Hotline 24/7
08983-08983

Viêm amidan, khi nào nên cắt?

Amidan có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, đồng thời cũng là nơi sản xuất ra kháng thể IgG rất cần thiết trong miễn dịch.

Vai trò của amidan

Khi amidan chống lại sự xâm nhập ồ ạt của vi khuẩn vào mũi họng vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng viêm, amidan bị sưng đỏ. Khi gặp tình trạng này, nhiều trường hợp phải cắt amidan. Nhưng khi nào thì nên cắt amidan, khi cắt cần đề phòng những biến chứng nào có thể xảy ra?

Amidan là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng, hoạt động mạnh từ 4 - 10 tuổi. Khi đến tuổi dậy thì, mức độ miễn dịch của amidan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa.

Nguyên nhân gây viêm amidan

Khi amidan chống lại sự xâm nhập ồ ạt của vi khuẩn vào mũi họng vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng viêm amidan (bị sưng, đỏ). Hậu quả của sự tập trung tiêu diệt vi khuẩn tại amidan thường để lại xác vi khuẩn và xác bạch cầu, mô hoại tử thành các cục mủ rất hôi, lâu lâu rớt ra khỏi amidan.

Khi amidan bị viêm nhiều lần, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi. Lúc đó, chính các ổ viêm nằm trong amidan lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm vùng họng tiếp theo.

Có nhiều ngyên nhân gây viêm amidan như do viêm đường hô hấp trên, do lạnh, do nhiễm siêu vi, cảm cúm. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khác như do liên cầu tán huyết beta nhóm A gây ra viêm amidan và hay gây ra biến chứng viêm khớp cấp, viêm nội tâm mạc, bệnh van tim, viêm cầu thận. Do vi khuẩn bạch hầu gây ra giả mạc làm nghẽn đường thở và tạo ra độc tố. Ở người suy giảm miễn dịch, viêm amidan còn có thể xảy ra do nấm.

amidan bình thường và amidan bị viêmAmidan bình thường và amidan bị viêm. (Ảnh: internet)

Triệu chứng

Bệnh nhân bị viêm amidan có các biểu hiện: Sốt cao trên 39-40 độ C. Hai amidan sưng đỏ, đôi khi có giả mạc trắng bám vào. Cảm giác khô cổ, đau cổ, khó nuốt. Thường nhức đầu vùng hai bên thái dương. Nghẹt mũi, chảy dịch hốc mũi, lúc đầu dịch nhày, trong, sau đó dịch đặc hơn, màu trắng hay vàng.

Viêm amidan tái phát nhiều lần, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các biến chứng như bệnh tinh hồng nhiệt, áp-xe quanh amidan, viêm khớp cấp, viêm cầu thận...

Khi nào nên cắt amidan?

Không cứ viêm amidan là phải cắt vì amidan là cơ quan dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công nên rất dễ bị viêm. Nhiều cha mẹ đem con đến BV cắt amidan trong tình trạng này vì coi nó là “thịt dư”, phải cắt đi thì em bé mới mau lớn. Quan niệm này sai hoàn toàn.

Số trẻ em viêm amidan nhẹ rất nhiều và không cần thiết phải cắt. Chỉ các bé bị viêm nhiễm nhiều, amidan hoàn toàn không còn lợi ích cho cơ thể mới nghĩ đến cắt bỏ.

Khi bị viêm amidan, người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa điều trị đúng cách hoặc chỉ định cắt amidan nếu cần thiết. Cắt amidan là một phẫu thuật đơn giản, dễ thực hiện và khá an toàn, nhưng cũng có thể gây biến chứng, thậm chí tử vong.

Bệnh nhân được gây mê trước khi cắt amidan để giảm đau. Khi đó, bệnh nhân còn có thể đối mặt với biến chứng của gây mê - sốc phản vệ.

Biến chứng thường gặp sau cắt amidan

Biến chứng thường gặp nhất sau khi cắt amidan là xuất huyết, khoảng 2-3% người cắt amidan bị chảy máu và tỉ lệ tử vong sau cắt amidan được ước tính là 1/40.000 người với nguyên nhân thường gặp là xuất huyết. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do cắt không đúng kỹ thuật, rối loạn đông máu, chăm sóc không đúng cách.

Xuất huyết có thể xảy ra khi đang phẫu thuật hoặc trong vòng 24 giờ sau khi phẫu thuật (nguyên phát) hoặc sau 24 giờ cho tới 10 ngày sau phẫu thuật (thứ phát). Nếu phát hiện chảy máu sau khi phẫu thuật cắt amidan, người nhà cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để tránh gặp các biến chứng nặng hơn.

Ngoài ra còn có các biến chứng khác như đau họng, viêm họng gây sốt và đau tai, sụt cân, bỏ ăn uống, mất nước vì đau, nhiễm khuẩn tại chỗ gây sốt.

Ở một vài người còn có tình trạng phù nề lưỡi gà và tụ máu gây tắc nghẽn đường thở sau khi phẫu thuật. Chấn thương các mô họng tại chỗ. Một phần của amidan bị sót lại do không cắt hết. Bệnh nhân có thể bị thay đổi tiếng nói nếu amidan lớn. Chấn thương tâm lý, hoảng sợ hoặc trầm cảm sau khi cắt. Nặng nhất là tử vong do biến chứng khi gây mê hoặc do xuất huyết.

Lời khuyên của thầy thuốc

Trong bốn giờ đầu sau khi cắt amidan, người bệnh không nên vận động mạnh, cần nằm nghiêng sang một bên không gối đầu để tránh làm tổn thương vết cắt, gây chảy máu. Nếu xuất huyết nhiều, cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đặc biệt, không nên cho người bệnh ăn thức ăn cứng vì nó sẽ gây tổn thương và gây ra hiện tượng chảy máu.

Sau cắt amidan, người bệnh cần kiêng nói chuyện to, ho, khạc nhổ từ 2 -3 ngày. Sau đó tập phát âm bằng cách nói nhẹ nhàng. Sau một tuần, khi vết thương dần hồi phục, nếu amidan vẫn chảy máu thì cần đến bệnh viện điều trị, tránh nhiễm khuẩn. Lý do là bởi khi amidan đang bị tổn thương, các loại vi khuẩn sẽ có khả năng tấn công vùng họng dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, cần giữ ấm cho cơ thể và đặc biệt là vùng họng, ăn uống theo chỉ định của BS, tránh ăn đồ ăn lạnh và cứng để cổ họng có thời gian được phục hồi.


Theo BS Quang Anh - Website BV Bạch Mai, Hà Nội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X