Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao vẫn cảm thấy đau nhức sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm?

“Nếu ‘gãi’ đúng nguyên nhân thì bệnh nhân có thể bình phục rất nhanh, nếu ngược lại thì tình trạng đau của bệnh nhân vẫn tiếp diễn do không giải quyết triệt để” - ThS.BS Chu Tấn Sĩ lý giải.

Bệnh thoát vị đĩa đệm đang làm cho rất nhiều người hoang mang, đây là bệnh thường gặp và ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống. Hầu hết việc điều trị bệnh này người ta có xu hướng tìm tới phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên, điều này còn tuỳ thuộc chỉ định của bác sĩ.

Thoát vị đĩa đệm: Khi nào nên mổ?

Theo ThS.BS Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - BV Nhân dân 115: Nguyên nhân của thoát vị đĩa đệm thường do thoái hóa cộng với một tác động “giọt nước đầy” nào đó. Những tác động đó có thể là những cử động rất đơn giản như: cúi xách xô nước, sụt ổ gà khi đi xe, mang vật nặng… là những “giọt nước cuối” của tiến trình đó. Hệ quả của những hành động này được cảm nhận ngay lập tức khiến bệnh nhân có triệu chứng đau dữ dội, chèn ép dây thần kinh… phải đi nằm ngay lập tức.

Thoát vị đĩa đệm có chỉ định mổ rõ ràng. Thoát vị đĩa đệm được chia làm 4 giai đoạn, trong đó 2 giai đoạn đầu (phù và lồi đĩa đệm) được điều trị bằng nội khoa. Ở giai đoạn thứ 3 hoặc thứ 4 là khi nhân nhầy lồi về phía vòng sợi bị suy yếu hoặc bị biến dạng, xơ hóa, vòng sợi bị phá vỡ, rạn rách nặng ở nhiều phía. Giảm rõ chiều cao khoang gian đốt sống dẫn đến hẹp ống sống thứ phát và hư khớp đốt sống. Bệnh nhân ở 2 giai đoạn cuối này được chỉ định mổ” - ThS.BS Chu Tấn Sĩ cho biết.

ThS.BS Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - BV Nhân dân 115

Thường, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm sẽ được chỉ định điều trị nội khoa trong khoảng thời gian từ 2 tuần đến 2 tháng. Các biện pháp tổng hợp được sử dụng là: dùng thuốc, vật lí trị liệu, sử dụng đai đeo, bơi lội, thiền, yoga, massa… với mục đích làm cho lỗ liên hợp giãn ra. Sau khoảng thời gian này, bệnh nhân có dấu hiệu cải thiện không đáng kể hoặc có dấu hiệu bệnh gia tăng sau ngưng thuốc thì bác sĩ mới có chỉ định mổ.

Có 80% số bệnh nhân được điều trị thành công bằng phương pháp nội khoa và chỉ 20% phải can thiệp bằng phẫu thuật. Các trường hợp này thường nằm trong nhóm giai đoạn thứ 3 và 4 hoặc không dung nạp được với thuốc vì nhiều nguyên nhân. Những trường hợp này được tiến hành phẫu thuật để giải quyết tình trạng bệnh.

Nếu người bệnh bị đau thì bác sĩ khám bệnh phải xác định là bệnh nhân bị đau mặt nào, rễ nào, đau tại một điểm hay nhiều điểm khác nhau… Chỉ giải quyết phần đĩa đêm khi chắc chắn triệu chứng đau có ảnh hưởng đến việc dây thần kinh. Việc đau tại chỗ sẽ giải quyết theo hướng khác nhằm tạo sự bất động phần xương, khớp gây đau. Vì thế, nếu sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm mà bệnh nhân vẫn còn đau thì cần xem lại nguyên nhân đau và chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, trường hợp chỉ định đúng mà bệnh nhân vẫn đau thì xem xét lại trường hợp phẫu thuật không lấy hết đĩa đệm, chưa thay nhân đệm… Bệnh nhân buộc phải được phẫu thuật lại.

Việc chỉ định phẫu thuật đúng sẽ đem lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh

Trong giai đoạn cấp tính (giai đoạn 1 và 2) thì nên hạn chế tối đa vận động. Bệnh nhân nên nằm nghỉ ngơi, bớt đi lại, ngồi, làm việc… bản thân nó đã giúp giảm đau. Khi nằm, cột sống sẽ được giảm tải bởi một lượng tải trọng khá lớn từ cơ thể. Vì thế, khi bệnh nhân được nằm xuống thì cột sống giãn ra, lỗ liên hợp rộng ra đồng nghĩa với triệu chứng đau được giảm xuống. Đối với những bệnh nhân bắt buộc phải đi lại thì nên đeo nẹp lưng (có thể mua tại các cửa hàng dụng cụ y khoa) sẽ giúp cho cột sống sẽ được cố định khi vận động.

