Hotline 24/7
08983-08983

Vị lương y với 32 bản Kiều nôm "độc"

Đó là lương y Nguyễn Khắc Bảo - người đã sửa 918 chữ trong 701 câu trong bản in của cụ Đào Duy Anh về Truyện Kiều.

Đào Duy Anh là một trong số ít người Việt Nam được ghi tên vào bộ từ điển La Rousse với tư cách là một nhà bách khoa toàn thư của thời hiện đại.

Ông là nhà sử học, địa lý, từ điển học, ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng. Ấy vậy mà lại có người "dám" bạo gan sửa chữ của ông. Đó chính là lương y Nguyễn Khắc Bảo, người đã sửa 918 chữ trong 701 câu trong bản in của cụ Đào Duy Anh về Truyện Kiều.

Lương y Nguyễn Khắc Bảo say sưa nghiên cứu chữ Nôm cổ

Sửa 918 chữ trong701 câu Kiều

Nhà Bách khoa toàn thư Đào Duy Anh còn là người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội Việt Nam. Những cuốn từ điển, cuốn sách nghiên cứu, khảo luận của ông được coi là bản chuẩn nhất. Trong số những công trình đó, phải kể đến những công trình nghiên cứu, những cuốn sách về Truyện Kiều được coi là chuẩn nhất hiện nay.

Lương y Nguyễn Khắc Bảo, một người mê Kiều cổ và am hiểu về chữ Nôm cổ có tiếng ở TP. Bắc Ninh bảo: "Cụ Trương Vĩnh Ký in bản Kiều chữ quốc ngữ đầu tiên, sau đó nhiều người cũng in. Nhưng tôi cho rằng bản in của cụ Đào Duy Anh là chuẩn hơn cả. Thế nhưng khi so sánh với 52 bản Kiều nôm cổ mà tôi sưu tầm được thì ngay cả cuốn sách này cũng có nhiều từ chưa chuẩn với chữ gốc".

Bản Kiều quốc ngữ năm 1979 có sự tham gia của nhiều danh sĩ đương đại, dựa trên bản Đào Duy Anh năm 1974 có thể coi là chuẩn mực phổ biến hiện nay, đã được ông Bảo lấy làm bản đối chiếu. Văn bản gốc mà vị lương y này dùng để đối chiếu, tìm ra những chữ in sai nghĩa, sai từ chủ yếu dựa vào bản Liễu Văn Đường năm 1866 và bổ sung bản Thịnh Mĩ Đường năm 1879 để chỉnh sửa những chữ sai. Từ đó làm ra bản Truyện Kiều mới theo hướng phục nguyên.

Một số chữ ở hai bản nôm khác nhau thì ông đối chiếu những bản khác để đưa ra phương án chỉnh sửa. Có tới 918 chữ trong 701 câu Kiều trong bản in của cụ Đào Duy Anh được ông Bảo sửa lại theo đúng bản Kiều nôm gốc. Ví như bản Kiều quốc ngữ in câu: "Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm", nhưng nguyên văn bản Kiều chữ nôm cổ là: "Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm".

Có những câu Kiều bằng chữ quốc ngữ sai lệch hẳn về ngữ nghĩa so với câu Kiều nôm cổ được ông Bảo chỉnh lại, như câu: "Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa", trong khi bản gốc chữ nôm là "Xót lòng trinh bạch từ lâu đến giờ" với nghĩa là Thúy Kiều xót xa về mối tình trong trắng với Kim Trọng.

Có những câu chữ trong bản Kiều nôm cổ khắc gỗ hiện thuộc sở hữu của lương y Nguyễn Khắc Bảo mà không một bản Kiều nôm cổ nào khác có được, như câu thơ "Lạ gì bỉ sắc tư phong" là câu phổ biến in trong các bản Kiều hiện nay với ý nghĩa là "người ta hơn mặt này nhưng lại kém mặt kia" như cô Thúy Kiều nhan sắc nghiêng thành nhưng tình duyên lại lận đận.

Trong khi đó bản Kiều nôm cổ của ông Bảo thì câu thơ này nguyên bản là: "Lạ gì bỉ sắc thử phong". Giải thích về sự khác nhau này, ông Bảo nói: "Chữ "thử phong" là dựa trên câu thành ngữ Hán: Phong vu bỉ - Sắc vu thử. Rút gọn lại là "bỉ sắc thử phong" chứ không phải tư phong như người ta vẫn dùng".

Hoặc câu thơ: "Quản chi lên thác xuống ghềnh - Cũng toan xuống thác với tình cho xong" in trong bản chữ quốc ngữ; trong khi bản Kiều cổ là "Quản chi trên các dưới duềnh - Cũng toan xuống thác với tình cho xong". Ban đầu khi đưa ra chữ gốc của câu thơ này, không ai hiểu tại sao lại là chữ "trên các dưới duềnh", cũng không ai hiểu câu thơ đó có nghĩa gì.

Lương y Nguyễn Khắc Bảo cũng chính là người đầu tiên "giải mã" được điển cố này, làm sáng nghĩa của câu thơ khó hiểu trên. "Câu đó là dựa trên điển tích Dương Hùng nhảy từ trên các (khuê các, tương tự như gác cao) xuống chết, còn câu "dưới duềnh" thì duềnh là mặt nước, dưới duềnh tức là dưới mặt nước - dựa trên điển cố Khuất Nguyên can vua Sở Hoài Vương không được bèn ôm hòn đá nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn.

