Hotline 24/7
08983-08983

Viêm chân tóc: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng rụng tóc mỗi khi dùng lược chải đầu hoặc khi gội đầu đó chính là viêm chân tóc. Vì vậy, để cải thiện và ngăn chặn tình trạng tóc rụng nhiều thì trước hết cần phải có phương pháp điều trị dứt điểm viêm chân tóc.

Không chỉ ở người lớn tuổi, thanh niên, thậm chí trẻ sơ sinh cũng có thể bị viêm chân tóc. Vậy thủ phạm gây viêm chân tóc và kinh nghiệm chữa bệnh lý này là gì? Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để trang bị cho mình và người thân những kiến thức bổ ích để có thể phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả.

1. Bệnh viêm chân tóc là gì?


Nguyên nhân gây ra bệnh viêm chân tóc là do các khuẩn tụ cầu, liên cầu thường xuyên xuất hiện trên bề mặt da và lỗ chân lông. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Viêm chân tóc (hay còn gọi là viêm nang lông) là tình trạng viêm trên da đầu, ngay phần nang tóc. Bệnh khá phổ biến ở cả nam và nữ, hay gặp ở người da đầu nhiều dầu.

Bệnh này bắt đầu bằng một sần đỏ và nhỏ quanh chân lông, đóng vảy, khi lành bong vảy không để lại sẹo. Viêm chân tóc ở trẻ sơ sinh khi lành có thể để lại sẹo nhỏ, có khi viêm nang lông nổi đột ngột thành nhiều mụn mủ rải rác hoặc thành đám gọi là chốc Bockhart.

Mặc dù đây không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nó khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy rất khó chịu, mất tự tin và thường rất dai dẳng nếu không được điều trị triệt để.

2. Thủ phạm gây viêm chân tóc có dễ phát hiện?


Nguyên nhân gây ra bệnh viêm chân tóc là do các khuẩn tụ cầu, liên cầu thường xuyên xuất hiện trên bề mặt da và lỗ chân lông. Khi người bệnh bị ngứa, gãi nhiều làm trầy xước da sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn này gây bệnh.

Nếu không được điều trị ngay, khi chỗ viêm nhiễm khuẩn ngày càng sâu sẽ tạo thành áp xe giữa nang lông, biểu hiện thành mụn mủ có nền cộm, khiến chân tóc có mụn mủ, quầng viêm đỏ lan rộng. Viêm chân tóc càng sâu thì tiến triển càng dai dẳng và khi lành thường để lại sẹo, gây rụng tóc. Tùy vào mức độ bị viêm chân tóc mà người bệnh có thể bị rụng tóc nhiều hay ít.

Ngoài ra, nhiều người còn bị bệnh lý này do dị ứng với dầu gội đầu. Sử dụng loại dầu gội không phù hợp với da đầu, dầu gội có chứa thành phần trị gàu, tác động mạnh đến làn da hoặc thay đổi liên tục dầu gội trong một thời gian ngắn cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng viêm chân tóc.

3. Viêm chân tóc ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?


Trẻ sơ sinh cũng có thể gặp phải tình trạng viêm chân tóc. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Một số trẻ sơ sinh rụng rất nhiều tóc, thậm chí quanh một vùng da đầu trọc trơn như chưa từng mọc tóc khiến nhiều bà mẹ bất an. Thực ra, các mẹ không cần quá lo lắng, vì đây là một hiện tượng rất bình thường, khá phổ biến ở giai đoạn này của trẻ nhỏ.

Tóc non hay còn gọi là tóc máu sẽ lần lượt rụng đi, thay vào đó là những sợi tóc trưởng thành khỏe mạnh. Theo thời gian, mỗi ngày tóc non sẽ chết và rụng đi để tóc mới mọc thêm ra. Đây chính là quy luật sống tất yếu của tóc.

Trẻ sơ sinh bị rụng tóc không có gì quá nghiêm trọng nên các mẹ không cần lo lắng. Kinh nghiệm chữa viêm chân tóc ở trẻ sơ sinh đó là:

Mặc dù hiện tượng rụng tóc ở trẻ sơ sinh là bình thường nhưng vẫn có một vài mẹo nhỏ giúp bé giảm thiếu tối đa tình trạng tóc rụng và kích thích tóc của bé mọc lại nhanh chóng.

Một trong những biện pháp đầu tiên hạn chế viêm chân tóc, rụng tóc ở trẻ sơ sinh đó là vị trí nằm. Các mẹ nên thường xuyên thay đổi vị trí nằm cho trẻ. Mỗi tư thế ngủ nằm ngửa, nằm nghiêng hay nằm sấp đều không nên cho bé nằm quá 2 tiếng. Bên cạnh đó, biện pháp này còn giúp trẻ đỡ bị bẹp đầu.

Có một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cho bé nằm sấp sẽ giúp bé phát triển trí não. Để đảm bảo an toàn cho bé, các mẹ không nên để quá nhiều chăn gối xung quanh khi cho bé nằm sấp, tránh gây ngạt. Thời gian tốt nhất cho bé nằm sấp đó là vào ban ngày, khi mẹ có khả năng kiểm soát giấc ngủ của trẻ một cách tốt nhất.

