Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao 6 bệnh nhân tử vong do tay chân miệng đều ở miền Nam?

Số mắc tay chân miệng tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, chủ yếu tập trung ở khu vực miền Nam với 41.218 trường hợp (chiếm 77%).

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trần Đắc Phu cho hay tính đến đầu tháng 10, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam.

So với năm 2017, số ca bị tay chân miệng cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, chủ yếu trong miền Nam với 41.218 trường hợp (chiếm 77%). 6 trường hợp tử vong cũng được ghi nhận trong khu vực này. Tuy nhiên, theo TS Phu, điều này không có gì bất thường, bởi hiện tại, số ca mắc trong khu vực miền Nam cao hơn.

Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, lý do tình hình dịch bệnh tay chân miệng năm nay có sự gia tăng mạnh hơn ở khu vực TP.HCM nói chung, miền Nam nói riêng là chủng virus EV71 quay lại, trong khi trẻ chưa có miễn dịch với virus đó. Hiện tại, chủng virus này được ghi nhận nhiều nhất trong số ca mắc.

Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. EV71 cũng được biết đến như một loại virus có vai trò gây viêm não và các hội chứng não cấp, làm cho bệnh nặng hơn.

Theo bác sĩ Khanh, sự quay lại của virus đó có tính chu kỳ, khó dự đoán. Việc chúng ta cần làm bây giờ là kiểm soát chúng. Ngoài ra, với dân số cao hơn, lượng trẻ em cũng nhiều hơn nên số ca mắc nhiều hơn khu vực miền Bắc là điều dễ hiểu.

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết so với cùng kỳ năm 2017, tại TP.HCM ghi nhận số ca độ 2b cao hơn và có cả ca mắc tay chân miệng độ 4.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, PGS.TS Phạm Văn Quang thông tin số lượng bệnh nhân mắc tay chân miệng đến khám thấp hơn 2017. Tuy nhiên, từ tuần 36, lượt khám tăng đột biến, gần tương đương với đỉnh dịch năm 2015, số ca nặng tăng nhanh. Tính đến tháng 9/2018, 814 ca nhập viện, tăng 182,5% so với cùng kỳ năm 2017. Qua 9 tháng đầu năm 2018, quận Tân Phú, Hóc Môn, Tân Bình và Bình Tân lần lượt là bốn quận/huyện có số nhập viện do bệnh tay chân miệng cao nhất.

Dịch tay chân miệng đang bùng phát mạnh ở TP.HCM. Ảnh: Liêu Lãm.
Dịch tay chân miệng đang bùng phát mạnh ở TP.HCM. Ảnh: Liêu Lãm.

Trước sự gia tăng dịch bệnh này trong thời gian gần đây, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, vừa có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị đảm bảo cung ứng thuốc phòng, điều trị bệnh tay chân miệng.

Cơ quan này yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần khẩn trương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc đóng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo về dự trữ, cung ứng thuốc.

Đồng thời, các địa phương cần kịp thời báo cáo về Bộ Y tế trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chủ động lập kế hoạch mua sắm thuốc, cập nhật số lượng và tình trạng các ca mắc tay chân miệng để kịp thời liên hệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để đảm bảo đủ thuốc cho công tác phòng và điều trị bệnh.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc phải chuẩn bị sẵn nguồn thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh.

Cục Quản lý Dược sẽ xem xét giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu thuốc của các cơ sở để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng chống dịch bệnh theo quy định.

Theo Zing

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X