Hotline 24/7
08983-08983

Viêm da sau khi xăm môi, làm sao chữa khỏi AloBacsi ơi?

BS Lan Hương tư vấn về các vấn đề: viêm lưỡi bản đồ, dùng thuốc ngủ kèm toa thuốc trị Hp, viêm da sau khi xăm môi, xét nghiệm chỉ số CYFRA tăng, tê vai trái chạy xuống tay...

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương


Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi qua email:

- Nguyễn Nữ - TPHCM

Mẹ tôi bị viêm lưỡi bản đồ, đã dùng nhiều thuốc để bôi vào lưỡi nhưng không có dấu hiệu giảm, đã bị cách đây 4-5 tháng rồi. Mong BS cho lời khuyên. Chân thành cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Viêm lưỡi bản đồ là tình trạng viêm lành tính của lưỡi. Trên lưng lưỡi xuất hiện những viền màu trắng phía trong có màu đỏ sậm hơn màu lưỡi bình thường làm mất gai lưỡi. Lúc đầu một vết nhỏ sau đó lan rộng ra, đôi khi có nhiều vết trên lưỡi.

Những gờ hình ngoằn ngoèo làm cho bề mặt của lưỡi giống như hình bản đồ. Vết này có thể tự mất đi nhưng rồi lại xuất hiện vết khác.

Bệnh trải qua từng giai đoạn từ nhẹ đến nặng. Thông thường viêm lưỡi bản đồ không gây triệu chứng gì: không đau, không ngứa, không ảnh hưởng đến vị giác, nhưng có thể gây khó chịu nhẹ vì những mảng lưỡi bị viêm thường khá mẫn cảm với các loại gia vị trong thức ăn.

Không có điều trị gì đặc hiệu để chữa hết bệnh viêm lưỡi bản đồ mà nó có thể hết một cách tự nhiên. Chỉ cần tránh ăn thức ăn cay nóng và thức ăn có chứa chất kích thích (như bia rượu, thuốc lá, café, trà đặc), tăng cường thực phẩm giàu vitamin B, C, bổ sung thêm vitamin PP thì bệnh sẽ mau khỏi hơn.

Trong trường hợp viêm lưỡi bản đồ gây đau nhức thì coi chừng bội nhiễm (vi khuẩn, vi nấm), cần khám chuyên khoa Da liễu hoặc chuyên khoa Tai mũi họng để được điều trị thích hợp, không nên tự ý lấy các loại thuốc lá giã nát để đắp vì nếu không biết sử dụng đúng cách và hợp vệ sinh có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.


- Nguyễn Huyền - Yên Bái

Cháu chào BS,

Cháu năm nay 17 tuổi. Cháu xăm môi ngày 30/6, đến nay cháu bị lên mụn, ngứa rát môi, đôi khi môi căng lên, rất khó chịu. Cháu đã uống thuốc theo chỉ dẫn của người xăm, nhưng cứ khỏi được vài hôm lại bỉ ngứa.

Cháu không biết cháu bị sao nữa ạ. BS cho cháu hỏi chữa bằng thuốc gì được ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Huyền thân mến,

Vùng môi của em đang bị viêm, để tránh viêm lan rộng và nặng hơn, có thể để lại vết thâm sau này thì em cần đến khám BS da liễu để được kê thuốc phù hợp (kháng viêm, kháng sinh khi cần...). Nhân viên xăm môi chỉ điều trị theo kinh nghiệm, không phải BS.

Bên cạnh thuốc thoa do BS chỉ định, em nên tiếp tục sử dụng thuốc thoa vaseline thoa môi nhiều lần trong ngày, dù ngoài trời nóng hay trong phòng lạnh.

Và chú ý: từ bỏ các thói quen như: ngậm bút, liếm môi, hút thuốc (nếu có); tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh cũng như thức ăn chứa nhiều gia vị (tiêu, ớt, chanh, …); uống đủ nước…


- Hồng Phượng - hongphuong…@gmail.com

Chào BS,

BS cho em hỏi thuốc Mimosa em có thể uống kèm toa thuốc điều trị dạ dày được không ạ? Em bị nhiễm Hp, uống thuốc theo toa em không ngủ được.

