Hotline 24/7
08983-08983

Vi khuẩn HP 'phá' dạ dày ra sao?

Trước đây, nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày được xem xét ở các yếu tố như thói quen ăn uống, tâm lý căng thẳng, tác dụng phụ của thuốc…

Ngày nay, các nhà khoa học phát hiện vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là một nguyên nhân gây viêm loét dạ dày, tá tràng. TS.BS Lê Thanh Toàn - BV Quận 2 (TPHCM), sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về loại vi khuẩn này.

Vi khuan HP  'pha' da day ra sao?

Thưa bác sĩ, các nghiên cứu đến nay cho kết luận rằng hơn 80% trường hợp mắc dạ dày là do vi khuẩn HP gây nên. Nguy hiểm hơn, có đến 90% trường hợp người mắc bị ung thư dạ dày là do vi khuẩn này gây ra. Số liệu này có chính xác?

Hiện nay, một số tạp chí y học thế giới cho biết khoảng 50% dân số thế giới bị nhiễm HP. Đây là một loại vi khuẩn gram âm, có hình dạng xoắn, hiếu khí, sống dưới niêm mạc dạ dày, được phát hiện bởi hai nhà bác học Marshall và Warren vào năm 1982. Một số người hay nhầm lẫn gọi đây là virus.

Tỷ lệ người dân bị nhiễm HP ở các nước đang phát triển cao hơn so với các nước phát triển. Một số tác giả ước tính tại các nước đang phát triển, phần lớn trẻ em dưới 10 tuổi đã bị nhiễm và đến tuổi 50 thì khoảng 80% bị nhiễm vi khuẩn HP. Tại Việt Nam, theo Hiệp hội tiêu hóa gan mật, khoảng 60% dân số đang nhiễm HP.

Một điều cần lưu ý là không phải khi bị nhiễm vi khuẩn HP là chúng ta sẽ bị viêm loét dạ dày tá tràng hoặc ung thư. Chỉ 14% người nhiễm HP sẽ tiến triển thành bệnh loét dạ dày - tá tràng, khoảng 1% trường hợp tiến triển thành ung thư dạ dày.

Điều này là do mối tương tác giữa chủng HP bị nhiễm với đặc điểm di truyền và các thói quen ăn uống (đặc biệt là hút thuốc lá, ăn các thức ăn mặn hoặc thức ăn được ngâm ướp bảo quản...) của người bị nhiễm. Có đến 85% người bị nhiễm HP trong suốt cuộc đời hoàn toàn không có triệu chứng hoặc bệnh tiêu hóa nghiêm trọng.

Vi khuẩn HP sống dưới lớp nhầy của niêm mạc dạ dày, sát cạnh các tế bào biểu mô, chúng sống được trong môi trường ít ôxy và nhiều axít như dạ dày. Vi khuẩn HP còn có khả năng sản xuất ra các chất gây tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm loét dạ dày tá tràng hoặc viêm loét dạ dày? Vậy có phương pháp nào để phát hiện vi khuẩn HP?

HP là loại vi khuẩn sống dưới niêm mạc dạ dày và chúng có thể di chuyển vào lớp biểu mô hoặc lớp cơ của thành dạ dày.

Trong quá trình sống, vi khuẩn HP sản xuất ra một lượng các chất hóa học như urease, catalase và độc tố có khả năng bảo vệ chúng trong môi trường acid và gây tổn thương trực tiếp niêm mạc dạ dày, đặc biệt là urease.

Tại dạ dày, dưới tác dụng của urease, urê bị phân hủy tạo thành các hợp chất kiềm như ammonium chloride (NH4Cl) và monochloramine để bảo vệ vi khuẩn HP. Ngoài ra, với sự hiện diện của vi khuẩn HP, cơ thể chúng ta còn tạo ra các chất kháng viêm như interleukin gây tổn thương nặng hơn cho niêm mạc dạ dày.

Để phát hiện vi khuẩn HP, có rất nhiều phương pháp, nhưng cách thường dùng trong lâm sàng là: CLO test, test hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân. Mỗi phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau cũng như tùy vào từng bệnh nhâncụ thể.

Vi khuan HP  'pha' da day ra sao?

Vi khuẩn HP có lây không? Nếu có thì lây qua đường nào? Diệt HP có khó không?