Vai trò của Y học cổ truyền?

Trong ngành Y học cổ truyền, đối với bệnh thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân được châm cứu kết hợp vật lý trị liệu. Sau khi giảm đau, bệnh nhân có thể tập vận động trị liệu, dưỡng sinh kết hợp kéo giãn cột sống. Với bệnh cảnh mãn, bệnh nhân được tập vận động, kéo nắn cột sống kết hợp châm cứu. Một số trường hợp nặng có chiều hướng ảnh sâu tới các nhóm rễ và chức năng của cơ được phối hợp điều trị với chuyên khoa phẫu thuật thần kinh.

Thực tế, ngay cả trong Tây y, phương pháp nội khoa với các bài tập hướng dẫn về tập lý trị liệu được áp dụng tiên quyết đối với những bệnh nhân thoát vị đĩa đệm thời gian đầu. Bơi lội, thiền, yoga, massa… theo đúng hướng dẫn là “bài thuốc” số một trong việc điều trị bệnh ở giai đoạn đầu.

Thuốc nam cũng được ghi nhận có tác dụng làm giảm tình trạng viêm cơ bắp nên giúp điều trị đau. Tuy nhiên thuốc không thể giải quyết triệt để các vấn đề xương khớp. “Điều quan trọng vẫn phải là hiểu trong thành phần thuốc nam được dùng có thành phần thuốc như thế nào và có đảm bảo hay không. Một số nguồn thuốc nam được biết có hợp chất nhằm giảm đau tức thời nhưng có nguy cơ gây kháng thuốc và các tác dụng phụ về sau. Các cơn đau sẽ quay trở lại khi bạn ngừng thuốc. Điều quan trọng, bệnh nhân phải điều trị ở cơ sở uy tín, có chỉ định về liều lượng rõ ràng” - ThS.BS Chu Tấn Sĩ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ThS.BS Chu Tấn Sĩ, dù bệnh nhân chọn lựa việc điều trị Y học cổ truyền ngay từ đầu thì vẫn được làm các xét nghiệm ngay từ đầu để có đánh giá và điều trị chính xác. Nên tuân thủ đúng y lệnh của bác sĩ trong phương pháp điều trị bệnh.

Làm sao để phòng tránh bệnh?

Để tránh mắc bệnh thoát vị đĩa đệm, cách tốt nhất là thay đổi cách sống, chú ý đến tư thế sinh hoạt. Nên hạn chế lao động nặng, vận động mạnh, nhất là những người đang ở giai đoạn cấp tính.

Tư thế sinh hoạt cũng rất quan trọng, việc sinh hoạt đúng tư thế sẽ giúp tránh được các chứng cong quẹo cột sống ở trẻ nhỏ, hoặc chứng thoái hóa cột sống cổ, lưng ở người già và trưởng thành.

Nên ngồi 1 cách thoải mái tránh gò ép, nếu ngồi gò ép sẽ gây tổn thương tới đĩa đệm. Đặc biệt không nên ngồi cúi người ra phía trước vì áp lực nội đĩa đệm tăng cao. Nên đứng thẳng không đứng nghiêng người 1 phía vì gây biến dạng cột sống, tránh luôn những tư thế ưỡn người khi đứng. Tư thế đúng nhất để phòng bệnh thoát vị đĩa đệm chính là chân thẳng, thân người và đầu cũng thẳng, ngực căng ra, hai vai mở ra phía sau.

Không nên nằm sấp, mà nên nằm ngửa và thẳng người. Tốt nhất nên ngủ đệm bình thường không nên nằm nệm mềm vì khiến cho cột sống bị biến dạng.

Khi có túi sách nên đeo trên vai hơn là cầm tay, tốt nhất là đeo trên hai vai cân đối. Tránh đi giày, guốc cao quá đối với nữ (phần gót cao trên 5cm). Nên dùng giày dép vật liệu mềm.

Bơi lội và đạp xe môn thể thao rất tốt cho sức khỏe và xương khớp, bởi các cơ được kích thích vận động nhẹ nhàng. Ngoài ra, người dân cũng nên có thói quen chơi các môn thể thao như: cầu lông, tennis, yoga, lắc vòng... giúp tăng cường sức khỏe. Bệnh nhân ở tuổi trung niên và cao niên nên tập các bài tập nhẹ nhàng với 30 phút buổi sáng mỗi ngày.

Lê Bình
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X