Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao trước khi phẫu thuật phải làm xét nghiệm kiểm tra?

Xin bác sĩ cho biết trước khi bệnh nhân được phẫu thuật thì sẽ được thăm khám, xét nghiệm đánh giá những vấn đề gì? Vai trò của bác sĩ gây mê bắt đầu từ khi nào ạ?

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Trong một cuộc phẫu thuật lớn gồm 6-7 kỹ thuật viên bao gồm phẫu thuật viên chính, phẫu thuật viên phụ, điều dưỡng vòng trong tiếp dụng cụ cho cuộc mổ, điều dưỡng vòng ngoài phục vụ cho những công tác như đưa thêm những thiết bị khi được yêu cầu, bác sĩ gây mê và điều dưỡng gây mê.

Trước khi cuộc mổ bắt đầu, lúc người bệnh nhập viện ở khoa ngoại, bác sĩ ngoại khoa đã khám và là những xét nghiệm lâm sàng để chẩn đoán bệnh sau đó mới đến vai trò của bác sĩ gây mê.

Bác sĩ gây mê đến khám tiền mê, thăm khám người bệnh để đánh giá tổng trạng bệnh nhân. Chẳng hạn như bệnh nhân phải phẫu thuật khối u trong ruột kèm theo bệnh nội khoa như cao huyết áp, tiểu đường hay tim mạch, hô hấp… những bệnh lý kèm theo đôi khi ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc gây mê. Do đó bác sĩ gây mê phải đánh giá thật cẩn thận từng chi tiết về bệnh lý chính cũng như bệnh lý kèm theo.

Để đảm bảo cho cuộc mổ an toàn, bác sĩ gây mê thường khám kèm theo những xét nghiệm cận lâm sàng. Ví dụ như xét nghiệm về huyết học, đánh giá xem đủ lượng máu chuyên chở oxy cho người bệnh trong quá trình mổ hay không, trong quá trình mổ gây mê mất nhiều máu quá thì bác sĩ gây mê phải dự trù máu đầy đủ để đảm bảo cho cuộc mổ an toàn.

Ngoài ra, còn làm những xét nghiệm khác như về đông máu, cầm máu trong và sau mổ để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Bên cạnh đó bệnh nhân được làm xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm về chức năng gan, thận, đường huyết, điện giải đồ hoặc nước tiểu là những xét nghiệm cơ bản đối với một bệnh nhân khỏe mạnh.

Đối với bệnh nhân lớn tuổi, trên 60 tuổi thường có bệnh tim mạch kèm theo, khi đó bác sĩ gây mê sẽ đánh giá làm thêm những xét nghiệm chuyên sâu như siêu âm tim, chụp mạch vành để đánh giá nguy cơ tim mạch của người bệnh trong quá trình phẫu thuật như thế nào.

Những xét nghiệm về hình ảnh học, tối thiểu là điện tâm đồ để xem nhịp tim của bệnh nhân có bất thường hay không, siêu âm tim để đánh giá chức năng của các van tim như thế nào hoặc phổi để xem những bệnh nhân lớn tuổi có bị xơ phổi hay không, có kèm theo bệnh lý hô hấp khác hay không.

Ngoài ra, bệnh nhân nội khoa thường được làm thêm những xét nghiệm chuyên sâu về bệnh lý nội khoa, chẳng hạn bệnh nhân có u tuyến giáp, bác sĩ phải đánh giá chức năng tuyến giáp có bình thường hay không, vì nếu bệnh nhân bị cường giáp, khi gây mê có thể gây tử vong không do bệnh lý chính.

Bệnh nhân sẽ được căn dặn không được ăn uống trước cuộc mổ ít nhất 4 giờ, vì khi bệnh nhân được gây mê, họ thường mất hết phản xạ, nếu trong dạ dày có thức ăn thì khi cho thuốc mê vào, có thể bệnh nhân sẽ có thể nôn ói ra, nếu không kiểm soát được thì họ có thể hít vào phổi. Nếu nhẹ thì đẫn đến viêm phổi, nặng hơn có thể tắc đường thở. Do đó bác sĩ gây mê phải dặn người bệnh rất kỹ là không được ăn thức ăn đặc, không được uống sữa ít nhất 4 giờ trước phẫu thuật.

Với những bệnh nhân có bệnh lý dạ dày, có thể tiêu hóa chậm hơn thì phải nhịn ăn trước 6 giờ nhưng nên cho bệnh nhân uống nước lọc khoảng 2 giờ trước phẫu thuật sẽ giúp giảm tình trạng mất nước của người bệnh trong và sau mổ, hạn chế được một số tai biến, biến chứng cho người bệnh sau mổ.

Tóm lại, người bác sĩ gây mê có vai trò tầm soát những bệnh lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh để lên phương án gây mê phù hợp, đảm bảo cho cuộc mổ an toàn.

BS.CK2 Lưu Kính Khương - Trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhân dân 115

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X