Toa thuốc của em: 1. Amoxycilin 500mg ngày uống 2 lần mỗi lần 2 viên. 2. Levofloxacin ngày 2 lần, lần 1 viên. 3. Kagasdine ngày 2 lần, lần 1 viên.

Cám ơn BS!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Hồng Phượng thân mến,

Tác dụng phụ thường gặp của kháng sinh điều trị Hp là đắng miệng, thay đổi vị giác, buồn nôn, mệt mỏi, nhức đầu, khó ngủ, chóng mặt. để giảm triệu chứng này, em nên uống thuốc kháng sinh sau khi ăn, sau đó ăn thêm sữa chua (giảm tiêu chảy), uống trà gừng ấm sẽ đỡ khó chịu hơn.

Em có thể dùng Mimosa hoặc Rotudin là loại thuốc thảo dược có tính an thần nhẹ, giúp dễ đi vào giấc ngủ, không gây nghiện, uống vào buổi tối 1-2 viên trong thời gian điều trị Hp.

Tốt nhất vẫn là ráng uống thuốc trị Hp cho đủ ngày theo phác đồ, tăng khả năng thành công trong tiệt trừ Hp, tránh kháng thuốc. sau khi ngưng thuốc kháng sinh, các tác dụng phụ sẽ hết, khi đó cũng nên ngưng thuốc an thần để tránh lệ thuộc thuốc.


- Phương Nguyễn - hoavo…@gmail.com

Thưa BS,

Em hay bị đau đầu vùng nửa trái bên thái dương, ở trên đỉnh đầu và ở vùng 2 đầu lông mày. Lúc nhỏ đi khám thì BS nói là bẹ viêm xoang. Bây giờ thì cơn đau thường xuyên hơn bất kể thời tiết bình thường hay mưa nắng.

Thưa BS triệu chứng của em như vậy là viêm xoang hay còn gì khac không ạ? Và em có nên đi chụp CT hay chụp X-quang không ạ? Cám ơn BS!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Phương thân mến,

Viêm xoang là một trong những nguyên nhân thường gặp gây đau đầu. Triệu chứng nổi bật nhất của viêm xoang cấp là đau nhức vùng mặt, diễn ra thành từng cơn, đau nhiều hơn về buổi sáng do ban đêm chất nhầy bị ứ lại trong xoang mũi.

Những cơn đau này có tính chất chu kỳ, thường là khi thay đổi thời tiết. Viêm xoang sàng trước thường đau giữa hai mắt. Viêm xoang sàng sau thường chỉ nhức đầu âm ỉ vùng sau gáy, đỉnh, chẩm.

Tuy nhiên, không phải lúc nào triệu chứng đau đầu do viêm xoang cũng điển hình như vậy. Mặc dù vậy, khi tình trạng đau đầu kéo dài và không đặc trưng cho viêm xoang thì cũng cần kiểm tra thêm các nguyên nhân khác có thể gây đau đầu trên người có bệnh viêm xoang, như đau do căng cơ - căng thẳng, Migraine…

Em nên khám chuyên khoa nội thần kinh để chẩn đoán rõ bệnh và điều trị thích hợp, có thể chụp CTscan mũi xoang để xác định mức độ viêm xoang.


- Trân Nguyễn - nthtran…@gmail.com

Chào BS,

Cháu hiện tại 19 tuổi, cách đây 2 tuần cháo bị té xe và gãy chân, sao khi chụp hình thì BS nói cháu bị dập đầu gối gãy kín mâm chày.

Sau khi bó bột cháu không dám cử động khoảng 1 tuần mấy, và tới sáng hôm nay cháu mới đi học, đi học phải leo cầu thang, tuy nhiên cháu không biết phải đi như thế nào nữa vì bó bột không cử động được, cháu toàn nhảy không.

