Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao nam giới dễ bị ung thư trực tràng?

Ung thư đại trực tràng ở vị trí thứ hai trong top 5 bệnh ung thư thường gặp nhất ở nam giới, chỉ sau ung thư phổi.

Theo ThS.BS. Cao Hùng Phú, Giám đốc BV đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, mỗi năm trên thế giới có gần một triệu người được phát hiện bị ung thư đại trực tràng, trong đó nam chiếm tỷ lệ cao hơn nữ. Bệnh này xếp thứ hai trong 5 loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới bao gồm ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư gan, ung thư tuyến tiền liệt.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, bên cạnh yếu tố cơ địa, di truyền, các bệnh lý ở đại trực tràng, ung thư đại trực tràng thường do lối sống, sinh hoạt, ăn uống. Một số nhà nghiên cứu cho rằng thói quen và lối sống của đàn ông thường kém lành mạnh hơn phụ nữ, hay sa đà vào thói quen hút thuốc, uống rượu nhưng lại ít quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ. Đó là lý do nam giới có xu hướng mắc ung thư nhiều hơn nữ, đặc biệt là ung thư phổi và đại trực tràng.

BS Phú cho biết hơn 90% người bị u hoặc ung thư đại tràng được chẩn đoán sau tuổi 50, song độ tuổi bệnh nhân đang dần trẻ hóa. Trong quá trình khám chữa bệnh, bác sĩ thường gặp nhiều trường hợp nam giới mắc bệnh lý polyp đại tràng hoặc trực tràng nhưng phát hiện trễ đã chuyển sang ung thư, thậm chí tế bào ung thư đã di căn. Ban đầu các polyp thường lành tính nhưng do tâm lý của bệnh nhân ngại đi khám đợi đến khi bệnh có triệu chứng rõ ràng thì đã ở giai đoạn muộn, khó điều trị.

Ung thư trực tràng là 1 trong 5 loại ung thư nam giới dễ mắc - ảnh 1Ăn uống thiếu khoa học, lành mạnh khiến nam giới dễ mắc ung thư trực tràng (Ảnh minh họa: Internet)

Thống kê cho thấy bệnh ung thư nói chung, ung thư đại trực tràng nói riêng, ở giai đoạn đầu chưa có biểu hiện đau nếu được điều trị sớm sẽ mang lại tỷ lệ thành công trên 90%. Tuy nhiên tại Việt Nam người dân ít chủ động kiểm tra sức khỏe nên tỷ lệ bệnh cao, khi phát hiện thường ở giai đoạn nặng hơn so với người dân các nước tiên tiến.

Dù vậy, hiện nay một bộ phận giới tri thức tiếp cận thông tin tốt nên đã chủ động hơn trong việc phòng ngừa và đi khám bệnh, nhờ đó bệnh được phát hiện sớm hơn, nhờ đó nâng cao tỷ lệ chữa trị thành công.

BS Phú lưu ý, triệu chứng của ung thư trực tràng và đại tràng thường giống các bệnh đường ruột khác như trĩ, kiết. Do đó mọi người không nên chủ quan khi thấy các biểu hiện như táo bón, tiêu chảy, đi ngoài phân có kèm theo chất nhầy, đau quặn bụng và đại tiện có mót rặn thường xuyên mà không giải thích được nguyên nhân, mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, giảm cân nhanh. Khi đó nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hỗ trợ điều trị sớm.

Thầy thuốc ưu tú Phó Đức Mẫn, BSCK II 2 về ung bướu với hơn 40 năm điều trị ung thư trực tràng khuyên mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần để phát hiện bệnh sớm nếu có.

Đặc biệt người ở độ tuổi trung niên, khi có một trong những biểu hiệu bài tiết không bình thường cần tầm soát ung thư qua xét nghiệm tìm máu trong phân, nội soi… Tình trạng chảy máu khi đại tiện ít hoặc nhiều có thể do viêm, trĩ hoặc ung thư.

Đối với bệnh nhân ung thư đại tràng, phẫu thuật là phương án điều trị đầu tiên để loại bỏ khối u. Khi tế bào ung thư di căn phải hóa trị với thuốc phù hợp với từng loại tế bào. Để phòng tránh bệnh, bác sĩ khuyên mọi người nên có thói quen ăn uống lành mạnh:

- Ăn ít thịt, nhiều đậu: Giảm lượng đạm từ động vật và tăng đạm thực vật. Giảm thịt đỏ từ heo, bò, cừu, thay bằng các loại thịt trắng từ gà, cá, hải sản. Dù sao chất béo trong thịt trắng cũng tốt hơn thịt đỏ.

- Ít muối, nhiều giấm: Không nên ăn mặn bởi đây là nguồn gốc của chứng tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch. Cần hạn chế các thức ăn muối mặn như cá khô, rau củ muối chua, các loại mắm.

- Ăn ít nhai nhiều: Không nên ăn quá no. Hãy dành 20 phút cho mỗi bữa ăn, mỗi miếng nhai 15-20 lần rồi mới nuốt. Khi nhai nhiều giúp thức ăn được nghiền kỹ, trộn đều với men tiêu hóa trong nước miếng. Như thế thức ăn khi xuống bao tử, ruột non sẽ được tiêu hóa tốt và hấp thu nhiều chất bổ dưỡng.

- Chế biến thức ăn bằng cách luộc, hấp tốt hơn chiên, nướng. Hạn chế dầu mỡ hoặc nướng cháy.

- Sữa và các chế phẩm từ sữa nên dùng hàng ngày.

- Tăng cường rau trái để bổ sung chất xơ, chất chống oxy hóa, kháng ung thư. Rau trái màu sậm có trữ lượng chất chống oxy hóa cao. Chất xơ trong rau trái giúp làm sạch đường tiêu hóa.

- Tỏi, gừng, chanh là những gia vị tốt, nên bổ sung vào thực phẩm.

- Ưu tiên chất béo lành như dầu oliu, đậu nành, hướng dương… thay chất béo từ mỡ động vật.

Theo Trần Ngoan - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X