Hotline 24/7
08983-08983

Vị bác sĩ “thần đèn” có tài di chuyển các khóa học quốc tế về Việt Nam

Khóa đào tạo thực hành can thiệp thần kinh - đột quỵ trên động vật đầu tiên tại Việt Nam là một phần tâm huyết suốt 10 năm nay của bác sĩ “thần đèn” - TS.BS Trần Chí Cường, người góp công rất lớn trong việc “di chuyển” các chương trình đào tạo quốc tế về Việt Nam.

Anh được biết đến với nhiều chức danh lẫn biệt danh. Chức danh thì nhiều: Chủ tịch hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, nguyên Trưởng đơn vị Can thiệp Thần kinh Đại học Y dược TPHCM, Giám đốc trung tâm Đột quỵ CIH - SIS, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ…
 
Biệt danh cũng không ít: cứu tinh của người đột quỵ, “bàn tay vàng” trong ngành can thiệp thần kinh, thợ thông đường ống, bác sĩ nông dân, người “ăn xin” cho bệnh nhân tài nhất… và có lẽ, nên thêm một biệt danh mới là “thần đèn”.

 

 

TS.BS Trần Chí Cường phát biểu tại lễ khai giảng khóa học Chẩn đoán và điều trị bệnh mạch máu thần kinh đột quỵ từ lý thuyết đến thực hành - Asian Stroke Summer School 2019

Mong muốn nâng tầm y tế Việt Nam ở mức cao hơn, khát khao y tế Việt Nam cũng có một chuyên ngành phát triển, bắt kịp, thậm chí là tốt hơn nhiều so với các nước, Việt Nam cũng có những trung tâm đào tạo đạt chuẩn quốc tế, bác sĩ các nước về đây thực hành... chính là động lực để TS.BS Trần Chí Cường bất chấp khó khăn đưa các khóa học quốc tế về Việt Nam.

Xa xôi, lạnh giá của người tiên phong

Để đưa được những khóa học đạt chuẩn quốc tế, tập trung đào tạo chuyên sâu về thực hành trên động vật và thảo luận ca lâm sàng thực tế từ các chuyên gia đầu ngành trên thế giới trong lĩnh vực can thiệp thần kinh, đột quỵ không hề dễ dàng.

Trong khu vực, chưa nước nào làm được điều này. Đây là chương trình đào tạo mà anh và các cộng sự “di chuyển” từ châu Âu về Việt Nam trên nền tảng hợp tác rất tốt với Hội Đột quỵ châu Âu, được công nhận bởi Hội Can thiệp thần kinh thế giới, Hội Đột quỵ châu Âu, Hội Can thiệp mạch máu Thụy Sỹ...

 
Đây là chương trình chuẩn mực đã được chuyển giao và đào tạo thành công ở châu Âu trong nhiều năm. Việt Nam vinh dự là nước đầu tiên ở châu Á thực hiện lớp học này. Tại châu Âu, khóa học được biết đến là “Lớp học mùa đông” còn tại Việt Nam là “Lớp học mùa hè”.
 

Lớp học mùa đông (Stroke Winter School) đầu năm 2019 chào đón BS Cường với cái lạnh âm 5 độ C tại sân bay Zurich (Thụy Sỹ) - Ảnh tư liệu
 

Thực hành trên "bệnh nhân" heo tại Stroke Winter School - Ảnh tư liệu

a
TS.BS Trần Chí Cường tham gia Stroke Winter School với tư cách là giảng viên - Ảnh tư liệu
 

Các giáo sư, bác sĩ, học viên tham gia khóa học Stroke Winter School 2019 - Ảnh tư liệu

Anh bộc bạch: “Khó khăn lớn nhất đối với lớp học này là huy động cơ sở vật chất. Trong nước có rất nhiều trường đại học y nhưng cơ sở vật chất đủ khả năng để tổ chức những lớp học đạt chuẩn thế giới thì thực sự rất khó.

Cũng may, ngay từ ban đầu khi xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, chúng tôi đã có ý tưởng về đào tạo. Do đó, chúng tôi đã gắn kết từng cọng dây cáp cho đến máy tính, camera... để có thể phục vụ tốt cho giảng dạy. Nếu không quy hoạch trước như vậy, chỉ tính riêng số lượng dây cáp dài hàng ngàn mét, nặng hàng chục tấn thì chúng ta phải cần nhiều xe tải để chuyên chở. Hơn nữa, việc kéo dây cáp vào phòng mổ cũng không đảm bảo vô trùng”.
 

TS.BS Trần Chí Cường kiểm tra dây cáp trong quá trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, nơi sau này sẽ tổ chức những hội thảo, khóa học mang tầm vóc quốc tế - Ảnh tư liệu, tháng 9/2018

Nói là “thần đèn”, nhưng nếu chứng kiến những gì anh dấn thân mới hiểu được rằng, những chương trình chuẩn quốc tế hiện diện tại Việt Nam hôm nay là kết quả của một quá trình phấn đấu bền bỉ, học hỏi kinh nghiệm và những chuyến đi xa chứ không hề có một phép màu nào.