Sau khi cử động quá nhiều khi về nhà cháu cảm thấy chân có cảm giác đau hơi nhiều một chút. Không biết có sao không vậy BS, và cháu phải lên cầu thang như thế nào? Mong BS giải đáp giúp cháu ạ. Cháu cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Trân,

Vì bó bột băng qua vùng đầu gối nên em không co gối được, vì thế trong động tác leo lên bậc thang cần gập duỗi gối là điều khó khăn, trong trường hợp này em sử dụng nạng để hỗ trợ là tốt nhất, bước từng bước một, hoặc chọn thềm dốc phẳng để đi thay thế nếu trường học em có.

Em không nên nhảy vì như thế sẽ không tốt cho việc lành xương.

Ngoài ra, em vẫn nên tập gồng cơ trong bột để giúp máu lưu thông tốt, tránh đứng lâu, ngồi nhớ kê chân cao tránh phù chân, không thuốc lá và rượu bia, nhớ ăn uống đầy đủ chất (đặc biệt là thực phẩm giàu canxi như hải sản, sữa...) và ngủ đủ giấc, tái khám và uống thuốc đúng theo hướng dẫn của BS điều trị.


- Ngan Hoang - nhoangngan…@yahoo.com.vn

Chào BS,

Em là nữ, năm nay 19 tuổi. Vào tháng 7 năm nay em đi khám bệnh vì có triệu chứng bệnh dạ dày. Kết quả là bị viêm dạ dày nhẹ HP dương tính.

BS đã kê đơn gồm kháng sinh metronidazol và tetracyclin. Phác đồ gồm 10 ngày nhưng em đã dừng lại ở ngày thứ 2 vì hiện tượng bỏng rát dạ dày quá khó chịu. Sau đó triệu chứng dạ dày vẫn còn.

Đến tháng 10 hiện nay em đã sang Pháp và được BS kê thuốc Pylera để diệt HP. Em đã trình bày với BS rằng mình đã dùng phác đồ gồm metronidazol và tetracyclin và sau đó dừng lại ở ngày thứ 2 vì quá mệt. Nhưng khi đọc thành phần của Pylera thì cũng gồm 2 loại kháng sinh trên và bây giờ uống em hoàn toàn không bị mệt như hồi tháng 7.

Vậy BS có thể cho em biết có phải vi khuẩn HP đã kháng thuốc vì em không bị mệt nữa không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Triệu chứng bỏng rát dạ dày sau uống kháng sinh metronidazol và tetracyclin chủ yếu là do tác dụng phụ của tetracyclin.

Trong thành phần của Pylera có kháng sinh metronidazol và tetracyclin nhưng có thêm Bismuth Subcitrate Potassium giúp giảm tác dụng phụ này, ngoài ra thành phần tá dược kèm theo hoạt chất trong viên thuốc mới có thể giúp giảm tác dụng phụ của kháng sinh gây nên.

Vì em mới uống kháng sinh diệt Hp 1 ngày rồi ngưng nên khả năng kháng thuốc không cao, việc em uống thuốc không bị mệt cũng không nói lên được vi khuẩn đã kháng thuốc, em nhé.


- Đỗ Hoàng Việt - dhv…@gmail.com

BS cho em hỏi, dập cơ cổ tay với bàn tay khi nào mới hết và trị liệu bằng cách nào? Trong lúc bị như vậy có nên ăn gì không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Hoàng Việt thân mến,

Chấn thương phần mềm vùng cổ bàn tay có nhiều mức độ khác nhau, như xây xát bầm tím nhẹ, dập cơ nhẹ, dập cơ nặng giãn cơ, rách cơ, đứt cơ...ở mức độ nhẹ thì người bị chấn thương chỉ sưng đau từ nhẹ đến vừa, vẫn cử động cổ bàn tay được, các triệu chứng sẽ giảm nhanh sau 1-2 ngày.

Do đó nếu mà em sưng đau nhiều, cảm giác căng, vận động khó khăn nhiều thì cần phải đến khám tại chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để BS khám và siêu âm kiểm tra, đánh giá mức độ mà xử trí thích hợp.

