Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao giọng nói trở nên ồm ồm sau cắt amidan?

Em là giáo viên, bị amidan mãn tính nên BS chỉ định cắt nay đã 9 ngày, đã đỡ đau nhưng giọng nói bị ồm ồm, vướng khi nuốt nước bọt. Vậy giọng em có bị thay đổi không ạ?

Chào BS ạ,

Năm nay em 27 tuổi, là giáo viên cấp 2. Em bị amidan mãn tính nên được BS chỉ định cắt và đã tiến hành được 9 ngày. Bữa nay em đã đỡ đau, cổ họng chỉ còn đau 1 chút, nhưng giọng nói của em bị ồm ồm, có vật gì đó như cản ở cuống họng mỗi khi nuốt nước bọt.

BS cho em hỏi vậy giọng của em có bị thay đổi không ạ? Vì là giáo viên nên em rất quan tâm đến điều đó. Xin chân thành cảm ơn BS.

(Dao Thuy - daothuy...@gmail.com)

Thay đổi giọng sau cắt amidan. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Thay đổi giọng sau cắt amidan. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Amidan là tổ chức bạch huyết nằm ở vùng họng miệng, chúng hay bị viêm, hay gây những biến chứng nên có những bệnh nhân bác sĩ phải cắt mới hết viêm nhiễm hay biến chứng.

Thanh quản: là nếp cơ, dây chằng và niêm mạc tạo nên dây thanh âm nằm ở vùng hạ họng. (Như vậy amygdal và dây thanh cách nhau một khoảng, chứ không nằm kề sát bên nhau).

Dây thanh hoạt động do dây thần kinh quặt ngược thanh quản dưới đi từ ngực lên điều khiển sự phát âm (người tim to, hay u thực quản có thể gây khàn tiếng là vì vậy). Amidan và dây thanh do 2 dây thần kinh khác nhau chi phối cảm giác và vận động.

Âm thanh cơ bản do dây thanh âm phát ra, vùng họng, miệng, mũi xoang có tác dụng cộng hưởng âm thanh (tương tự như thùng đàn ghita) tạo nên âm sắc đặc trưng của từng cá nhân.

Như vậy sau cắt amidan không có sự thay đổi giọng nói, nếu có là sự thay đổi không đáng kể của âm sắc, vì amidan chỉ ảnh hưởng tới sự cộng hưởng của khoang họng miệng, không ảnh hưởng tới cao độ, trường độ của giọng nói, giọng hát. Một số trường hợp amidan quá phát làm cho sự cộng hưởng bị cản trở nên giọng nói không thanh thoát (giọng ngậm hạt thị), do đó sau khi cắt amidan giọng nói sẽ hay hơn.

Em bị viêm amidan mãn tính thì vùng thanh quản cũng có thể bị viêm mãn tính đi kèm, đặc biệt là khi em sử dụng thanh quản không đúng cách (nói nhiều, nói lớn, khói thuốc, môi trường ô nhiễm...) sẽ nhanh chóng làm cho chất giọng sẽ bị thay đổi do dây thanh bị phù nề, có polyp dây thanh, nang hay hạt dây thanh... Vì thế, sau cắt amidan mà thấy giọng của mình chưa cải thiện, em cần tái khám lại BS Tai mũi họng, làm soi thanh quản để đánh giá dây thanh âm xem có vấn đề gì hay không, em nhé.

Thân ái.

Mời tham khảo thêm:



Cắt bỏ amidan là một thủ thuật loại bỏ amidan ra khỏi vùng hầu – họng của bạn. Nó là một thành phần trong hệ thống bạch huyết vùng hầu họng, có tác dụng tham gia tiêu diệt vi khuẩn theo thức ăn hoặc không khí đi vào cơ thể.

Khi amidan bị tấn công bởi vi trùng, người bệnh sẽ bị viêm amidan. Triệu chứng của bệnh là đau, sốt, khó nuốt và làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi.

Bạn sẽ có thể cần được cắt amidan để cảm thấy dễ thở hơn, cải thiện những triệu chứng của bệnh hen suyễn, giảm nhiễm trùng vùng hầu họng, xoang và tai. Ngoài ra những tuyến bạch huyết khác gần đó nếu bị nhiễm trùng hoặc phì đại quá lớn cũng có thể được bác sĩ cắt bỏ luôn trong quá trình phẫu thuật.

Bác sĩ sẽ khuyên bạn thực hiện thủ thuật cắt amidan khi:

- Bạn bị viêm amidan mãn tính, tái đi tái lại, hay viêm amidan nặng.
- Chảy máu amidan.
- Những bệnh lý hiếm gặp khác tại amidan: phát hiện mô ung thư tại một hoặc cả hai amidan.

Phẫu thuật là cách đáng tin cậy nhất để có thể điều trị dứt điểm bệnh viêm amidan tái phát. Bạn có thể sử dụng kháng sinh trong một thời gian dài để điều trị. Trên thực tế cho thấy phương pháp điều trị này có thể làm ngưng bệnh trong vòng vài năm.


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X