Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao người bị đái tháo đường hay bị viêm phổi, nhiễm trùng máu?

Mẹ tôi năm nay 65 tuổi, bị đái tháo đường type 2 hơn 1 năm nay. Mặc dù bà vẫn đang dùng thuốc điều trị, nhưng sức khỏe suy giảm hơn trước. Đặc biệt vào những ngày thay đổi thời tiết, bà hay bị ho, ho nặng kéo dài nên rất mệt mỏi.

Xin hỏi, có phải người bị đái tháo đường hay bị ho? Làm thế nào để điều trị khi bị ho và phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm? (Phạm Thị Nhiên - Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội)

TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô Hấp, BV Phổi Trung ương cho biết: Ở bệnh nhân đái tháo đường, các mạch máu nhỏ bị tổn thương nhiều ở lớp tế bào lót trong cùng - lớp tế bào nội mạc mạch, các tế bào hồng cầu bị giảm sự mềm dẻo và sự trao đổi oxy bị rối loạn ở mô khiến cho sức kháng khuẩn tại chỗ bị suy giảm.

Chính vì thế, người bệnh đái tháo đường khi tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh thì dễ mắc bệnh hơn so với người khỏe mạnh.

Tiếp nữa là ở bệnh nhân đái tháo đường thì đường huyết cao hơn, do vậy ái lực với vi khuẩn sẽ mạnh hơn người bình thường. Khi vi khuẩn ở trong môi trường đường huyết cao thì độc tính của vi khuẩn cũng mạnh hơn nên rất dễ mắc thêm các bệnh lý khác.

Ngoài ra, với các biến chứng của bệnh đái tháo đường như: bệnh lý thần kinh mạn tính, bệnh lý tim mạch, bệnh lý thận, viêm nhiễm và tổn thương các chi… cũng góp phần vào việc làm giảm sức đề kháng của cơ thể (trong đó có suy giảm chức năng của lớp nội mạc đường hô hấp).

Vì vậy mà nguy cơ bị các tác nhân gây bệnh xâm nhập và mắc bệnh ở người bị đái tháo đường luôn cao hơn, trầm trọng hơn người bình thường. Đó cũng là lý do làm người bệnh đái tháo đường dễ mắc ho, cảm cúm…

Những người bị đái tháo đường khi mắc viêm đường hô hấp cấp hoặc viêm phổi, ngoài những triệu chứng thường gặp như người bình thường ở cơ quan hô hấp như sốt, ho khạc đờm, khó thở, đau ngực… thì họ còn gặp những tổn thương rộng hơn, nặng hơn ở phổi và gây khó thở. Nặng hơn nữa là biến chứng ra màng phổi, xuất hiện mủ màng phổi, áp xe phổi và cuối cùng là nhiễm trùng máu. Biến chứng này thường tiến triển rất nhanh, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây suy kiệt và tử vong.

Do đó, khi người bị đái tháo đường gặp phải các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi… cần đi thăm khám bác sĩ để được điều trị sớm và đúng cách.

Ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng hàng ngày hợp lý cũng góp phần nâng cao sức đề kháng của người bệnh, ổn định đường huyết và ngăn ngừa những biến chứng do bệnh gây ra. Trong đó, nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bị đái tháo đường cần tuân thủ:

- Giảm đường bột, tỷ lệ calo do đường bột cung cấp chỉ nên là 45 - 50% , do chất béo 25 - 30%, do chất đạm 15 - 20%. Nếu béo và cần giảm cân thì số calo chỉ nên là 20 kilocalo/kg thể trọng/ ngày.

- Tăng cường những thức ăn từ rau, củ, quả ít ngọt, có nhiều chất xơ, cung cấp đủ vitamin nhất là vitamin nhóm B vì nó làm tăng chuyển hoá chất đường bột và ngăn ngừa tạo thể cetonic.

- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, hạn chế ăn những thức ăn có chỉ số đường huyết cao vì sau khi ăn lượng đường vào máu nhanh và tăng cao, ăn nhiều những thức ăn có chỉ số đường huyết thấp vì sau khi ăn những thức ăn này lượng đường vào máu từ từ vào ít cao hơn.

Theo Lý Lĩnh - Gia đình mới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X