Như vậy, hiện tại tôi không rõ mức độ của em ra sao nên chỉ có thể cung cấp thông tin cơ bản cho em, cách an toàn nhất em có thể làm là chườm lạnh (dùng túi đá ướp bọc khăn khô rồi chườm lạnh ngay tại chỗ 10-15 phút, mỗi lần cách nhau khoảng 1 giờ, lặp lại nhiều lần trong ngày).

Ăn uống thì kiêng rượu bia, các món gây dị ứng, ăn đủ chất - đa dạng món ăn và ăn chín uống sạch.


- Hoang Song - nguyenhoangsong…@gmail.com

BS cho em hỏi,

Em xét nghiệm chỉ số CYFRA là 4.21, chụp Xquang tim phổi thì bình thường. Vậy cho em hỏi em có bị sao không ạ? Em cám ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

CYFRA 21-1 là Cytokeratin-19 fragment 21-1, một dấu ấn ung thư, bình thường có nồng độ trong máu là 0-3, 3 U/L.

CYFRA 21-1 là một xét nghiệm giúp hỗ trợ chẩn đoán ung thư phổi không tế bào nhỏ, xét nghiệm này thường chỉ định trong các bệnh nhân đã và đang điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ giúp hỗ trợ trong việc theo dõi đánh giá đáp ứng điều trị.

Tuy nhiên, có một số nguyên nhân làm tăng nhẹ CYFRA 21-1 nhưng không phải ung thư phổi như: viêm phế quản mạn, bệnh phổi mạn tính (COPD), hút thuốc lá thuốc lào, bệnh lý bàng quang... và 1 số ít có thể gặp ở người bình thường khỏe mạnh.

Như vậy, chỉ số CYFRA 21-1 của bạn có tăng nhẹ chưa đủ kết luận bạn bị ung thư phổi, nhưng vì sao tăng thì BS chưa thể kết luận được, bởi vì thứ nhất là bạn bảo phim chụp tim phổi của bạn bình thường nhưng BS chưa xem trực tiếp, thứ hai là BS cũng không rõ bạn có hút thuốc lá hay không, triệu chứng hiện tại và các cơ quan khác ra sao...

Do đó, bạn nên đem tất cả hồ sơ khám sức khỏe mà bạn có đến gặp BS chuyên khoa hô hấp để được xem xét kỹ lưỡng hơn, chẩn đoán và điều trị nếu có bệnh.


- Lê Minh Quân - leteo…@yahoo.com.vn

Tôi bị tê vai trái chạy dài xuống tay trái là bịnh gì vậy BS?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Minh Quân,

Triệu chứng tê lan tỏa bắt nguồn từ vai lan xuống tay trái thường gặp do vấn đề tại cột sống cổ, có thể là hẹp lỗ liên hợp ống sống, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm, có thể do bệnh lý tại khớp vai và vùng chu vai, bệnh lý của rễ thần kinh chi phối cho cánh tay trái, bệnh tim thiếu máu cục bộ (đặc biệt nếu có cảm giác đau từ vùng ngực trái lan tỏa đến vai trái và tay trái)….

Do vậy, bạn nên đến BV để kiểm tra sức khỏe, BV đa khoa (có chuyên khoa cơ xương khớp, thần kinh, mạch máu, tim mạch), đăng ký khám chuyên khoa Cơ xương khớp trước.


- Nguyen Tuong Giang - Thủ Đức

Cho mình hỏi,

Mình vừa đi siêu âm bên BV Hoàn Mỹ, kết quả siêu âm là thận phải nhỏ - nằm lệch xuống dưới.

Cho mình hỏi như vậy có sao không, có ảnh hưởng đến chức năng thận và phải kiểm tra khám gì để an tâm? Xin cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Giang thân mến,

Khám sức khỏe tổng quát phát hiện 1 bên thận có kích thước nhỏ hơn so với ngưỡng giới hạn bình thường thì em cần kiểm tra lại tại chuyên khoa Thận - Tiết niệu xem đây là bẩm sinh hay do bệnh lý mắc phải, chức năng thận ra sao (thông qua xét nghiệm đánh giá ước lượng độ lọc cầu thận như creatinin máu)…

Do đó, em nên khám tại chuyên khoa Thận - Tiết niệu, em nhé.