Vi khuẩn HP có tính lây nhiễm khá cao. Đường lây cụ thể hiện vẫn chưa biết được, nhưng một số chuyên gia cho rằng chủ yếu là đường phân và đường miệng. Người bệnh có thể bị lây nhiễm qua thức ăn, nước uống khi sử dụng chung với người bịnhiễm HP.

Diệt trừ HP không khó. Thông thường sử dụng phác đồ điều trị ba thuốc, trong đó có hai loại kháng sinh và một loại kháng Histamin hoặc PPI. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào sự tuân thủ của người bệnh và tính kháng thuốc của vi khuẩn. Vì vậy, có trường hợp cần phải điều trị nhiều lần bằng những phác đồkhác nhau.

Thông thường, nếu không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào (đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói…) hoặc tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày thì việc điều trị diệt trừ HP là không cần thiết vì điều trị tốn kém, tác dụng phụ cao. Vì vậy, điều trị diệt trừ HP chỉ áp dụng cho những trường hợp có biểu hiện lâm sàng và phát hiện vi khuẩn HP.

Bệnh có thể điều trị khỏi hẳn không, hay dễ tái đi tái lại? Người bệnh trong quá trình điều trị cần phải tuân thủ điều gì? Nếu ở chung nhà với người bị các bệnh liên quan đến dạ dày, có cần đi thăm khám để phát hiện ra vi khuẩn HP sớm không? Bệnh có dễ lây nhiễm trong cộng đồng không?

Như đã nói ở trên, điều trị HP không khó, có thể điều trị khỏi. Nhưng một số trường hợp vẫn phát hiện HP sau khi đã điều trị, có thể do một trong những nguyên nhân sau:

1. Bị tái nhiễm lại (có thể lây nhiễm lại từ những người bị nhiễm HP qua việc ăn uống chung).

2. Bị kháng thuốc (kháng với các kháng sinh sử dụng trong điều trị).

3. Sử dụng phương pháp phát hiện HP không phù hợp (như xét nghiệm máu để tìm HP).

4. Tuân thủ kém.

Việc tầm soát HP để ngăn ngừa ung thư dạ dày là không cần thiết. Nếu trong gia đình có người bị nhiễm HP nhưng những thành viên còn lại không có triệu chứng về đường tiêu hóa thì không nhất thiết phải tầm soát. Do thiếu hiểu biết nên một số người thường đi tầm soát HP với mục đích phát hiện sớm ung thư. Điều này chỉ đem lại sự lo lắng, bất an.

Ai cũng biết sức công phá của HP đối với dạ dày, nhưng ít ai biết được căn bệnh mình đang mang là do nhiễm HP cụ thể là bệnh gì? BS có thể “định danh” từng bệnh cụ thể?

Vi khuẩn HP có thể gây bệnh lý dạ dày mạn tính như viêm teo, loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày có chuyển sản, ung thư dạ dày. Điều được quan tâm nhiều nhất là nhiễm HP có thể gây ung thư dạ dày. Như chúng ta đã biết, vi khuẩn HP có nhiều chủng khác nhau, nhưng không phải chủng nào cũng gây ung thư.

Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi có nên điều trị HP hay không. Khoảng 85 - 100% bệnh nhân bị loét tá tràng bị nhiễm HP chủng CagA+ so với 30 - 60% bệnh nhân không bị loét tá tràng. Khoảng 36 - 47% bệnh nhân bị ung thư dạ dày là do vi khuẩn HP.

Có nhiều giả thuyết cho rằng vi khuẩn HP đóng vai trò trong quá trình ung thư, nhưng cơ chế chính xác chưa giải thích được. Một số nghiên cứu cho thấy, khi điều trị diệt trừ HP ở những bệnh nhân bị MALToma thì khối u giảm.

Vậy cần làm gì để phòng bệnh, thưa BS?

Để phòng ngừa sự lây nhiễm HP, nên ăn chín, uống sạch. Không sử dụng chung vật dụng ăn uống như ăn cùng chén, uống cùng ly. Khi có bất thường ở dạ dày, nên đến khám sớm các cơ sở y tế.

Không nên sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc hay làm theo sự chỉ dẫn của một số người không có trình độ chuyên môn. Không nên lo lắng quá mức khi bị nhiễm HP.

Theo Thiên Nga - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X