.

Điều trị bệnh thế nào?

Cho đến nay, bệnh viêm đường hô hấp trên đã có nhiều phương pháp điều trị. Nhưng vì chủ yếu là do virus gây ra nên tất cả những phương pháp đó đều là những phương pháp điều trị triệu chứng mà chưa có điều trị căn nguyên.

Một số thuốc thường dùng là: thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm nhằm ngăn chặn sốt quá cao và tai biến co giật do sốt cao. Bên cạnh đó có thể dùng thuốc kháng histamin nhằm ngăn chặn giải phóng quá nhiều chất trung gian hóa học gây viêm do cơ chế phản ứng đôi khi là quá mức. Còn lại là dựa vào sức đề kháng của người bệnh và chờ cho đến khi cơ thể tự đào thải virus.

Làm sao phòng tránh?

Để tránh mắc phải viêm đường hô hấp trên, biện pháp dự phòng được đặt lên hàng đầu để ứng phó. Vì đây là một bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp nên tốt nhất hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân; luôn rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn uống sẽ loại trừ virus khỏi bàn tay.

Do đó virus không có cơ hội xâm nhập vào đường hô hấp; đeo khẩu trang cách ly với mầm bệnh; tránh làm việc, học tập trong môi trường nhiệt độ quá cao; tránh nằm điều hoà quá lạnh, tránh làm việc trong môi trường nhiệt độ quá cao: giữ ấm cơ thể khi đi đường, giữ ấm cổ khi ngủ là những biện pháp tuy đơn giản nhưng lại giúp ta phòng tránh khá tốt với những căn bệnh thuộc loại này.

Theo BS Nguyễn Khánh - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X