Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao các ông bố Hàn Quốc được gọi là 'cha ngỗng' hoặc 'cha đại bàng'?

Vai trò của một ông bố điển hình trong xã hội Hàn Quốc không giống với những gì chúng ta vẫn thường thấy trên các bộ phim.

Ở một xã hội phụ hệ như Hàn Quốc, việc nuôi dạy con cái hầu như được coi là trách nhiệm của người mẹ. Người bố thường chỉ đóng một vai trò nhỏ trong việc nuôi dạy con cái. Trung bình một đứa trẻ chỉ có 6 phút mỗi ngày để chơi với bố của chúng.

Điều này được cho là do lối sống bận rộn của người Hàn, khi mà người cha phải thức dậy và đi làm từ sáng sớm lúc bọn trẻ còn chưa ngủ dậy và chỉ trở về nhà khi bọn trẻ đã lên giường.

Những người bố ở độ tuổi trung niên thậm chí còn bận rộn hơn, những ông bố này hiếm khi được nghỉ ở nhà để vui chơi với các con của mình.

Có một điều thú vị là ở Hàn Quốc, việc làm bố cũng được chia ra làm nhiều dạng, phần lớn dựa vào đặc điểm công việc của người bố ấy.

Những người cha không ở cùng nhà với con của mình thì được gọi là “cha ngỗng”. Lý do họ không ở cùng nhà thường là do công việc của bố hoặc do việc học hành của các con.

Có những trường hợp người bố sống và làm việc tại Hàn Quốc, trong khi lũ trẻ và mẹ chúng thì sống ở nước ngoài hoặc gần trường học, miễn sao việc học tập được thuận lợi nhất.

Tên gọi "cha ngỗng" là một sự ví von hình ảnh rằng những người cha này sẽ phải đi lại rất xa để về nhà, giống như những con chim di cư vậy.

Kiểu bố thứ hai là những ông bố kiếm được ít tiền (khoảng 10 triệu won, tương đương 200 triệu đồng), những ông bố này thường không có điều kiện về thăm nhà thường xuyên. Họ được gọi là “cha chim cánh cụt” - bởi họ giống như những con cánh cụt, muốn bay nhưng không bay được.

Kiểu bố thứ ba là những ông bố kiếm được nhiều tiền (khoảng 100 triệu won, tương đương 2 tỉ đồng). Những người cha này được mệnh danh là “cha đại bàng” - một loài chim biểu tượng cho sức mạnh và kĩ năng.

Nhưng dù có gọi là gì đi nữa thì điểm chung của những ông bố này là họ mải mê kiếm tiền chu cấp cho gia đình chứ rất ít tham gia vào sự giáo dục và phát triển của con trẻ. Nhiều người cho rằng họ giống như là một cái máy kiếm tiền, một nhà tài trợ hơn là một người cha.

Một số người bố tuy không quá bận rộn với công việc nhưng cũng hiếm khi dành thời gian để chơi với con. Họ quan niệm rằng nên để dành quỹ thời gian quý báu cho việc học hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa như học âm nhạc, ngôn ngữ hay thể thao thay vì dành thời gian để giải trí, chơi đùa.

Những người cha nghiêm khắc này thường đặt kì vọng rất cao ở con cái của mình và đôi khi, họ thường nhầm lẫn giữa kỉ luật và tình yêu.

Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, có một số người bố được gọi là ‘ddal babo’ hoặc ‘ah babo’. Hai từ này có nghĩa là “con gái ngốc” và “con trai ngốc”, cụm từ này để chỉ những người cha rất yêu con của mình, đến mức chúng tan chảy và biến thành những kẻ ngốc hạnh phúc.

Ngành công nghiệp giải trí đã góp phần tạo nên xu hướng trở thành một người cha năng động và yêu thương con cái.

Một người cha có "con gái ngốc” vô cùng nổi tiếng là võ sĩ kiêm đô vật Chu Sunghoon. Anh là người cha dịu dàng và luôn khiến con gái mình vui vẻ. Nghệ sĩ hài trào phúng nổi tiếng Kim Gura thì được biết đến như một người cha có “con trai ngốc” ngọt ngào.

Việc thể hiện tình cảm một cách công khai với con cái của những người cha này vẫn còn khá lạ lẫm với hầu hết các ông bố trung niên ở Hàn Quốc.

Cách thể hiện tình cảm của những nghệ sĩ này nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ công chúng. Từ đó, nhiều lớp học cách thể hiện tình yêu con và cách để chủ động hơn trong việc nuôi dạy con cái dành cho các ông bố được mở ra và thu hút không ít đơn đăng kí.

Khác với cha mẹ phương Tây, cha mẹ Hàn Quốc hiếm khi bày tỏ tình yêu hay sự khen ngợi với con qua lời nói. Nhưng điều này không có nghĩa là họ không yêu thương con cái của mình. Ngay cả với những ông bố rất bận rộn và vụng về thì họ vẫn có cách thể hiện tình cảm rất riêng.

Chẳng có đứa trẻ nào không cảm thấy hạnh phúc khi thấy bố mình đứng ở ngưỡng cửa với gói quà hoặc đồ ăn vặt mua trên đường đi làm về trên tay cả.

Hiện tại, vai trò quan trọng của người cha trong việc nuôi dạy con cái được nhận thức ngày một rõ ràng hơn. Rất nhiều nam thanh niên trẻ người Hàn Quốc đang dần thay đổi ý thức và thái độ của họ về gia đình trong tương lai.

Theo An Nhiên - Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X