Gội đầu và chải đầu sẽ kích thích da đầu và giúp lưu thông máu tới nang tóc. Đây là cách hữu hiệu giúp các mẹ ngăn chặn tình trạng viêm chân tóc cho con yêu của mình. Các mẹ nên chú ý lựa chọn dầu gội đầu không kiềm, nhẹ nhàng gội theo hình xoáy tròn quanh đầu của bé. Chú ý tới vùng thóp trên đầu bé.

Chọn vải satin trơn, mềm mại không cọ sát vào đầu của bé, giúp giữ độ ẩm và ngằn ngừa tóc rụng. Khi đặt bé nằm ngủ, các mẹ có thể dùng miếng vải satin lót đầu cho bé. Vải satin sẽ là một gợi ý hay khi lau khô tóc ướt cho bé thay bằng sử dụng khăn bông hoặc khăn xô thông thông thường.

4. Cách điều trị viêm chân tóc hiệu quả


Điều trị viêm chân tóc cần kết hợp giữa thuốc và chăm sóc da đầu đúng cách. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Để giúp việc điều trị viêm chân tóc hiệu quả, người bệnh cần phải kết hợp giữa dùng thuốc và chăm sóc da đầu đúng cách.

Về dùng thuốc, tùy từng trường hợp, thầy thuốc sẽ có chỉ định dùng bài thuốc trị viêm chân tóc thích hợp. Nhưng về cơ bản, thuốc dùng bao gồm cả thuốc uống (thuốc kháng sinh, thuốc an thần chống ngứa và thuốc chống dị ứng) và bôi thuốc kháng khuẩn tại chỗ:

- Để diệt khuẩn thì phải uống (một đợt trong 7 - 10 ngày) một trong các kháng sinh sau: Cefixim, Roxithromycin.

- Để giảm ngứa thì phải uống một trong các thuốc kháng Histamin như Loratadin, Fexofenadin, Chlopheniramin, một đợt từ 5 - 10 ngày.

- Nếu tổn thương da tiết dịch nhiều thì bôi các dung dịch sát khuẩn như Castelani, BIS.

- Nếu tổn thương khô hơn thì bôi hàng ngày trong 2 - 3 tuần, một trong các thuốc có chứa corticoid có hoạt phổ mạnh như: Temproson, Gentrison, Caditrigel...

Về chăm sóc da, việc gội đầu đúng cách cũng là yếu tố quan trọng để điều trị viêm chân tóc hiệu quả. Người bị viêm chân tóc nên tuân thủ các nguyên tắc về gội và chăm sóc da đầu như sau:

- Không gội đầu nhiều lần trong một ngày, chỉ nên gội đầu 2 - 3 lần/tuần.
- Dùng loại dầu gội trị gàu.
- Khi gội chỉ gãi nhẹ nhàng tránh làm xây xước da đầu, không làm tróc vẩy các mụn.
- Không gãi, không cạo trước khi bôi thuốc.
- Không tự ý bôi các thuốc không rõ nguồn gốc lên da đầu.

Tuy nhiên, để chữa bệnh đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu để có những chỉ định điều trị cụ thể. Việc trị dứt điểm viêm chân tóc, rụng tóc cần phải kiên trì mới mang lại hiệu quả rõ rệt.

5. Một số cách phòng tránh viêm chân tóc


Để phòng bệnh viêm chân tóc, nên lựa chọn cho mình một loại dầu gội đầu thích hợp với da đầu của bạn, có ít chất tẩy, không nên nghe theo các quảng cáo mà thay đổi dầu gội liên tục. Nếu có điều kiện hãy nên dùng nước nấu trái bồ kết quả cho thêm một ít muối, hoặc tốt hơn thì dùng xà phòng Sastid. Không nên gội đầu quá nhiều lần trong 1 tuần, nên gội nhiều nhất là 1 lần một ngày. Khi gội, nên xoa bóp da đầu nhẹ nhàng, không được cào nhiều làm xây xát, trầy xước da đầu và gây nhiễm trùng thêm. Sau khi gội, phải xả kỹ tóc bằng nước sạch.

Khi đội mũ bảo hiểm, nên lựa chọn loại mũ có chất lượng, có lớp lót bên trong mũ tránh bám bụi và giữ cho đầu tóc luôn thông thoáng. Cần chú ý không nên đội mũ bảo hiểm khi đầu tóc còn ướt, đồng thời cần giặt mũ bảo hiểm thường xuyên. Không nên đội chung mũ với người khác, nhất là những người bị các bệnh vẩy nến, á sừng.

Trên đây là toàn bộ những nguyên nhân dẫn đến viêm chân tóc ở người lớn và trẻ sơ sinh cũng như cách điều trị dứt điểm viêm chân tóc hiệu quả. Khi da đầu bị ngứa, nổi mẩn đỏ, rụng tóc nhiều, AloBacsi.vn khuyên bạn nên đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện da liễu để thăm khám và được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kịp thời và chính xác.

Mỹ Thi (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X