- Trần Thị Thu Sương - Quảng Nam

Em chào BS,

Cho em hỏi trong viêm gan cấp thì GOT tăng cao hay GPT tăng cao hơn cũng như trong viêm gan mạn?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Thu Sương,

Các loại men gan AST (Alanin Amino Transferase, hay trước đây gọi là GOT) và ALT (Aspartate Amino Transferase, hay trước đây gọi là GPT) do gan tạo ra thường có một hàm lượng cố định trong máu, trị số bình thường GPT < 40 U/L, GOT < 40 U/l.

Khi gan bị tổn thương, hàm lượng men gan này sẽ tăng cao. Trong thời gian viêm gan cấp các men này sẽ tăng cao sau đó giảm dần và trở lại bình thường trong khoảng 1-6 tháng.

Nếu các men này tăng cao liên tục trong thời hơn 6 tháng thì có thể là biểu hiện của một viêm gan mạn tính.

Tỷ lệ GOT/GPT cũng có giá trị hỗ trợ trong chẩn đoán nguyên nhân gây viêm gan. Khi GOT / GPT > 1 (tức là GOT tăng cao hơn GPT) gặp trong viêm gan do rượu, thuốc, xơ gan. Khi GOT / GPT > 1 (tức là GOT tăng cao hơn GPT) gặp trong viêm gan siêu vi cấp.


- Trần Thị Minh Nhâm - nhamtn…@gmail.com

Em bị gãy 1/3 xương chày vết thương kín không phẫu thuật chỉ bó bột em xin hỏi BS thời gian bao lâu thì em tập đi nạng được ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Minh Nhâm,

Thời gian trung bình lành xương là 1 tháng, tùy mức độ gãy xương, có nhiễm trùng hay không, có béo phì, bệnh tiểu đường, lớn tuổi, hút thuốc lá hay không... mà xương sẽ lành nhanh hơn hay chậm hơn. Em còn trẻ, chỉ gãy kín xương chày thì xương lành sẽ khá nhanh.

Trung bình là 3-7 ngày sau bó bột em sẽ bớt đau nhiều, nếu em đứng mà không thấy đau, gồng cơ trong bột không thấy đau thì em có thể đi nạng để sinh hoạt cá nhân và quay trở lại công việc hàng ngày được rồi.

Chú ý, tránh đứng lâu và đi lại quá sức (khi nào đi thấy chân hơi đau là ngừng lại), ngồi nhớ kê chân cao tránh phù chân, không hút thuốc lá và rượu bia, nhớ ăn uống đầy đủ chất (đặc biệt là thực phẩm giàu canxi như hải sản, sữa...) và ngủ đủ giấc, tái khám và uống thuốc đúng theo hướng dẫn của BS điều trị.


- Trần Phước Dẹn - den…@gmail.com

Em bị khạc ra máu cùng với đờm thì có sao không BS? Vả lại em từng bị ho hen.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nguyên nhân gây ho khạc đàm ra máu có thể do viêm nhiễm/ tổn thương mạch máu ở vùng hầu họng (thành sau họng) thường gặp trong viêm họng cấp và mạn, tổn thương trong đường dẫn khí, nhu mô phổi (lao phổi, u phổi, áp xe phổi), hay do rối loạn đông cầm máu...

Ho khạc ra máu vốn đã là 1 biểu hiện khác thường, dù có những đợt tái phát rồi tự cầm thì em cũng cần phải khám chuyên khoa tai mũi họng, chuyên khoa hô hấp để tìm ra nguyên nhân, loại trừ bệnh lý nguy hiểm để xử trí sớm.

Trong thời gian đó, em chú ý hạn chế ăn đồ ăn lạnh, đồ ăn chua cay, sinh nhiệt, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, thêm rau xanh và trái cây, không hút thuốc lá, không rượu bia, uống đủ nước và giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm.


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X