Đó là những ngày đông lạnh giá ở Thụy Sỹ, xuất hiện một bác sĩ Việt Nam tham dự khóa học Stroke Winter School.

Đó là những ngày hè ở Cần Thơ, vị tiến sĩ cùng ekip tất bật quanh một chú heo để “chạy roda” cho khóa học thực hành trên động vật.

Và đó là ông giám đốc bệnh viện, ban ngày khám bệnh, buổi tối xắn quần xắn áo cùng tốp thợ sắp đặt hội trường trên sân thượng, gấp rút hoàn thành để đưa vào hoạt động.

Gần gặn, ấm áp cho người kế tục

Mỗi bác sĩ thần kinh đột quỵ khi còn là sinh viên y khoa đều được thực hành trên xác. Mặc dù đó là cơ hội làm quen với các thao tác nhưng điều này vẫn chưa đủ để họ khỏi bỡ ngỡ khi đối mặt với tình huống thực tế.

Bởi lẽ, đối với xác khô, không có huyết động và tim ngừng đập hoàn toàn, không thể nào đưa những kỹ thuật điều trị xâm lấn. Bác sĩ không thể đặt được những dụng cụ trong lòng mạch máu vì dòng chảy của máu lúc đó đã không còn, cũng không thể bơm được cục máu đông vào mạch máu của xác để thực hành kéo ra, điều đó là không thể.

Nhưng thực nghiệm trên động vật thì đây là một cách thực hành giống như tình huống thật. “Làm thử” trên động vật sẽ giúp các bác sĩ, sinh viên y khoa tích lũy kinh nghiệm, thuần thục kỹ năng và chắc chắn tay nghề, hạn chế thấp nhất tai biến và sự cố y khoa có thể xảy ra khi “làm thật” trên người bệnh.
 

Bên cạnh chương trình giảng dạy lý thuyết thì thực nghiệm trên động vật là điểm thu hút của khóa học. Những chú ỉn - “bệnh nhân” của chương trình học được tắm rửa sạch sẽ trước khi đưa vào phòng Animal Lap.
 

Các bác sĩ gây mê cho bệnh nhân ỉn
 

TS.BS Trần Chí Cường trực tiếp can thiệp cho case bệnh

Các học viên cùng nhau chăm chút từng chi tiết trong việc chuẩn bị “bệnh nhân giả” là những chú heo, đạo đức nghề y trong việc ứng xử với bệnh nhân cũng được bồi đắp, biết trân quý mạng sống, dù đó chỉ là những chú heo - bệnh nhân im lặng, không thể phản kháng, không hiểu tiếng người.

Đây là ý nghĩa to lớn của khóa đào tạo thực hành can thiệp thần kinh - đột quỵ trên động vật đầu tiên tại Việt Nam, tập trung chuyên sâu về thực hành trên phòng thí nghiệm động vật (Animal Lab).

Đây cũng là niềm vui không chỉ riêng các bác sĩ, sinh viên y khoa của Việt Nam mà cả các nước bạn lân cận vì họ không phải tốn kém nhiều và đi quá xa, không phải chịu cảnh mùa đông lạnh giá sang châu Âu để học.
 
Nhiệt huyết 10 năm
 
Trong một cuộc giao lưu trực tuyến với bạn đọc AloBacsi mới đây, TS.BS Trần Chí Cường chia sẻ: “Thời điểm năm 2008, một bệnh viện ở Mỹ sẵn sàng nhận tôi và đưa cả gia đình sang Mỹ để tôi phát triển chuyên môn ở đó, nhưng tôi đã mạnh dạn từ chối với lý do bấy giờ ở Việt Nam hơn 80 triệu người không có một bệnh viện chuyên sâu về can thiệp đột quỵ, càng không có 1 bác sĩ điều trị đột quỵ trên mỗi tỉnh thành.”

Đây cũng là lý do trong 10 năm qua anh vận động và xây dựng bệnh viện đột quỵ đầu tiên ở miền Tây - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ để phục vụ cho hơn 15 triệu dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Nhưng dù có hàng chục bệnh viện đột quỵ mọc lên mà không có đủ đội ngũ bác sĩ giỏi nghề, thì hoài công xây dựng. Thế nên, anh lại tiếp tục hành trình nhân bản thêm nhiều “bàn tay vàng” trong ngành can thiệp thần kinh nữa, bằng cách liên tục tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo chuyên ngành. Những ngày chiêu sinh, anh trăn trở: “Giá mà mỗi tỉnh có một bác sĩ về học thì bệnh nhân đột quỵ khỏe biết mấy!”
 
Luôn đau đáu nghĩ về người bệnh của mình, mặc dù ước mơ ấp ủ suốt 10 năm qua nay đã trở thành hiện thực nhưng ngọn lửa đam mê và trái tim tràn đầy nhiệt huyết của anh vẫn chưa khi nào “hạ nhiệt”.

Hồng Nhung - Mỹ Thi
Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X