Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao lở miệng nhiều năm chữa không khỏi?

Thưa bác sĩ con 20 tuổi, là nữ, chiều cao cân nặng 1m57 - 51kg. Con bị nhiệt miệng từ nhỏ đến giờ. Chữa trị nhiều nơi nhưng không hết.

Thuốc nào cũng chỉ có tác dụng lần đầu, lần sau là lại lờn thuốc. Con đi khám ở Tai Mũi Họng trung ương thì bác sĩ ở đó nói cái này y học chưa tìm ra nguyên nhân nên cũng có nhiều người bị như con. Con càng uống thuốc là càng bị lỡ nhiều hơn và đau đớn hơn. Con đi chữa bên đông y rồi các cách dân gian cũng không thuyên giảm. 5 năm trở lại đây là lưc tình trạng ngày càng nặng nhất, bây giờ miệng con rất nhiều vết lỡ loét và rất đau đớn. Làm con bỏ hết mọi sinh hoạt hằng ngày không làm gì nỗi. Mong bác sĩ giúp con!

Hai Anh

Ảnh minh họa: Internet


Chào em!

Theo thông tin em mô tả em bị áp-tơ niêm mạc miệng (Recurrent aphthous stomatitis). Áp-tơ niêm mạc miệng là bệnh thường gặp, nguyên nhân chưa rõ, bệnh thường tự giới hạn. Loét aphte không rõ nguyên nhân, thường xảy ra ở miệng hầu, ít gặp hơn ở đường tiêu hoá, hậu môn sinh dục, đặc trưng bởi loét đau, bờ rõ, nền trắng, viền đỏ.

Các loại áp tơ:

- Áp-tơ niêm mạc miệng thể nhỏ (RAS minor): là dạng thường gặp, chiếm tỷ lệ 80%. Tổn thương loét nông, riêng biệt, đau, đường kính từ 3mm đến dưới 1cm. Số lượng tổn thương từ 1-5. Vị trí ở môi, má và nền miệng. Tổn thương lành trong vòng 7-10 ngày, không để lại sẹo. 

- Áp-tơ niêm mạc miệng thể lớn (RAS major): là dạng ít gặp hơn. Tổn thương là những vết loét 1-3cm đường kính, sâu, bờ nổi cao, có thể tập trung thành nhóm. Tổn thương có thể kéo dài tới 6 tuần, khi lành để lại sẹo, có thể gây co kéo miệng hầu. Vị trí tổn thương thường gặp ở môi, hàm ếch mềm, họng.

- Áp-tơ niêm mạc miệng dạng herpes (Herpetiform RAS): đây là dạng ít nhất, đường kính tổn thương 1-3mm. Tổn thương có xu hướng tập trung thành đám; đám tổn thương có thể nhỏ khu trú hoặc diện tổn thương rộng.

Điều trị tại chỗ: Làm sạch răng và mô lợi. Bôi vaselin để che chở vết loét đỡ cọ xát. Có thể bôi dung dịch hỗn hợp bicarbonat, salicylat, borat Na mỗi phần bằng nhau lên vết loét hoặc bôi thuốc dạng gel như: sachol gel, kháng sinh và corticoid.

- Corticoid (Triamcinolone acetonide, 0rrepaste, Mouthpaste): Dạng kem có tính kháng viêm, giảm đau, bám dính tốt, tạo một lớp bao phủ trên bề mặt. Có tác dụng tốt kháng viêm, giảm loét, hạn chế sang thương lan rộng. Kem không bị trôi đi trong môi trường miệng mà vẫn có tác dụng giảm loét, hiệu quả trị liệu tốt, đặc biệt với các vết loét nghi ngờ do áp-tơ, nguyên nhân do thay đổi yếu tố miễn dịch.

Toàn thân: khi áp-tơ đau nhiều, dai dẳng, tổn thương lớn có thể dùng một đợt các loại thuốc sau: corticoid đường toàn thân. Colchicin 0,6 mg x 3lần/ngày. Cimetidin 200mg x 2-4lần/ngày. Acnotin 20mg/ngày.Mertronidazol 500mg/ngày.

Kháng sinh uống có thể cần nếu có nhiễm trùng thứ phát. Em nên tới BS Da liễu khám thực tế điều trị tốt hơn.

Chào em!

Theo ThS Huỳnh Văn Quang - BV 175
Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X