Đó mới đúng nghĩa của câu thơ chứ không phải là "trên thác dưới ghềnh" chỉ sự gian khó thông thường. Cách viết này giống như phép rút gọn trong viết hoành phi, đại tự. Một điển cố có thể viết thành một câu ngắn, hoặc chỉ còn vài chữ, thậm chí chỉ còn một chữ nếu chữ ấy đủ gợi ra cả điển cố được nhắc đến. Câu từ gợi nhớ đến điển cố nhắc đến hai cái chết của hai nhà thơ thời cổ hợp với văn cảnh Truyện Kiều và ngôn ngữ cổ thời đó"- vị lương y mê Kiều chia sẻ.

Việc chỉnh sửa 4 chữ quan trọng làm thay đổi cả ý nghĩa câu thơ này được ông Nguyễn Khắc Bảo dựa vào bản in cổ Liễu Văn Đường năm 1866, năm 1871; bản Thịnh Mĩ Đường và Quan Văn Đường năm 1879.

Nhiều bản đã bị mục nát


Người lưu giữ báu vật của hậu duệ đại thi hào Nguyễn Du

Sau hàng chục năm cất công sưu tầm từ Nam ra Bắc, lương y Nguyễn Khắc Bảo đã có được 52 bản Kiều nôm cổ. Trong đó có 22 bản gốc được in bằng phương pháp khắc gỗ cầu kỳ, có khi mất nhiều năm trời mới in xong một cuốn; còn lại là các bản photo, bản chép tay Kiều nôm.

Đặc biệt, trong số đó có tới 32 bản hiện được coi là "độc nhất vô nhị" chỉ vị lương y này có. Cổ nhất trong 52 bản Kiều chữ nôm cổ có lẽ phải kể đến bản Liễu Văn Đường 1866. Đây là bản có niên đại lâu đời nhất mà người ta tìm thấy cho đến ngày nay. Nhưng trong bộ sưu tập hiếm có của ông Bảo, còn một cuốn giá trị cũng không kém, được cho là bản chép tay để lấy mẫu in khắc gỗ cuốn Liễu Văn Đường.

Ông Bảo cho hay, trong một lần mang cuốn Kiều nôm cổ này ra tham khảo ý kiến của giáo sư Phan Văn Các (khi đó là Viện trưởng Viện Hán Nôm), vị giáo sư này nói: Đây là một trong những bản Kiều cổ nhất - nếu không muốn nói là cổ nhất - xét cả về nội dung câu chữ và chất liệu giấy.

Đặc biệt, có một bản in được ông sưu tầm từ chính hậu duệ của gia đình anh trai đại thi hào Nguyễn Du là ông Nguyễn Trừ. Hậu duệ của ông Nguyễn Trừ có trong tay bản Kiều nôm cổ nhưng do không am hiểu nhiều về chữ nôm, lại thấy ông Bảo là người say mê Kiều nên đã giao cho ông cất giữ.

Đó là bản in khắc gỗ nhưng qua nhiều năm bị mất tờ bìa nên đến nay vẫn chưa rõ là được in năm nào, tại nhà xuất bản nào. "Qua tra cứu thì tôi thấy rằng nửa đầu của bản in đó không in húy vua Tự Đức nhưng nửa sau lại in húy vua Tự Đức.

Từ đó có thể suy luận rằng cuốn sách đó in từ đời vua Thiệu Trị nhưng giữa chừng vua Thiệu Trị mất (năm 1847), vua Tự Đức lên nối ngôi. Các nhà nghiên cứu cũng cho suy luận này là đúng", ông Nguyễn Khắc Bảo nói.

Mê Kiều và say chữ nôm cổ nên vị lương y giữ gìn 52 bản Kiều nôm cổ cẩn thận như những báu vật có một không hai. Trong số ấy, có thể điểm mặt kể tên một loạt những bản Kiều được in bởi những nhà xuất bản nổi tiếng thời bấy giờ như: Liễu Văn Đường năm 1866, năm 1871; bản Thịnh Mĩ Đường và Quan Văn Đường năm 1879; Văn Nguyên Đường 1879; Bảo Hoa Các; Chu Mạnh Trinh 1906; Phúc An Hiệu 1933 do Tiên điền lễ Tham Nguyễn Hầu soạn vv...

"Chỉnh" cả thời gian Truyện Kiều ra đời

Dựa vào các báu vật trên, ông Nguyễn Khắc Bảo còn "chỉnh" lại thời điểm mà Nguyễn Du viết Truyện Kiều. "Trong các cuốn sách của cụ Đào Duy Anh thì truyện Kiều được viết vào khoảng 1814, thời vua Gia Long. Nhưng theo các bản Kiều nôm cổ thì Truyện Kiều được viết vào thời Tây Sơn, khoảng năm 1796 - 1801", ông Bảo bật mí.

Sự chỉnh sửa quan trọng này được lương y Nguyễn Khắc Bảo dựa trên bản Kiều nôm cổ với viện dẫn sau: "Trong Truyện Kiều có chữ Hán là Chủng, đọc sang âm nôm là Giống (nòi). Một số bản kiều nôm cổ đều có chữ Chủng này.

Nếu vậy thì những bản đó không thể viết trong thời vua Gia Long được vì vua Gia Long tên lúc bé là Nguyễn Phúc Chủng - sau mới đổi là Nguyễn Phúc Ánh. Vì thế, nếu sách viết chữ Chủng là sẽ phạm húy, bị chém đầu. Cụ thể, chữ Chủng trong Truyện Kiều nằm ở câu thơ: Khen rằng khéo giống của nhà Hoạn nương (Chủng - Giống)".

Theo Lã Xưa - Gia đình và xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X